Nhiều hoạt động văn hóa Tết đặc sắc

Nhằm mang tới một không khí vui Xuân phấn khởi cho người dân, các cơ quan quản lý và các đơn vị nghệ thuật sẽ tổ chức nhiều chương trình Tết, nhiều hoạt động biểu diễn mừng Đảng, mừng Xuân.

Tái hiện Tết truyền thống

Chương trình Vui Xuân Bính Thân năm 2016 của Bảo tàng Dân tộc học Việt Nam sẽ diễn ra trong hai ngày 13 - 14/2, tại Bảo tàng Dân tộc học Việt Nam (Hà Nội). Chương Trình Tết năm nay sẽ giới thiệu đến công chúng một số nét văn hóa đặc trưng ở khu vực Tây Nguyên như: Chiêng tha (Brâu); Đàn Bôông Bôông, Đing pú (Brâu); Đàn Tơ rưng (Bana); Cồng chiêng và xoang, Klông Pút (Xơđăng/Bana); Hát giao duyên (Xơđăng/Bana); đồng thời giới thiệu những nét ẩm thực độc đáo của Tây Nguyên. Đến với chương trình, du khách còn được tham gia khám phá 12 con giáp, viết thư pháp, in tranh Đông Hồ, tham gia những trò chơi dân gian như cọp bắt dê (dân tộc Raglai), bịt mắt tìm người (Giarai), bắt sói, đi cà kheo (Mông, Sán Chay, Bana, Xơ đăng), đứng tượng (Giarai), húc trâu (Bana)… Đặc biệt vào 19 giờ ngày mồng 6 Tết (13/2/2016) sẽ diễn ra chương trình “Đốt pháo bông mừng năm mới”.

Cũng là chương trình vui Tết, nhưng chương trình “Tết Việt” lần đầu tiên được tổ chức, diễn ra tại Bảo tàng Hà Nội từ 29/1 - 3/2/2016. Đây là một trong những hoạt động văn hóa lớn do Sở Văn hóa, Thể thao Hà Nội tổ chức trong dịp Tết Nguyên đán năm nay. Chương trình nhằm tái hiện không gian Tết xưa của vùng đồng bằng Bắc Bộ với các hoạt động như thi gói bánh chưng (sẽ có sự tham gia của những chuyên gia bảo tồn di sản và cả người dân với mục đích gợi lại thao tác gói bánh chưng đúng phong cách truyền thống), dựng cây nêu, cây bông ngày Tết, tổ chức nhiều trò chơi truyền thống xưa nhằm gợi nhớ không gian Tết Việt của đồng bằng Bắc Bộ.

“Tết Việt” cũng sẽ có sự tham gia của hơn 200 gian hàng, được chia thành nhiều khu vực: Khu làng nghề truyền thống Hà Nội, khu dành cho các doanh nghiệp nghề truyền thống; khu ẩm thực; khu quảng bá văn hóa, du lịch Hà Nội; khu cây cảnh Tết, khu trò chơi dân gian… Tại khuôn viên ngoài trời của Bảo tàng Hà Nội cũng diễn ra 3 sân khấu: Sân khấu chính; sân khấu truyền thống dân gian; sân khấu đường phố; với các hoạt động biểu diễn nghệ thuật như ca trù, chèo, trống hội, hát chầu văn, viết câu đối, tặng chữ, biểu diễn nhạc dân tộc, các chương trình xiếc, chương trình ca nhạc hiện đại. Chương trình có sự góp mặt của một số ca sĩ Sao Mai 2015, Giọng hát hay Hà Nội. Bên cạnh đó, còn có những hoạt động bên lề như buổi trò chuyện hướng dẫn chuẩn bị mâm cỗ Tết cổ truyền của nghệ nhân Ánh Tuyết; cách bày ban thờ gia tiên trong ngày Tết của giáo sư Trần Lâm Biền.

Rộn ràng lời ca, tiếng hát

Bên cạnh hoạt động “Tết Việt”, Sở Văn hóa, Thể thao Hà Nội cũng giới thiệu nhiều chương trình, hoạt động văn hóa, nghệ thuật sẽ diễn ra trong dịp chào mừng Tết Bính Thân.

Cụ thể là hoạt động chiếu phim mừng Đảng - mừng Xuân Bính Thân, diễn ra tại Trung tâm Văn hóa Kim Đồng từ ngày 28/1 đến 3/2. Trung tâm phát hành phim và chiếu bóng tổ chức chiếu phim phục vụ các tầng lớp nhân dân Thủ đô, đặc biệt là bà con ở nông thôn, các vùng sâu, vùng xa tại các quận, huyện trên địa bàn thành phố từ ngày 2/2 - 13/2 (dự kiến tổ chức 15 buổi chiếu). Bên cạnh đó, Sở Văn hóa, Thể thao Hà Nội sẽ tổ chức triển lãm Mừng Đảng - mừng Xuân Bính Thân diễn ra từ ngày 1/2 - 15/2 tại Nhà triển lãm 93 Đinh Tiên Hoàng, Hoàn Kiếm, Hà Nội.

Đặc biệt, đêm giao thừa, như thường lệ, vào 21 giờ ngày 7/2 (29 tháng Chạp), tại 4 sân khấu ngoài trời sẽ diễn ra các hoạt động biểu diễn nghệ thuật, gồm Vườn hoa Tượng đài Lý Thái Tổ do Nhà hát Chèo biểu diễn; Trung tâm quận Hà Đông do Trung tâm Xiếc và Tạp kỹ Hà Nội biểu diễn; thị xã Sơn Tây do Nhà hát Cải lương Hà Nội biểu diễn và trước cửa sân vận động Quốc gia Mỹ Đình do Nhà hát ca múa nhạc Thăng Long trình diễn. Bên cạnh đó, vào 20 giờ ngày 11/2 - 13/2 (mùng 4, 5, 6 Tết Bính Thân) sẽ là chương trình biểu diễn nghệ thuật mừng Đại hội Đảng và mừng Xuân Bính Thân tại trung tâm 30 quận, huyện, thị xã và khu vực đông dân cư.
PV
Cho, chia, hùn, mượn... trong văn hóa Tết ở Tây Nam Bộ
Cho, chia, hùn, mượn... trong văn hóa Tết ở Tây Nam Bộ

Khi đặt chân đến vùng đất mới khai hoang lập nghiệp dựng nhà lập xóm, người dân Tây Nam Bộ hiểu hơn ai hết câu “tối lửa tắt đèn có nhau”. Tình làng nghĩa xóm bền chặt mới có thể giúp họ vượt qua biết bao thử thách khắc nghiệt của thiên nhiên.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN