Nữ thi sĩ và hành trình “đi tự tim mình”

Không theo con đường của một nghệ sỹ chuyên nghiệp và cũng không có nhiều cơ hội được mở rộng tầm mắt bằng những chuyến đi thực tế nay đây, mai đó, song thơ và truyện ngắn của Nguyễn Thị Minh Thuận (hội viên Hội văn học nghệ thuật tỉnh Thái Bình) luôn đậm chất tự sự, đậm chất “đời”. Đọc những tác phẩm của chị sẽ không ai biết được ẩn dưới những câu từ ấy là một trái tim yêu nghệ thuật và nghị lực vượt lên số phận.


“Kẻ mắc nợ với bạn bè”


Giới văn nghệ sỹ Thái Bình từng nhận xét về nữ thi sỹ Nguyễn Thị Minh Thuận rằng, chị đến với thơ như người đi đường xa đang khát gặp nguồn giếng mát. Nhưng hành trình đến với thơ của chị lại từ cột mốc văn xuôi với giải B của Hội nhà văn Việt Nam vào năm 1984 với tập truyện ngắn “Làm chị”. Truyện của chị nhẹ nhàng và uyển chuyển như thơ.


Và mười năm sau “Làm chị”, người đọc bỗng nhiên bắt gặp một tâm hồn thơ mộc mạc, chân chất Nguyễn Thị Minh Thuận trong cuộc thi “Một tâm hồn - một thế giới” do Hội Bảo trợ xã hội tỉnh Thái Bình tổ chức. Lần này chị đạt giải Nhất và tập thơ đầu tay “Sợi nắng mong manh” cũng ra đời, sau đó là các tập “Đi tự tim mình” (2004) và “Tình thơ, tình bạn” (2008).


Nhà thơ Minh Thuận vượt qua hoàn cảnh khó khăn để đến với tình yêu thơ .


Phần lớn các bài thơ của chị đều là thơ lục bát và thơ tự do, chủ yếu thơ tình. Ở đó luôn chứa đựng hình ảnh của một người phụ nữ với những khát khao yêu đương. Ngọn lửa ấy như thúc giục chị cần viết và phải viết: “Anh lại giục - em làm thơ tiếp đi/ Anh muốn đọc những dòng thơ em viết/ Chỉ giục em thôi, anh đâu có biết/ Quên giục trái tìm mình tha thiết với tình em” (Anh - em và thơ)


Chị tự bạch: “50 tuổi đời xuất bản được tập sách thứ ba, kể ra không có gì để nói về sức viết. Tôi gửi vào đó những niềm riêng, làm thơ là cách mà tôi “kéo” đời về gần với bản thân mình”. Ngoài yếu tố thừa hưởng từ truyền thống của gia đình, trên con đường thơ của chị Minh Thuận có một thứ chị gọi là “tài sản” mà chị may mắn có được một cách “dư dật”, đó là tình bạn. Chính tình bạn đưa chị đến với “người bạn” thơ và nghiệp cầm bút sáng tác văn chương. Tập thơ “Đi tự tim mình” chị viết dành tặng cho bạn bè của mình. Phần đầu tập thơ chị đã tự bạch: “Câu thơ đầu tiên viết được trên đời cũng bởi xúc động về sự quan tâm của bạn. Bài thơ đầu tiên được in báo cũng do bạn yêu mình mà mạnh dạn mang đến tòa soạn gửi đăng… Mỗi bài thơ, câu văn ra đời trong căn phòng nhỏ của tôi đều thấm đẫm một tình yêu bè bạn và bỗng nhiên, tôi thành kẻ mắc nợ với bạn bè”.


Nhân duyên giữa nữ thi sĩ Minh Thuận và thơ văn là từ tình bạn, và chị làm thơ để trả nghĩa bạn đời và cũng là cách để giúp chị bù đắp lại những sự trống trải, không tròn trịa nỗi riêng tư, của một số phận không may mắn: “Nhà tôi từ độ đón thơ/ Bốn phương thành bạn, bốn mùa thành hoa”.


Vượt lên số phận


Theo lời chỉ dẫn của người dân làng, chúng tôi không khó để tìm ra căn nhà chị đang ở xã Vũ An (Kiến Xương, Thái Bình). Căn nhà mái bằng chưa đầy 40m2, nằm ngay gần UBND xã Vũ An, trước đây từng là nhà kho của Hợp tác xã Nông nghiệp của xã, nay là nơi sinh sống của chị cùng với cô em gái. Trong căn nhà nhỏ hệ thống ống nước được thiết kế ngay cạnh giường, một chiếc nồi cơm điện cũ được tận dụng làm tất cả các món, từ kho, luộc đến xào..., và dĩ nhiên giường một góc là chỗ ngủ, một góc là nhà bếp. Cả hai chị em chung một căn bệnh, không xây dựng gia đình cùng nương tựa vào nhau, mưu sinh từ những đồng tiền ít ỏi của cửa hàng tạp hóa của chị Thuận. Và cũng chính nơi góc nhỏ chứa những bộn bề cuộc sống ấy đã nảy nở một tâm hồn thơ đa cảm, tình si.


