Nỗi niềm họa sĩ tỉnh lẻ

Festival Mỹ thuật trẻ 2014 vừa khép lại với giải nhất thuộc về tác phẩm điêu khắc “Dự án mới” của họa sĩ Trần Văn An (Ý Yên, Nam Định). Điều này cho thấy, các họa sĩ ở tỉnh lẻ, thậm chí ở những vùng xa xôi, dù điều kiện sáng tác còn gặp nhiều khó khăn nhưng vẫn nỗ lực để tạo ra những tác phẩm nghệ thuật vượt trội.


Thiếu “đất” thể hiện


Dù đã tốt nghiệp Đại học Mỹ thuật 2 năm nay nhưng sau một thời gian về Ninh Bình tìm việc, họa sĩ trẻ Nguyễn Minh Tuấn vẫn chưa tìm được công việc phù hợp với tấm bằng họa sĩ. Công việc của anh hiện nay là làm cho một công ty về máy tính, đôi lúc “nhớ nghề” anh vẫn đi vẽ thuê, làm thêm cho các lớp dạy mỹ thuật. Không chỉ Tuấn, mà rất nhiều các họa sĩ trẻ ở các tỉnh lẻ, sau khi ra trường vẫn đang “vất vưởng” chưa có “đất” để phát huy tài năng và sự sáng tạo của mình.

 

Tác phẩm điêu khắc “Dự án mới” của họa sĩ Trần Văn An (Nam Định), giải nhất Festival Mỹ thuật trẻ 2014.


Họa sĩ Nguyễn Minh Tuấn chia sẻ: “Sau khi học xong, số lượng các họa sĩ trẻ như mình xin được vào các cơ quan nhà nước rất ít, phần lớn chúng tôi hoạt động tự do, ai thật sự nổi bật mới có thể khẳng định mình qua các cuộc thi, các giải thưởng, nhưng những cơ hội như vậy cũng không nhiều. Nhất là các họa sĩ tỉnh lẻ như chúng tôi lại càng khó khăn, vì môi trường hoạt động nghề nghiệp không được thuận lợi như ở các thành phố lớn, nhiều cuộc thi, nhiều giải thưởng thậm chí chúng tôi còn không biết thông tin để tham gia. Như tôi cũng không thể tự sinh sống bằng giá vẽ, sau khi ra trường tôi phải học thêm đồ họa máy tính để “lấn” sang những công việc khác”.


Còn họa sĩ trẻ Trần Văn An (Ý Yên, Nam Định) tâm sự: “Hiện nay, khoảng cách giữa các họa sĩ đang hoạt động ở các tỉnh với các họa sĩ ở các thành phố lớn là rất xa. Thứ nhất, là các họa sĩ ở các tỉnh còn gặp nhiều khó khăn ở việc tiếp cận thông tin, rất khó khăn để nắm bắt các thông tin về hoạt động nghệ thuật. Thứ hai là môi trường hoạt động nghệ thuật còn bị giới hạn nhiều. Ở các tỉnh, chủ yếu chúng tôi chỉ hoạt động trong các câu lạc bộ hoặc các chi hội với nhau chứ không có sự giao lưu nhiều và rộng rãi như các hoạ sĩ ở các thành phố lớn. Thậm chí, các xu hướng, trào lưu mới, hay các nội dung có thể đưa vào sáng tác như: Các vấn đề xã hội nóng bỏng, những chuyển biến của đất nước, thế giới hay những tiêu chí, thay đổi của ngành thì các họa sĩ ở các trung tâm lớn có thể cập nhật được ngay, họ còn dễ dàng trao đổi với các nghệ sĩ trên thế giới trong khi họa sĩ ở các tỉnh lẻ như chúng tôi thì không có được điều kiện đó”.


Theo họa sĩ Vy Kiến Thành, Cục trưởng Cục Mỹ thuật, Nhiếp ảnh và Triển lãm, Festival Mỹ thuật trẻ 2014 là một cuộc thi mở rộng toàn quốc, nhưng chỉ có khoảng 20% số lượng tác giả là ở các tỉnh, còn các họa sĩ ở hai thành phố lớn như Hà Nội và TP Hồ Chí Minh tham gia chiếm tới 80%. Đây là một dấu hỏi lớn khi tác phẩm được đánh giá cao lại nằm trong 20% ít ỏi, chứng tỏ, ở các tỉnh lẻ, có rất nhiều họa sĩ có tài năng, có sức sáng tạo tốt nhưng họ chưa có điều kiện để thể hiện, chưa có môi trường tốt để phát triển.


“Có thực mới vực được đạo”


Họa sĩ trẻ Trần Tưởng (Kim Động, Hưng Yên) chia sẻ: “Muốn vẽ một bức tranh khoảng 2 mét vuông nhưng vì không có tiền, người họa sĩ chỉ có thể vẽ trên khổ kém 50 phân, kém chỉ 50 phân hay nhiều hơn nữa thì bức tranh đó dù nghệ thuật đến đâu cũng khó lòng được giải, vì không đủ tiêu chuẩn kích thước để tham dự giải thưởng. Nhưng khi họ có thể đầu tư hơn một chút để có bức vẽ đúng kích thước chuẩn, chắc chắc họ sẽ thành công, dù không được giải cũng là đã thành công vì thể hiện được ý tưởng của mình. Một ví dụ như vậy để thấy rằng “có thực mới vực được đạo”.


Cũng theo họa sĩ Trần Tưởng, đời sống của các họa sĩ, nhất là những người ở các tỉnh lẻ vô cùng khó khăn, ảnh hưởng rất nhiều đến sức sáng tạo. Nhiều họa sĩ sáng tác được tác phẩm tốt nhưng không có điều kiện để gửi tham dự các giải thưởng hoặc không thể tự làm được triển lãm. Trong khi đó, các cuộc thi sáng tác mỹ thuật hiện nay quá ít ỏi, giải thưởng cũng quá thấp không động viên được anh em họa sĩ làm nghề”.


Nói về mong muốn để sáng tác, họa sĩ trẻ Trần Văn An tâm sự: “Chúng tôi rất cần những sân chơi, các hoạt động nghề nghiệp, cần khán giả và cũng cần có chế độ đãi ngộ đối với nghệ sĩ nói chung và họa sĩ nói riêng. Khi được quan tâm, động viên chắc chắn các họa sĩ sẽ yên tâm sáng tác, phát huy sức sáng tạo cho nền mỹ thuật nước nhà”.


Theo họa sĩ Vi Kiến Thành: “Chúng ta chưa có nhiều điều kiện để hỗ trợ cho anh em họa sĩ, nhất là những người ở các tỉnh xa, các tỉnh miền núi, nhưng trước mắt, có thể động viên và khuyến khích họ bằng giải thưởng mỹ thuật. Giải thưởng cao hơn sẽ động viên tinh thần cho các họa sĩ tập trung sáng tác, để họ đầu tư tốt hơn cho sản phẩm của mình, như vậy mới có thêm nhiều tác phẩm chất lượng”.


Bài và ảnh: Tạ Nguyên

Trao giải Festival Mỹ thuật trẻ 2014
Trao giải Festival Mỹ thuật trẻ 2014

Ngày 5/9, tại trường Đại học Mỹ thuật Việt Nam đã diễn ra lễ bế mạc Festival Mỹ thuật trẻ 2014 và trao giải thưởng cho các tác giả có tác phẩm xuất sắc.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN