Hợp tác để thúc đẩy nhiệm vụ ngành ngày càng hoàn thiện
Tại hội nghị, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch báo cáo đánh giá khái quát tình hình thực hiện nhiệm vụ của ngành trong 5 năm qua, hoạt động trọng tâm từ đầu năm 2021, tiếp nhận ý kiến đóng góp, chia sẻ của các đại biểu. Tiếp đó, hai bên cùng đánh giá lại những công việc đã phối hợp triển khai, qua đó rút ra bài học kinh nghiệm, tiếp tục xây chương trình hợp tác kế tiếp theo hướng chương trình khung, được lượng hóa theo từng năm, theo nhiệm vụ chính trị. Từ đó hai bên tổ chức thực hiện theo phương châm mỗi cơ quan có một thế mạnh, phát huy thế mạnh của 2 cơ quan nhằm tạo ra lực cùng chiều để thúc đẩy nhiệm vụ của ngành ngày càng hoàn thiện,
Phát biểu tại hội nghị, Bộ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch Nguyễn Văn Hùng cho biết: Văn hóa là một lĩnh vực đa ngành, rộng lớn, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch đã chủ trì, phối hợp với nhiều cơ quan, để làm tốt hơn nữa vai trò quản lý nhà nước, cần thiết phải có những quy chế phối hợp để tạo ra sức mạnh chung để hoàn thành nhiệm vụ được giao. Do đó, thời gian qua Bộ đã chủ động làm việc, rà soát lại toàn bộ chương trình hợp tác với các bên liên quan, ưu tiên những việc trọng tâm, trọng điểm.
Từ đầu năm 2021, Bộ đã tiến hành sơ kết chương trình phối hợp với lực lượng Công an nhân dân, chuẩn bị sơ kết phối hợp làm việc với Quân đội. Thời gian tới, Bộ Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch tiếp tục thực hiện chương trình phối hợp với các đoàn thể chính trị, trong đó ưu tiên làm việc với Tổng Liên đoàn lao động Việt Nam về xây dựng văn hóa doanh nghiệp, văn hóa doanh nhân...
Tại hội nghị, Phó trưởng Ban Tuyên giáo Trung ương Phùng Xuân Nhạ, Thứ trưởng Trịnh Thị Thủy thay mặt 2 cơ quan đã ký kết chương trình phối hợp giữa Ban Tuyên Giáo Trung ương và Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch giai đoạn 2021-2026 với 4 nhóm nhiệm vụ trọng tâm; trong đó chỉ rõ trách nhiệm, nhiệm vụ cụ thể của mỗi bên…
6 nhiệm vụ trọng tâm cần thực hiện trong thời gian tới
Chỉ đạo tại hội nghị, Trưởng Ban Tuyên Giáo Trung ương Nguyễn Trọng Nghĩa đề nghị Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch thực hiện đồng bộ, quyết liệt hơn, có hiệu quả và tạo ra điểm nhấn với 6 nhiệm vụ trọng tâm cụ thể.
Đầu tiên, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch cùng phối hợp với các cơ quan liên quan tập trung nghiên cứu, bổ sung, hoàn thiện hệ giá trị văn hóa chuẩn mực con người Việt Nam thời kỳ công nghiệp hóa, hiện đại hóa và hội nhập quốc tế gắn với giữ gìn, phát huy hệ giá trị văn hóa con người, gia đình Việt Nam. Đây là điểm mấu chốt, phải nghiên cứu ngay, làm ngay, lấy ý kiến đóng góp rộng rãi trên toàn quốc trong thời gian sớm nhất.
