Nhạc kịch “Cô Sao” và những giá trị còn mãi

“Trên đời ngàn vạn điều
cay đắng,
Cay đắng chi bằng mất tự do…”

 

Câu thơ nổi tiếng ấy của Chủ tịch Hồ Chí Minh chính là động lực, nguồn cảm hứng để cố nhạc sĩ Đỗ Nhuận “thai nghén” và cho ra đời vở nhạc kịch “Cô Sao”- vở nhạc kịch kinh điển đầu tiên của nền âm nhạc cách mạng Việt Nam. Lần đầu công diễn vào 9/1965 tại Nhà hát Lớn, Hà Nội, vở nhạc kịch “Cô Sao” của nhạc sĩ Đỗ Nhuận đã gây được tiếng vang lớn cả trong và ngoài nước, không chỉ bởi những giá trị của nghệ thuật đỉnh cao, mà còn bởi ý nghĩa của nó đối với cuộc cách mạng của dân tộc.

 

Một cảnh trong vở nhạc kịch “Cô Sao”.

 

Vở nhạc kịch lấy bối cảnh vùng cao Tây Bắc trước Cách mạng tháng Tám năm 1945, khi ánh sáng của cuộc cách mạng đang soi rọi đến từng số phận lầm than, vở nhạc kịch “Cô Sao” là câu chuyện về người con gái Thái xinh đẹp, nết na nhưng cuộc đời đầy bất hạnh tên là A Sao. Mồ côi cha mẹ từ nhỏ, A Sao bị kẻ xấu vu oan là có ma trong người, nên phải một mình vào rừng sống. Tại đây cô đã gặp Hà và Vân, hai chiến sĩ cách mạng hoạt động bí mật, họ đã giúp A Sao có thêm niềm tin, nghị lực vượt lên số phận và tin tưởng vào cách mạng.


Ý định viết vở nhạc kịch được nhạc sĩ Đỗ Nhuận ấp ủ từ những năm tháng bị cầm tù tại nhà tù Sơn La (1941 - 1943), nhưng việc sáng tác vở nhạc kịch này chỉ bắt đầu trong thời gian nhạc sĩ tu nghiệp tại Nhạc viện Tchaikopxki Matxcơva (Liên Xô cũ), những năm 1957 - 1959. “Cô Sao” lần đầu tiên được dựng và công diễn tại Hà Nội vào năm 1965 với hơn 150 nhạc công và quy mô rất đồ sộ. Đến năm 1976, sau khi đất nước hoàn toàn thống nhất, vở nhạc kịch được dàn dựng lại với một phiên bản mới ngắn gọn hơn, do Nhà hát Giao hưởng - Nhạc vũ kịch thực hiện. Từ đó đến nay, mãi năm 2012, con trai nhạc sĩ Đỗ Nhuận là nhạc sĩ Đỗ Hồng Quân mới phục dựng lại vở nhạc kịch này, do nhạc trưởng Nhật Bản, Honna Tetsuji chỉ huy. Toàn bộ lời thoại, kịch bản được dịch ra tiếng Anh và tiếng Nhật. Đặc biệt, tháng 3/2014, bản phục dựng “Cô Sao” đã được công diễn tại Sơn La, nhân kỷ niệm 60 năm Chiến thắng Điện Biên Phủ, thực hiện được ước nguyện của cố nhạc sĩ Đỗ Nhuận, “cha đẻ” của tác phẩm kinh điển này, đó là mang “Cô Sao” trở về với mảnh đất đã sinh ra cô.


Nhạc sĩ Đỗ Hồng Quân chia sẻ: “Những kinh nghiệm nghề nghiệp cộng với sự tiếp thu những kỹ thuật sáng tác mới đã giúp nhạc sĩ Đỗ Nhuận viết ra một tác phẩm đồ sộ, dài hơi, với chuẩn mực quốc tế, gồm các đoạn đơn ca, song ca, hợp xướng, múa, dàn nhạc giao hưởng... Điều đặc biệt là tự tay ông đã viết kịch bản văn học, kịch bản sân khấu, soạn ca từ, phối khí cho dàn nhạc”.


Bởi những gì đã trải qua, đâu đó trong tác phẩm còn có bóng dáng của chính tác giả - người chiến sĩ cách mạng Đỗ Nhuận, và cũng có những chi tiết rất chân thực về xã hội trong thời kỳ trước Cách mạng tháng Tám năm 1945. Vì với nhạc sĩ Đỗ Nhuận, nhà tù Sơn La không chỉ là nơi ông bị địch giam cầm, mà đây còn là nơi có ý nghĩa lớn lao với ông khi những ngày tháng trong tù đã giúp ông giác ngộ cách mạng, hiểu về cuộc giải phóng dân tộc, giải phóng con người và biết đến những câu chuyện đầy màu sắc của con người nơi núi rừng Tây Bắc, những động lực để ông sáng tác ra tác phẩm sau này.
Qua lần công diễn tại Hà Nội năm 2012 tại Sơn La hồi đầu năm nay, vở nhạc kịch “Cô Sao” đã được đón nhận rất nhiệt tình. Theo nhạc sĩ Đỗ Hồng Quân, sắp tới, “Cô Sao” sẽ tiếp tục được công diễn phục vụ khán giả TP Hồ Chí Minh, các tỉnh thành khác và rất có thể sẽ ra mắt khán giả Nhật Bản trong một thời gian không xa.


Dù đã gần 50 năm trôi qua, nhưng “Cô Sao” vẫn có đủ sức chinh phục khán giả, xứng đáng là đỉnh cao nghệ thuật âm nhạc thời kỳ cách mạng kháng chiến. Việc phục dựng tác phẩm âm nhạc kinh điển như vở “Cô Sao” hay nhiều tác phẩm âm nhạc cách mạng Việt Nam… có ý nghĩa rất lớn đối với nền âm nhạc hiện nay, nó giúp cho công chúng được hiểu sâu hơn về lịch sử dân tộc, hiểu các giá trị nghệ thuật của các thế hệ đi trước, góp phần xây dựng tâm hồn con người mới”, nhạc sĩ Đỗ Hồng Quân chia sẻ.


Tạ Nguyên

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN