Ông là người hiếm có khi tham gia vào cả ba thể loại chính của văn học nghệ thuật hiện đại nước nhà là thơ trữ tình, văn xuôi và kịch nói sân khấu. Điều đáng nể trọng là ở cả ba lĩnh vực, ông đều là người đi tiên phong và có thành tựu sáng chói.
Ngọn cờ đầu của phong trào Thơ mới
Thế Lữ tên thật là Nguyễn Thứ Lễ, sinh năm 1907 tại ấp Thái Hà, Hà Nội.
Thế Lữ bước vào con đường nghệ thuật bằng tài năng thơ ca. Quả thực, thơ của ông đã đưa ông trở thành ngọn cờ đầu của phong trào Thơ mới với nhiều bài thơ bất hủ đã đi sâu vào tâm thức của nhiều thế hệ người Việt.
Những bài thơ của Thế Lữ lúc đó, như những làn gió trong lành, để làm nguôi ngoai đi những băn khoăn trăn trở của các tầng lớp nhân dân trước những cảnh đời bất công cùng bao điều xấu xa, ngang trái của xã hội đương thời. Ông đã đưa người đọc vào chốn bồng lai tiên cảnh:
"… Theo chim, tiếng sáo lên khơi
Lại theo dòng suối bên người tiên nga
Khi cao vút tận mây mờ
Khi gần, vắt vẻo bên bờ cây xanh
Êm như lọt tiếng tơ tình
Đẹp như ngọc nữ uốn mình trong không"
(Tiếng sáo thiên thai)
Thơ Thế Lữ đã đột phá cái khuôn phép tù túng của tư tưởng phong kiến, giải phóng tâm tư của thế hệ mới, nói được bản lĩnh của con người đang dần tự khẳng định trước xã hội. Đặc biệt, ông đã góp phần đáng kể vào việc hiện đại hoá thơ ca Việt Nam, khẳng định giá trị biểu hiện sinh động, đa dạng của Thơ mới. Ông được giới văn học và độc giả suy tôn là “ông hoàng thơ ca”.
Còn trong cuốn “Thi nhân Việt Nam”, các nhà phê bình văn học Hoài Thanh và Hoài Chân đã trân trọng đặt ông vào vị trí số một của phong trào Thơ Mới và lời nhận định: “Độ ấy Thơ Mới vừa ra đời, Thế Lữ như vừng sao đột hiện ánh sáng chói khắp cả trời thơ Việt Nam. Thơ Thế Lữ về thể cách mới không chút rụt rè, mới từ số câu, số chữ, cách bỏ vần, cho đến tiết tấu âm thanh”.
Bài thơ “ Cây đàn muôn điệu” của ông chính là bản tuyên ngôn của phong trào Thơ mới, mở đầu một thời kỳ lãng mạn trong thi ca Việt Nam:
“Tôi chỉ là một khách tình si
Ham vẻ đẹp của muôn hình, muôn thể
Mượn lấy bút nàng Ly Tao tôi vẽ
Và mượn cây đàn nghìn phiếm tôi ca…”
Nghệ thuật ngôn ngữ, âm điệu, hình ảnh… ở thơ Thế Lữ đã đạt tới độ tinh xảo đủ để “chuyên chở” cái cõi mộng của hồn ông. Hơn hai phần ba thế kỷ đi qua, nay đọc lại vẫn còn mới mẻ.
Hãy nghe ông tả âm thanh:
"Êm như hơi gió thoảng cung tiên
Cao như thông vút, buồn như liễu
Nước lặng, mây ngừng, ta đứng yên"
(Tiếng gọi bên sông)
Và lưu khoảnh khắc: "Mây hồng ngừng lại sau đèo/ Mình cây nắng nhuộm, bóng chiều không đi (Tiếng sáo Thiên Thai).
Tìm tới sân khấu với tất cả niềm say mê
Thế nhưng dường như về lĩnh vực văn học thơ ca không thể tải hết mong muốn của ông về một xã hội công bằng, bác ái… do đó, Thế Lữ đã tìm tới sân khấu để nói được nhiều hơn, để đến với đông đảo quần chúng nhân dân hơn.
Ông cho rằng kịch nói chính là một vũ khí sắc bén để chuyển tải những ý tưởng tốt đẹp tới người xem. Thế Lữ đã tìm tới sân khấu với tất cả niềm say mê, hào hứng và đầy trách nhiệm. Ngay từ những ngày đó, Thế Lữ đã xác định: Nghệ thuật kịch trường Việt Nam sẽ được cải tiến, có một địa vị xứng đáng, sẽ xây nền đắp móng trên đời sống xã hội Việt Nam. Kể từ đó, hàng loạt vở kịch ra đời và gây được tiếng vang rất lớn. Ông đã đạo diễn các Cái lọ vàng của Mai Phương, Ông ký Cóp và Kim tiền của Vi Huyền Đắc…
Cách mạng tháng Tám thành công, những ấp ủ về nền kịch nghệ nước nhà của Thế Lữ như con thuyền đang ở ngòi lạch được thênh thang ra biển lớn. Ban kịch Thế Lữ đã đem đến cho đông đảo khán giả rất nhiều vở diễn hào hùng, lý thú và đầy cảm xúc… Đó là bản kiến nghị “Sân khấu Việt Nam và kế hoạch xây dựng tân kịch” mà ông trình bày tại Hội nghị văn hóa toàn quốc cuối năm 1946. Bản kiến nghị này là tâm huyết, là hoài bão mà ông ấp ủ suốt bao năm, nhằm xây dựng một nền kịch nghệ nước nhà sau khi giành được độc lập từ tay thực dân Pháp.
Và suốt 9 năm kháng chiến chống thực dân Pháp, biết bao vở kịch dài ngắn được phục vụ cho quần chúng, động viên sức người, sức của cho cuộc kháng chiến trường kỳ.
Sau 1954, hòa bình lập lại, Thế Lữ trở thành người phụ trách của Đoàn Kịch nói Trung ương. Ông tham gia biên kịch, đạo diễn, biểu diễn rất nhiều tác phẩm và ở bất cứ cương vị nào thì Thế Lữ vẫn là một Thế Lữ đầy say mê, cảm xúc và trách nhiệm với nghề và với công chúng. Tên tuổi của ông gắn liền với sự phát triển của nghệ thuật sân khấu nước nhà, nhất là bộ môn kịch nói. Các thế hệ đi sau vẫn luôn nhắc tới ông với một sự thành kính, yêu mến nhất: Thế Lữ - “Người anh cả” trong làng Sân khấu Việt Nam.
Và Giải thưởng Hồ Chí Minh dành tặng cho ông từ năm 2000 chính là để tôn vinh những nỗ lực và thành tựu của ông trên lĩnh vực này.
Đúng như ý tứ trong bài thơ “Cây đàn muôn điệu”, cuộc đời sáng tạo nghệ thuật của Thế Lữ cũng đa dạng, phong phú và làm say đắm lòng người, như số phận một cây đàn có thể cất lên ngàn lời ca. Cho dù cuộc đời ông cũng trầm luân, cũng thân phận và bi kịch như mọi kiếp người, nhưng trái tim người nghệ sĩ vẫn không ngừng rung động trước cái đẹp, và miệt mài tìm kiếm, tôn vinh cái đẹp để dâng cho đời. Tròn 30 năm sau ngày ông đi qua “cõi tạm”, ngày 3/6/1989, những di sản mà Nghệ sĩ nhân dân Thế Lữ để lại cho nền văn học nghệ thuật nước nhà vẫn không ngừng được các thế hệ tiếp nối và tôn vinh.