Tiếp theo, ngành văn hóa cần tiếp tục bám sát yêu cầu, chức năng nhiệm vụ chính trị của cơ quan quản lý nhà nước, đặc biệt là chương trình hành động, quan điểm mới của Nghị quyết Đại hội 13 của Đảng về phát triển công nghiệp văn hóa đi đôi với xây dựng hoàn thiện thị trường dịch vụ, sản phẩm văn hóa. Việc này nhằm khai thác hiệu quả các tiềm năng, giá trị đặc sắc của văn hóa Việt Nam, đóng góp tích cực vào tăng trưởng văn hóa, góp phần quảng bá hình ảnh đất nước con người Việt Nam ra thế giới. Bên cạnh đó là việc bổ sung, hoàn thiện cơ chế chính sách về phát triển công nghiệp văn hóa trong tình hình mới, từng bước nâng cao hiệu quả thực thi quyền sở hữu trí tuệ, quyền liên quan nhằm thúc đẩy cạnh tranh lành mạnh trên thị trường.
Nhiệm vụ thứ 3 mà ngành cần thực hiện là có giải pháp và xử lý hài hòa giữa phát triển văn hóa chuyên nghiệp với văn hóa quần chúng ở cơ sở; tiếp tục tăng cường xây dựng đời sống văn hóa cơ sở, văn hóa gia đình, doanh nghiệp, công sở gắn với các phong trào toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa, chương trình quốc gia xây dựng nông thôn mới, đô thị văn minh.
Ngành văn hóa cần hoàn thiện chính sách, pháp luật về gia đình theo hướng lấy hoạt động gia đình làm trọng tâm, bảo đảm sự gắn kết xã hội và vai trò của gia đình; quan tâm đầu tư có trọng điểm tạo đột phá về cơ sở vật chất với thiết chế về thể thao; đầu tư công trình văn hóa trọng điểm quốc gia tầm nhìn 2030- 2045 và có tầm nhìn khu vực, thế giới tương xứng với sự phát triển nhanh, bền vững của đất nước; nâng cao hiệu quả hoạt động của các công trình văn hóa trong việc phục vụ, đáp ứng nhu cầu sáng tạo, hưởng thụ văn hóa của nhân dân.
Tiếp theo, ngành cần tiếp tục cụ thể hóa quan điểm, chủ trương của Đảng về công tác bảo tồn và phát huy giá trị di tích văn hóa dân tộc, bảo đảm sự hài hòa giữa bảo tồn văn hóa với phát triển du lịch, đảm bảo vai trò của cộng đồng đối với các di sản… Điều quan trọng là cần tiếp tục huy động các nguồn lực xã hội hóa để bảo vệ, phát huy giá trị văn hóa gắn di sản văn hóa, nhất là di sản văn hóa thế giới, di sản văn hóa đặc biệt của quốc gia để phát triển du lịch thành ngành kinh tế mũi nhọn, lấy phát triển du lịch, văn hóa được tổ chức và quản lý tốt để bảo vệ, phát huy tốt hơn giá trị của di sản văn hóa.
Thứ 5 là toàn ngành cần tiếp tục quan tâm đầu tư, hoàn thiện cho văn học nghệ thuật, coi đó là trách nhiệm, tình cảm, yêu cầu từ thực tiễn cuộc sống, mong muốn cho ra đời những tác phẩm lớn ngang tầm khu vực và thế giới, cần cố gắng nhiều trong tình hình hiện nay; quan tâm, đào tạo bồi dưỡng cán bộ văn nghệ sỹ trên lĩnh vực văn hóa nghệ thuật
Mặt khác, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch cần phối hợp với các đơn vị để rà soát chế độ chính sách, kêu gọi nguồn lực phát triển con người thời kỳ mới, tiếp nhận có chọn lọc tinh hoa văn hóa thế giới phù hợp tình hình phát triển của đất nước. Ben cạnh đó, các đơn vị chức năng tạo điều kiện thuận lợi để đồng bào ta ở nước ngoài đầu tư nguồn vốn, trí tuệ để quảng bá hình ảnh đất nước, con người Việt Nam ra thế giới, các trung tâm văn hóa Việt Nam ở nước ngoài tiếp tục dạy tiếng Việt, truyền bá văn hóa dân tộc cho người Việt Nam ở nước ngoài và nước ngoài…