Nhạc sĩ Thuận Yến qua đời

12 giờ 6 phút ngày 24/5, nhạc sĩ Thuận Yến - tác giả của những ca khúc nổi tiếng như “Bác Hồ - một tình yêu bao la”, “Người mẹ miền Nam tay không thắng giặc” , “Màu hoa đỏ”, “Chia tay hoàng hôn”, “Đi trong hương tràm”, đã trút hơi thở cuối cùng, hưởng thọ 83 tuổi.

 

Nhạc sĩ Thuận Yến và con gái Thanh Lam.

Thật bất ngờ khi lên mạng tìm thông tin về ông, thì không có thông tin nào chính thức và đầy đủ về tiểu sử của người nhạc sĩ tài danh này. Bản thân trang http://vi.wikipedia.org/, vốn tự hào là đầy đủ thông tin nhất, cũng chỉ có một dòng vẻn vẹn về ông trong… phần giới thiệu ca sĩ Thanh Lam, con gái ông.

 

Khi ông mất, rất nhiều báo chí cũng đưa tin theo cách là “bố của ca sĩ Thanh Lam đã qua đời” và sau đó, vì phản ứng của bạn đọc, của người trong giới, mới đổi lại là “nhạc sĩ Thuận Yến qua đời”.


Thường thì, người ta thiệt thòi vì làm con cái của một người cha, người mẹ quá nổi tiếng. Còn nhạc sĩ Thuận Yến lại “thiệt thòi” vì có một cô con gái quá nổi tiếng. Âu cũng có thể dễ hiểu, bởi cùng với Hồng Nhung và Mỹ Linh, ca sĩ Thanh Lam thuộc nhóm 3 diva nổi tiếng của Việt Nam trong suốt nhiều thập kỷ qua, mà chưa ai vượt qua nổi. Và với một người cha, thì đây có lẽ lại không phải là sự thiệt thòi đâu, nếu không muốn nói là một niềm tự hào và một sự hài lòng rất lớn, khi con cái mình giỏi giang, thành đạt.


Còn nhớ, rất nhiều lần, khi gặp bạn bè, khi họp mặt với những nhạc sĩ, báo chí… nghe khen có, nghe chê có về cô con gái lớn này của mình, nhạc sĩ vẫn luôn “thở than”: “Nhiều lúc cũng khổ vì hết người này tới người kia gọi nói ‘Ông bảo cái Lam khi hát đừng nhắm mắt, nhăn mặt, đừng quằn quại trên sân khấu nữa, bảo nó ăn mặc đừng nhố nhăng nữa’, nhưng làm sao mà bảo được, tôi cũng có muốn thế đâu”. Thở than là vậy, nhưng trong mắt ông, vẫn thấy lấp lánh sự tự hào và niềm hãnh diện về con. Làm bố mẹ, ai chả vậy. Thế nên, dẫu khi qua đời, người ta có gọi ông là “bố của ca sĩ Thanh Lam”, thì âu cũng là điều ông có thể hài lòng! Với một người cha, đứng phía sau thành công của con cái, có gì là chuyện lớn.


Nữa là nhạc sĩ Thuận Yến đâu phải không nổi tiếng. Ông là một trong những cây đại thụ của làng nhạc Việt Nam, với những sáng tác “còn mãi với thời gian” như “Bác Hồ một tình yêu bao la”, “Màu hoa đỏ”, “Đi trong hương tràm”… Ông cũng lại là một nhạc sĩ có nhiều sáng tác được các ca sĩ trẻ hiện nay yêu thích như “Tình yêu không lời”, “Em tôi” “Khát vọng”, “Chia tay hoàng hôn”… Mà hầu hết ca khúc trong số đó, cũng đã góp phần làm nên tên tuổi của ca sĩ Thanh Lam!


Nhớ về nhạc sĩ Thuận Yến, là nhớ hình ảnh một người nhạc sĩ quân đội giản dị, có phần khắc khổ. Ông luôn xuất hiện trong bộ quân phục, có lẽ cũng bởi ông đã có nhiều năm tháng gắn bó với chiến trường, đã từng là cán bộ văn nghệ của quân đội.