Cuộc trò chuyện giữa chúng tôi và chị có đôi chút khó khăn vì căn bệnh thần kinh teo cơ khiến cả dây thanh quản bị chèn ép khiến giọng nói cũng không được tròn trịa. Chị kể, khi sinh ra chị đã yếu hơn bạn bè cùng trang lứa nhưng vẫn có thể đi lại bình thường. Lớn lên, sức khỏe lại giảm đi rõ rệt. Đến năm lớp 7 căn bệnh thần kinh kết hợp với một trận sốt xuất huyết “thập tử nhất sinh” thì chị không thể đi lại được nữa. Sự học cũng “đứt gánh” từ đó. Càng ngày căn bệnh khiến chị càng yếu đi nhiều. Đôi bàn tay co quắp, nên muốn cầm bất cứ vật gì chị đều phải có một điểm tì hoặc chủ yếu dùng sức của cổ tay, cánh tay để ghìm lấy. Hàng ngày, chị chỉ quanh bốn góc giường, và từ đó cả thế giới…, bỗng nhiên nhỏ lại.


Trong lúc đang bế tắc, tình cờ chị một lần đọc báo thấy bài nói chuyện của nguyên Tổng Bí thư Nguyễn Văn Linh tại Hội nghị thanh niên toàn quốc, trong đó có câu: “Mỗi chúng ta hãy tự cứu mình, trước khi trời cứu”. Câu nói ấy là nỗi trăn trở, day dứt của chị trong cuộc hành trình đi tìm chính mình. Nhưng một cơ thể tàn tật lại thêm việc học hành cũng dang dở thì có thể làm được gì?


Với những gì quan sát được từ cuộc sống và dòng máu văn chương trong người nên việc đầu tiên là chị ghi lại cảm xúc của mình về thiên nhiên, gia đình, bè bạn. Những vần thơ lục bát, những mẩu truyện ngắn, những đoạn tản văn cứ thế lần lượt hiện ra. “Thơ làm cho riêng mình, để khuây khỏa nỗi buồn, cùng lắm là đọc để bè bạn nghe cho vui, chứ chẳng nghĩ đến rằng mình sẽ thành nhà thơ” – chị chia sẻ. Một trong số những người bạn của chị đã “lén” gửi thơ cho các báo, tạp chí và dần dần đưa thơ và chị đến gần hơn với độc giả. Dù cầm bút khó khăn nhưng những bản thảo với nét chữ khó nhọc về thơ tình vẫn ra đời.


Rồi chuyện “cơm áo không đùa với khách thơ”, những đồng nhuận bút ít ỏi không đủ để trang trải cho cuộc sống của hai chị em vốn bệnh tật quanh năm, chị lại nghĩ cách để kiếm tiền. Năm 1988, chị đi thăm nhà văn Trần Bá Thước ở huyện Tiền Hải. Mọi người khuyên chị mở cửa hàng để tự kiếm sống, đồng thời có cơ hội tiếp xúc với mọi người, không có điều kiện để đi thực tế sáng tác thì chỉ có sự giao lưu tiếp xúc ấy mới có thể làm chất liệu cho thơ văn. Chị nghe lời khuyên ấy, về loay hoay tìm nơi để mở tiệm. Thông cảm với hoàn cảnh của chị, hợp tác xã đã cho chị mượn nhà kho đang bỏ trống và giúp đỡ sang sửa lại thành nhà ở. Vốn liếng ban đầu của chị từ tủ sách, truyện tự có, ban đầu chị cho thuê. Sau khi có chút vốn, chị chuyển sang bán tạp hóa. Có người gọi cửa hiệu tạp hóa của chị như một “siêu thị mini”, ai mua gì cứ tự vào lấy rồi trả tiền. Cánh văn nghệ sĩ còn đùa: “Khách bán và cả khách mua/ Tự đong tự đếm thiếu thừa cũng xong”…


Giờ đây, cửa hiệu tạp hóa ấy còn có cả khách thơ gồm hơn 30 người, là những người yêu thích thơ Minh Thuận và lập CLB Thi An gặp nhau để cùng chia sẻ chuyện vui buồn và tâm sự gửi qua những vần thơ tự sáng tác.


Bài và ảnh:Thu Hoài

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN