Nhiếp ảnh gia Nick Út trao tặng 'Em bé Napalm' cho Bảo tàng Phụ nữ

Bức ảnh “Em bé Napalm” cùng 4 bức ảnh về chiến tranh Việt Nam và chiếc máy ảnh hiệu Nikkormat được nhà nhiếp ảnh Nick Út trao tặng cho bảo tàng Phụ nữ Việt Nam.

Nhà nhiếp ảnh Nick Út trao tặng bức ảnh "Em bé Napalm" cho Bảo tàng Phụ nữ Việt Nam.

Ngày 6/5, tại Bảo tàng Phụ nữ Việt Nam (36, Lý Thường Kiệt, quận Hoàn Kiếm, Hà Nội), nhà nhiếp ảnh Nick Út (Huỳnh Công Út) - cựu phóng viên ảnh của hãng thông tấn Mỹ AP (Associated Press) đã chính thức trao tặng Bảo tàng Phụ nữ 5 bức ảnh về chiến tranh Việt Nam, cùng chiếc máy ảnh hiệu Nikkormat – một trong những chiếc máy ảnh ông đã sử dụng trong thời gian làm phóng viên chiến trường tại Việt Nam. 


Trong số 5 bức ảnh được trao tặng cho Bảo tàng Phụ nữ Việt Nam lần này, có 4 bức ảnh khác do Nick Út chụp, và 1 ảnh do đồng nghiệp chụp hình ông cùng cô bé Phan Thị Kim Phúc bị bỏng do bom Napalm ngày 8/6/1972 tại Trảng Bàng, Tây Ninh.


Trải qua thời gian, bức ảnh “Em bé Napalm” đã có sức sống và tác động mạnh mẽ. Chỉ sau 4 giờ được gửi đi từ Sài Gòn, bức ảnh đã vượt ra khỏi biên giới Việt Nam đến Tokyo (Nhật Bản) và New York (Mỹ), đã gây sốc trên toàn thế giới, châm ngòi cho phong trào phản chiến tại Mỹ và nhiều cuộc biểu tình chống chiến tranh Việt Nam khắp châu Âu lúc bấy giờ. Đồng thời, bức ảnh cũng đã mang về giải thưởng danh giá Pulitzer (Mỹ) cho Nick Út năm 1973.

Nhà nhiếp ảnh Nick Út giới thiệu về những bức ảnh được ông trao tặng.

Loạt ảnh của Nick Út đã làm thay đổi số phận của nhân vật chính - cô bé Kim Phúc. Từ một nạn nhân chiến tranh, cô đã trở thành Đại sứ hòa bình của Liên Hợp quốc, cô đã đi khắp thế giới để nói chuyện về chiến tranh Việt Nam, cả những di chứng và những vết thương đã khép lại. Đến nay, Nick Út và Kim Phúc vẫn giữ liên lạc thường xuyên với nhau, và cô gọi Nick Út là cậu Út với sự thân thương như người thân trong gia đình.


5 bức ảnh đen trắng không chỉ là câu chuyện của cuộc chiến, của lịch sử mà còn là câu chuyện của tình người, của sự kết nối, của sự bền vững và truyền cảm hứng cho cuộc sống hôm nay.


Ngay sau khi chụp xong bức ảnh, Nick Út nhanh chóng dội nước cho Kim Phúc đỡ nóng, trấn an cô bé và đưa cô cùng những đứa trẻ khác vào cấp cứu tại bệnh viện Củ Chi. Hình ảnh ông đang trấn an cô bé cũng được đồng nghiệp chụp lại, và là một trong số 5 bức ảnh được ông tặng Bảo tàng Phụ nữ dịp này.


Nick Út - tên thật là Huỳnh Công Út, một cái tên nổi tiếng trong làng báo chí quốc tế, nhưng hiền lành, giản dị như một người Việt Nam bình thường nhất. Ông bảo, trong sâu thẳm trái tim, ông vẫn tự hào với cái tên Việt Nam và là người Việt Nam. Sau 51 năm cống hiến cho hãng AP, tháng 3/2017 ông nghỉ hưu. Khi không còn quá bận rộn với công việc, ông mong muốn gửi lại thành công của mình tới một nơi để lưu giữ lịch sử cho thế hệ mai sau.


Đây là lần đầu tiên Nick Út tặng những bức ảnh này, và ông chọn Bảo tàng Phụ nữ Việt Nam, bởi theo ông đây là địa chỉ tốt nhất để chuyển những thông điệp hòa bình đến với thế giới. “Mình không còn trẻ nữa. Ba lần bị thương trong chiến tranh, giờ vẫn còn mảnh đạn ở trong người. Cuộc sống chẳng biết thế nào. Mình muốn gửi lại một nơi để gìn giữ lịch sử cho đất nước, cho đời sau, cho thế hệ trẻ. Hình ảnh về một người phụ nữ, câu chuyện về một người phụ nữ, không đâu phù hợp hơn là Bảo tàng Phụ nữ Việt Nam” – nhà nhiếp ảnh Nick Út chia sẻ.


Theo bà Nguyễn Thị Bích Vân, Giám đốc Bảo tàng Phụ nữ Việt Nam, những bức ảnh của tác giả Nick Út sẽ được trưng bày long trọng tại Bảo tàng Phụ nữ Việt Nam từ sáng ngày 6/5 - 18/5/2017, để phục vụ khách tham quan, và hướng tới ngày Quốc tế bảo tàng năm 2017 với chủ đề “Bảo tàng và lịch sử: Chia sẻ những câu chuyện chưa kể tại Bảo tàng”. 


Dưới đây là 5 bức ảnh chụp trong trận bom Napalm tại Trảng Bàng, Tây Ninh ngày 8/6/1972, được nhà nhiếp ảnh Nick Út chụp  trao tặng Bảo tàng Phụ nữ Việt Nam:  

Bức ảnh "Em bé Napalm". Phan Thị Kim Phúc cùng anh trai Phan Thanh Tâm và những đứa trẻ khác chạy trốn bom Napalm của Mỹ. Khói lửa bao phủ khắp nơi, lửa bén vào quần áo khiến Phúc bỏng ở tay và lưng.

Phan Thị Kim Phúc được các phóng viên chiến trường dội nước vào người.

Nick Út, phóng viên hãng AP (người đội mũ) sau khi dội nước vào người Phan Thị Kim Phúc, trấn an em trong khi chờ ô tô đưa đi bệnh viện.

Một người bà con của Phan Thị Kim Phúc bế cháu trai chạy trên quốc lộ sau khi quân đội Việt Nam Cộng hòa dội bom Napalm xuống Trảng Bàng.

Bà ngoại Phan Thị Kim Phúc bế em trai cô chạy trên quốc lộ, vừa chạy vừa kêu: "Giúp cháu tôi, giúp cháu tôi". Em bé đã qua đời ngay sau đó.


Phương Lan/Báo Tin Tức
Kiến trúc sư Nhật Bản trao tặng Hà Nội mô hình cổng làng Mông Phụ thu nhỏ
Kiến trúc sư Nhật Bản trao tặng Hà Nội mô hình cổng làng Mông Phụ thu nhỏ

Chiều 16/3, Bảo tàng Hà Nội đã tổ chức lễ đón nhận mô hình cổng làng Mông Phụ của làng cổ Đường Lâm, do Giáo sư, Kiến trúc sư Ejima Akiyoshi người Nhật Bản trao tặng.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN