Các chuyên gia phát hiện tại tháp A1 có hai trụ đá trước cổng chính ra vào nay đã trở thành phế tích, chỉ còn sót lại bệ nền móng của trụ; trên tường tháp A1 nhiều hoa văn lượn hình chữ S, được chạm trổ hết sức tinh tế và độc đáo.
Ông PASHINDLA PRASHANT, đến từ Viện Khảo cổ học Ấn Độ, Phó trưởng đoàn chuyên gia trùng tu tôn tạo Di sản Văn hóa thế giới Mỹ Sơn cho biết, trong lần phục dựng này, các chuyên gia Ấn Độ và Việt Nam phối hợp phục dựng hoàn thiện hai trụ đá dựng trước cổng chính vào tháp A1, phục dựng hai cửa sau có hướng nhìn về phía Đông, phục dựng bệ thờ Mỹ Sơn A1, tiến hành lót nền tháp A1 và bậc cấp vào tháp A1 bằng các loại vật liệu đã được chuyên gia Việt Nam và Ấn Độ nghiên cứu kỹ và thống nhất cao.
Do tác động của nhiều yếu tố, tháp A1 hiện chỉ còn lại lòng tháp. Các hạng mục như bệ thờ, trụ cửa và nhiều mảng tường tháp đã trở thành phế tích, xuống cấp. Lòng tháp A1 có mặt bằng hình vuông, cao hơn sân khoảng 2m. Giữa lòng tháp A1 là một bệ thờ Yoni bằng đá, phần Linga phía trên đã mất. Phần tường tháp còn lại có độ dày từ 85cm đến 100cm và cao hơn nền tháp từ 2m đến 2,5m, nhiều đoạn tường tháp đã bị hư hỏng.
“Do ảnh hưởng của dịch COVID-19 nên việc trùng tu Di sản Văn hóa thế giới Mỹ Sơn đã được Đại sứ quán Ấn Độ tại Việt Nam và UBND tỉnh Quảng Nam đồng ý kéo dài việc trùng tu, phục dựng sang năm 2022. Nguyên tắc xuyên suốt trong quá trình trùng tu quần thể đền tháp Di sản Văn hóa thế giới Mỹ Sơn là cố gắng đến mức tối đa để bảo tồn những giá trị cổ xưa của đền tháp đã hình thành nên một phong cách nổi tiếng của nghệ thuật Chămpa thế kỷ X”, ông Phan Hộ cho biết thêm.