Tiềm năng chưa được khai thác
Với 112 điểm di tích, điều kiện tự nhiên độc đáo, nhiều danh lam thắng cảnh gắn với lịch sử chống giặc ngoại xâm, Chi Lăng còn có truyền thống văn hóa, phong tục tập quán của đồng bào các dân tộc Tày, Nùng ở địa phương, lại có lực lượng lao động dồi dào, sản vật địa phương phong phú... So với một số nơi khác, Chi Lăng có nhiều điều kiện thuận lợi để phát triển du lịch. Tuy nhiên, đến nay, các nguồn lực đó chủ yếu còn ở dạng tiềm năng và chưa có giải pháp nào mang tính đột phá có thể làm thay đổi bộ mặt của du lịch của huyện.
Đánh giá về tiềm năng phát triển du lịch Chi Lăng, ông Nguyễn Quang Vinh, Phó Trưởng Phòng Nghiên cứu Thị trường, Sản phẩm và Quy hoạch Du lịch, Viện Nghiên cứu Phát triển Du lịch cho rằng, Chi Lăng là một trong những địa phương có tiềm năng phát triển du lịch truyền thống đa dạng đứng đầu các huyện của tỉnh Lạng Sơn. Tuy nhiên, thời gian qua, hoạt động du lịch của huyện chưa có bước khởi sắc, sản phẩm du lịch chính còn ít về số lượng, nghèo nàn về chất lượng. Loại hình du lịch chủ yếu là tham quan các danh lam thắng cảnh và di tích lịch sử, văn hóa. Các sản phẩm du lịch hiện nay đa số được khai thác thụ động, tự phát là chính, chưa hình thành được tour, tuyến du lịch hấp dẫn và có thương hiệu. Lượng khách du lịch biết và đến du lịch Chi Lăng còn thấp, du lịch phát triển chưa tương xứng với tiềm năng và lợi thế.
Ông Nguyễn Quang Vinh cho rằng, nguyên nhân của tình trạng này là do tài nguyên du lịch của Chi Lăng chưa được quy hoạch, đầu tư phát triển một cách tương xứng với tiềm năng. Các dãy núi là tài nguyên du lịch tự nhiên quan trọng, tạo cảnh quan đẹp cho Chi Lăng, nhưng một số nơi đã tiến hành khai thác đá, hủy hoại tài nguyên, vừa phá vỡ cảnh quan, môi trường tự nhiên, ảnh hưởng tới sức hấp dẫn của Chi Lăng. Một số tài nguyên du lịch văn hóa của Chi Lăng có giá trị nhưng đã bị xuống cấp, chưa được đầu tư tôn tạo, nhiều phong tục tập quán của đồng bào, dân tộc thiểu số, nhiều lễ hội, làng nghề truyền thống bị mai một, hoặc không còn giữ được nữa…
Bên cạnh đó, hạ tầng yếu kém, nguồn lực đầu tư cho các khu, điểm du lịch thiếu tập trung, sản phẩm du lịch nghèo nàn, liên kết vùng, miền, tour, tuyến chưa chặt... Số lượng cán bộ làm du lịch vừa thiếu lại vừa yếu, nhiều xã chưa có định hướng phát triển, chưa coi du lịch là một ngành kinh tế quan trọng làm động lực để phát triển các ngành, lĩnh vực khác…
Giám đốc Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch Lạng Sơn Nguyễn Phúc Hà thừa nhận, đối với huyện Chi Lăng, di tích lịch sử - văn hóa là nguồn tài nguyên vô giá để phát triển du lịch. Đặc biệt, Khu Di tích lịch sử Chi Lăng chính là sản phẩm du lịch có sức cạnh tranh, là điểm khác biệt lớn của Chi Lăng với các địa phương khác. Tuy nhiên, hiện nay, Chi Lăng chưa phát huy được tiềm năng do cơ sở hạ tầng du lịch yếu kém; môi trường sinh thái và vệ sinh an toàn thực phẩm chưa bảo đảm. Chất lượng nguồn nhân lực du lịch, nhất là đội ngũ hướng dẫn viên còn yếu. Việc khai thác thế mạnh, tiềm năng di sản chưa đạt hiệu quả cao. Sản phẩm du lịch di sản còn thiếu tính đặc sắc, đơn điệu, chủ yếu mới phát huy những yếu tố lợi thế sẵn có, ít tính sáng tạo, do vậy giá trị còn thấp… nên chưa thu hút được khách du lịch đến với địa phương.
Đẩy mạnh đầu tư phát triển du lịch
Ông Hoàng Minh Trường, Bí thư Huyện ủy Chi Lăng cho biết, nhận thức được tầm quan trọng của việc bảo tồn di tích Chi Lăng, với mục tiêu đẩy mạnh phát triển du lịch tại vùng đất lịch sử này, ngày 11/4/2018, Chủ tịch UBND tỉnh Lạng Sơn đã phê duyệt Đề án “Xây dựng và phát triển Khu Di tích Chi Lăng, huyện Chi Lăng, tỉnh Lạng Sơn đến năm 2025, tầm nhìn đến năm 2035". Mục tiêu của đề án nhằm xây dựng Khu Di tích Chi Lăng thành một không gian giáo dục truyền thống - lịch sử - văn hóa - tâm linh tiêu biểu của Lạng Sơn, kết hợp xây dựng thành điểm du lịch có tính chất trung tâm, động lực của tỉnh Lạng Sơn kết nối với các khu, điểm du lịch trong tỉnh và khu vực.