Theo thông tin từ gia đình ông, nhạc sĩ Thuận Yến tên khai sinh là Đoàn Hữu Công, sinh ngày 15/8/1932, quê ở Duy Xuyên, Quảng Nam. Ông là cán bộ văn nghệ của Đoàn văn công Liên khu V từ năm 1949, sau đó theo học lớp Trung cấp sáng tác tại Trường Âm nhạc VN. Bước vào kháng chiến chống Mỹ cứu nước, ông viết những bài hát động viên thanh niên lên đường: “Ba lô ta buộc cho chặt”, “Vành lá ngụy trang rất xanh”... Năm 1965, ông lên đường trở lại chiến trường sáng tác, lấy bút danh là Thuận Yến, ông sáng tác nhiều ca khúc như: “Hát mừng quê ta giải phóng”, “Mỗi bước ta đi”, “Bài ca tiếp vận, Mỗi dòng thư Bác sáng ngời niềm tin”. Ông đã có mặt trên chiến trường Trị Thiên - Huế và khi cuộc đấu tranh chính trị phát triển mạnh, ông đã viết ca khúc “Người mẹ miền Nam tay không thắng giặc” và ca khúc này đã nhanh chóng được yêu mến ở cả hai miền Nam, Bắc.


Sau đó, Thuận Yến theo học sáng tác tại Nhạc viện Hà Nội. Kết thúc khóa học, ông về Đoàn Văn công Tổng cục Xây dựng kinh tế. Đây là thời điểm ông viết những ca khúc nổi tiếng về đề tài ca ngợi lãnh tụ: “Bác Hồ - một tình yêu bao la”, “Vầng trăng Ba Đình” và những đề tài khác như: “Lênin, Người đến đất nước tôi” (Giải nhì cuộc thi nhân kỷ niệm 40 năm ngày thành lập Quân đội nhân dân Việt Nam), “Hương tràm”, “Chia tay hoàng hôn” (thơ Hoài Vũ), “Tình yêu không lời”…


Gia đình nhạc sĩ Thuận Yến được coi là gia đình âm nhạc. Vợ của ông là nghệ sĩ đàn tranh Thanh Hương. Con gái lớn của ông là diva Thanh Lam, con trai là nhạc sĩ, DJ Trí Minh - người sáng lập Liên hoan âm thanh Hà Nội. Các cháu của ông cũng đều khá nổi danh trên làng nhạc. Năm 2009, các con ông đã thực hiện liveshow “Tình yêu không lời” dành tặng cha mình.


Năm năm trở lại đây, căn bệnh Alzheimer đã khiến nhạc sĩ Thuận Yến mất đi những ký ức của mình, có những khi ông dường như còn không nhớ nổi tên các con, những người thân quen… Cầm cự với căn bệnh tới những ngày cuối tháng 5 này, ông đã ra đi về cõi vĩnh hằng. Lễ viếng ông sẽ được cử hành từ 10 giờ đến 12 giờ 30 ngày 27/5, lễ truy điệu tổ chức lúc 12 giờ 30 tại Nhà tang lễ Bộ Quốc phòng, số 5 Trần Thánh Tông, Hà Nội. Lễ an táng nhạc sĩ Thuận Yến diễn ra lúc 15 giờ cùng ngày tại Nghĩa trang Công viên Vĩnh hằng.


Thêm một nhạc sĩ tài năng của nền âm nhạc Việt Nam đã ra đi, một “mùa hoa đỏ” đã rụng xuống…

 

Anh Minh

Nhạc sĩ Hoàng Vân trọn đời trả nghĩa Điện Biên
Nhạc sĩ Hoàng Vân trọn đời trả nghĩa Điện Biên

Trên căn gác nhỏ số 14 Hàng Thùng, Hà Nội, bên ấm trà ngan ngát, nhạc sĩ Hoàng Vân, người sáng tác ca khúc nổi tiếng "Hò kéo pháo" như đang sống lại những năm tháng hào hùng của dân tộc với bao hoài niệm

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN