18 năm kể từ ngày ông “về với cát bụi” (ngày 1/4/2001), những bài hát của nhạc sĩ Trịnh Công Sơn vẫn là một phần đặc trưng không thể không nhắc đến khi nói về âm nhạc và văn hoá Việt Nam. Nhạc của ông đi vào lòng người nhẹ nhàng như hơi thở, vang lên đều đặn trong các quán cà phê buổi sáng như một thói quen của người thành phố hay trong các vùng ven đô, trong các ca khúc biểu diễn ở phòng trà và cả trong những show biểu diễn được thể hiện bởi nhiều thế hệ ca sĩ, nghệ sĩ. Những buổi biểu diễn tưởng nhớ, những sự kiện họp mặt của cộng đồng người hâm mộ Trịnh Công Sơn vẫn diễn ra hàng năm và vẫn luôn nhận được sự quan tâm của đông đảo công chúng Việt Nam trong và ngoài nước.
Với một di sản để lại cho làng âm nhạc Việt Nam gồm hơn 600 ca khúc, trong đó có hơn 236 ca khúc được phổ biến rộng rãi và được công chúng tích cực đón nhận, yêu mến, cái tên Trịnh Công Sơn đã trở thành một huyền thoại trong làng âm nhạc Việt và là một trong những nhạc sĩ vĩ đại nhất trong lịch sử Việt Nam. Nhạc của Trịnh Công Sơn giàu tính triết lý và sâu sắc với dấu ấn rất riêng trong tư tưởng và ca từ, thể hiện tình yêu to lớn dành cho con người, quê hương Việt Nam và ca ngợi hòa bình cùng những bản tình ca nồng nàn, sâu lắng.
Trịnh Công Sơn cũng là nhạc sĩ Việt Nam có ảnh hưởng quốc tế rộng rãi. Ông được báo chí và cộng đồng quốc tế nhắc đến như “Bob Dylan của Việt Nam” (BBC), “Nhạc sĩ được yêu mến nhất tại Việt Nam” (The Washington Post). Không chỉ vậy, âm nhạc của Trịnh Công Sơn còn ghi dấu ấn đặc biệt tại Nhật Bản.
Trịnh Công Sơn là nhạc sĩ Việt Nam đầu tiên có sản phẩm âm nhạc phát hành tại thị trường Nhật Bản với nhiều ca khúc, trong đó có “Diễm xưa” và “Ca dao mẹ”. Hơn 2 triệu album bán ra tại Nhật Bản trong nhiều năm qua là minh chứng cho sự thành công này. Các ca khúc của ông cũng được dịch ra tiếng Nhật và được biểu diễn, thu âm bởi những nghệ sĩ hàng đầu Nhật Bản như Tokiko Kato, Yoshimi Tendo, Aya Shimazu và thường xuyên được hát trong Kohaku Uta Gassen, chương trình âm nhạc Đêm giao thừa thường niên của đài truyền hình quốc gia Nhật Bản NHK trước hàng triệu khán giả.
Khi ông qua đời vào năm 2001, nhiều tờ báo lớn quốc tế như The New York Times, Los Angeles Times, BBC,... đã đưa tin về lễ tang cũng như cuộc đời và sự nghiệp của ông.
Năm 2016, trong chuyến thăm Việt Nam, tổng thống Mỹ đương nhiệm Obama cũng nhắc đến bài hát “Nối vòng tay lớn” của Trịnh Công Sơn như một sự biểu trưng cho tinh thần hòa bình và hữu nghị. “Trịnh Công Sơn được công chúng quốc tế biết đến như Bob Dylan của Việt Nam, với những ca khúc về nỗi buồn chiến tranh và mong ước hòa bình” - The New York Times.
Với những đóng góp quan trọng cũng như tầm ảnh hưởng của ông đối với văn hóa đại chúng Việt Nam và cộng đồng quốc tế, nhạc sĩ Trịnh Công Sơn đã được Google Doodles lựa chọn để vinh danh trên trang chủ của Google, nhằm tôn vinh những cống hiến của ông. “Đây là một món quà sinh nhật thật ý nghĩa cho anh Sơn và gia đình chúng tôi, một niềm vui cho cộng đồng yêu nhạc Trịnh”, bà Trịnh Vĩnh Trinh, em gái nhạc sĩ Trịnh Công Sơn chia sẻ.
Google Doodles là những biểu tượng đặc biệt, thay thế tạm thời cho biểu tượng Google trên trang chủ Google.com (hay Google Tiếng Việt - Google.com.vn) nhằm chào mừng các ngày lễ lớn, các sự kiện, thành tựu và nhân vật có đóng góp quan trọng ở nhiều lĩnh vực cho cộng đồng ở đất nước Việt Nam, hay cho nhân loại. Trên trang chủ Google Tiếng Việt (Google.com.vn) từ năm 2003 đến nay đã có nhiều tác phẩm Doodles, như cách mà Google tôn vinh nét văn hoá đặc trưng tại Việt Nam cũng như kỷ niệm những ngày lễ truyền thống: ngày nhà giáo Việt Nam, Tết trung thu, Tết nguyên đán, ngày quốc khánh…