Theo ông Nguyễn Quang Vinh, Phó Trưởng Phòng Nghiên cứu Thị trường, Sản phẩm và Quy hoạch Du lịch, Viện Nghiên cứu Phát triển Du lịch, huyện Chi Lăng và tỉnh Lạng Sơn cần sớm xác định trọng điểm quy hoạch, đầu tư và phát triển các sản phẩm du lịch của Chi Lăng. Trong đó, tỉnh cần xác định đúng tiềm năng, lợi thế của từng khu vực để có chính sách đầu tư phù hợp cho phát triển.
Cụ thể, tỉnh đẩy mạnh du lịch tâm linh kết hợp giáo dục truyền thống lịch sử như liên kết khu, điểm du lịch hiện có hoặc đang được đầu tư gồm: Tượng đài Chiến thắng Chi Lăng, nhà trưng bày Chi Lăng, các di tích khác liên quan đến Chiến thắng Chi Lăng… Nơi đây sẽ trở thành trung tâm du lịch giáo dục truyền thống lịch sử yêu nước chống giặc ngoại xâm với các loại hình: Tham quan, hành hương, chiêm bái chùa, đền Chầu Bát, Chầu Mười, miếu Cô Chín, đền thờ các anh hùng dân tộc, các địa danh, di tích văn hóa, lịch sử...
Bên cạnh đó, tỉnh có thể thông qua hệ thống hang động, núi non như hang Gió, hang Lạng Nắc tại xã Sao Mai; hang Ngườm Sâu, hang Nặm Tốc, hang Nà Bùa, hang Hon, chùa Hang, núi Hòn Ngọc, hang Hùm, hang Nàng Tiên… phát triển mô hình du lịch sinh thái, nghỉ dưỡng, khám phá hang động hay du lịch thể thao mạo hiểm. Các hợp tác xã nông nghiệp phối hợp tổ chức khai thác du lịch sinh thái nông nghiệp...
Ông Nguyễn Quang Vinh cho rằng, trước mắt, Chi Lăng cần xây dựng thương hiệu bằng một số sản phẩm du lịch nổi bật của huyện như: Lễ hội na Chi Lăng, chinh phục cổng trời Hữu Kiên, khám phá thảo nguyên Khau Sao, khám phá hang Gió, trải nghiệm leo núi, vượt địa hình, dù lượn, trượt cỏ thảo nguyên, nghỉ dưỡng bên dòng suối Pá Mị, chinh phục thác Hố Dùng...
Bên cạnh việc xây dựng sản phẩm du lịch đặc trưng, huyện Chi Lăng nói riêng, tỉnh Lạng Sơn nói chung cần chú trọng đến việc xây dựng cơ sở hạ tầng du lịch - một trong những điểm yếu của Chi Lăng hiện nay. Tỉnh cần đẩy mạnh việc khuyến khích các hộ gia đình tham gia du lịch cộng đồng, phổ biến và nhân rộng mô hình homestay tại xã Hữu Kiên (nhà nghỉ trên núi), xã Mai Sao (homestay xung quanh hang Gió). Mặt khác, Lạng Sơn cần đầu tư xây dựng khách sạn tiêu chuẩn để đáp ứng nhu cầu khách du lịch cao cấp, đủ khả năng tổ chức các hội nghị, hội thảo quốc tế quy mô lớn, đầu tư phát triển các trung tâm thương mại dịch vụ, khu vui chơi giải trí…
Cùng với việc xây dựng thương hiệu một số sản phẩm du lịch, kêu gọi đầu tư phát triển hạ tầng du lịch, Chi Lăng cần chú trọng đến việc đào tạo để nâng cao chất lượng nguồn nhân lực du lịch, đẩy mạnh các hoạt động quảng bá, xúc tiến du lịch theo hướng chuyên nghiệp gắn với xúc tiến thương mại, xúc tiến đầu tư và ngoại giao, văn hóa… “Nếu được xác định đúng tiềm năng, lợi thế và có chính sách đầu tư phù hợp, Chi Lăng sẽ có đủ khả năng để trở thành trọng điểm du lịch của tỉnh Lạng Sơn”, ông Nguyễn Quang Vinh nói.
Ông Nguyễn Phúc Hà, Giám đốc Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch Lạng Sơn cho biết, Sở đã đề xuất một số giải pháp nhằm xây dựng huyện Chi Lăng thành vùng kinh tế, văn hóa, du lịch trọng điểm của tỉnh và khu vực. Cụ thể, huyện cần xây dựng đề án, kế hoạch phát triển du lịch dài hạn của huyện, xác định rõ sản phẩm du lịch đặc trưng, có thế mạnh, có lợi thế cạnh tranh; đầu tư phát triển hạ tầng giao thông nối các xã, các điểm du lịch trọng điểm, tạo điều kiện thuận lợi cho phát triển du lịch. Các đơn vị chức năng cần thu hút, kêu gọi các nhà đầu tư, tổ chức, cá nhân tham gia đầu tư, nâng cấp, mở rộng các cơ sở lưu trú du lịch, nhà hàng, điểm dừng chân trên địa bàn huyện…, từng bước xây dựng Chi Lăng thành vùng kinh tế, văn hóa, du lịch trọng điểm của tỉnh và khu vực...