Đường Lâm (Sơn Tây, Hà Nội), ngôi làng cổ độc nhất vô nhị ở vùng đất hai vua, mấy ngày qua đã gây sự chú ý đặc biệt của dư luận bởi lá đơn có chữ ký của gần 80 hộ gia đình đề nghị trả lại danh hiệu di sản quốc gia cho Nhà nước. Có những dư luận khác nhau về sự việc có một không hai này. Có ý kiến cho rằng, đó chỉ là bức xúc nhất thời. Cũng có ý kiến, sự việc trên cho thấy có sự bất cập trong việc bảo tồn, phát huy giá trị di sản với cuộc sống của người dân địa phương.
Cái tên Đường Lâm gây xôn xao dư luận thời gian gần đây sau vụ "xin trả lại danh hiệu di sản quốc gia". Ảnh Internet.
|
Rất nhiều dẫn chứng được đưa ra về nỗi khổ của 1.500 hộ dân nơi đây. Có gia đình có tới 4 thế hệ, 3 cặp vợ chồng sống trong một ngôi nhà chỉ vài chục mét vuông; một lớp mẫu giáo “nhồi” tới 80 cháu… Dân số ngày một phình ra, nhưng vì là di sản nên không được phép xây dựng quy mô lớn. Còn muốn cải tạo thì phải làm kiểu cổ, vật liệu là gỗ, đá ong, ngói truyền thống… Làm một ngôi nhà như thế đắt gấp đôi nhà gạch bình thường, trong khi phần lớn người dân ở đây sống chủ yếu dựa vào mấy sào ruộng. Vì quá bức bách về chỗ ở, nhiều hộ đánh liều xây trộm, thì ngay lập tức bị cưỡng chế…
Vắn tắt lại, 10 năm được vinh danh là di sản quốc gia, cuộc sống của đại bộ phận người dân Đường Lâm chưa có sự thay đổi nào đáng kể, trong khi đó những bất cập ngày càng nảy sinh. Cụ thể, là một di tích đan xen với cuộc sống của người dân, nhưng những điều khoản về bảo tồn, phát huy giá trị làng cổ Đường Lâm chẳng khác gì với việc bảo tồn một ngôi đình, ngôi chùa. Bất cập này từng được chính quyền địa phương kiến nghị lên các cấp có thẩm quyền, nhưng tới thời điểm này vẫn chưa có hồi âm. Đáng kể là thủ tục xin phép xây dựng. Khi chưa được công nhận là di sản quốc gia, Đường Lâm được coi là vùng nông thôn, ai muốn xây nhà thì cứ thế mà xây, không phải xin phép. Nhưng khi trở thành di sản thì Đường Lâm phải chịu sự điều chỉnh của cả Luật Di sản Văn hóa lẫn Luật Xây dựng. Do vậy, dù là xây cái tường rào cũng phải xin phép, từ làm đơn lên thôn, lên xã, rồi lên huyện, lên Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch, rồi phải được sự thỏa thuận Cục Di sản văn hóa, sau đó lại trình hồ sơ lên Sở Xây dựng… Quả là nhiêu khê. Bởi vậy, trong mấy năm vừa qua, chưa hộ dân nào đủ sức chạy theo cả đống thủ tục như vậy.
Chưa hết, người dân Đường Lâm còn thêm nỗi khổ vì mô hình phát triển du lịch ở đây chẳng giống ai. Theo thống kê, mỗi năm có trên dưới 2 vạn người đến tham quan Đường Lâm. Đời sống sinh hoạt của người dân địa phương bị xáo trộn đáng kể. Sống ngay trong nhà mình, nhưng chẳng có nổi một không gian yên tĩnh, nhất là những lúc ốm đau, mệt mỏi. Ấy vậy mà, những gì mang lại từ du lịch thì chẳng mấy người dân được hưởng!!!
Được sinh ra và sống ở vùng đất văn vật, người dân Đường Lâm ai mà chẳng tự hào. Bởi thế, lá đơn mà có chữ ký của họ cũng là sự bất đắc dĩ. Điều mà người dân Đường Lâm cần lúc này là một quỹ đất giãn dân cùng một quy chế hợp lý. Chỉ khi những vấn đề dân sinh được giải quyết hợp tình, hợp lý, chừng đó người dân Đường Lâm mới yên lòng sống cùng di sản!
Yến Nhi