Đây là sự kiện nằm trong chuỗi hoạt động Kỷ niệm 10 năm Quần thể danh thắng Tràng An được Tổ chức Giáo dục, Khoa học và Văn hóa Liên hợp quốc (UNESCO) ghi danh là Di sản văn hóa và thiên nhiên thế giới (2014-2024).
Hội thảo được tổ chức nhằm tôn vinh các giá trị của di sản, đánh giá những thành tựu nổi bật trong 10 năm qua. Đồng thời xác định vai trò, vị trí và tầm quan trọng của di sản đối với các định hướng chiến lược của tỉnh Ninh Bình trong xây dựng Ninh Bình trở thành thành phố trực thuộc Trung ương với đặc trưng đô thị di sản thiên niên kỷ; kết nối các thành phố di sản thế giới dựa trên các trụ cột du lịch, công nghiệp văn hóa, kinh tế di sản và kết hợp hài hòa giữa phục hồi, bảo tồn, phát huy di sản và tăng trưởng xanh, hướng tới phát triển bền vững.
Phát biểu tại Hội thảo, Chủ tịch UBND tỉnh Ninh Bình Phạm Quang Ngọc khẳng định, sau 10 năm được UNESCO ghi danh là Di sản văn hóa và thiên nhiên thế giới, khu danh thắng Tràng An đã trở thành một minh chứng rõ nét cho xu hướng tất yếu đó là kết nối du lịch di sản liên tỉnh, liên vùng, xa hơn nữa là liên quốc gia, nhằm tạo dựng giá trị và thương hiệu độc đáo của khu di sản. Điều đặc biệt là Tràng An đã tạo dựng thêm những giá trị mới để kết nối tính bản địa và tính hiện đại, của đô thị quá khứ với đô thị tương lai trên nền tảng bảo tồn hiệu quả, hài hoà, bền vững các giá trị di sản.
Với mục tiêu đề xuất giải pháp, kiến nghị trọng tâm phục vụ trực tiếp cho các hoạt động quy hoạch bảo tồn đối với khu di sản hỗn hợp Danh thắng Tràng An và nghiên cứu định dạng thương hiệu đô thị di sản Hoa Lư - Ninh Bình trong định hướng phát triển đến năm 2030 và tầm nhìn đến năm 2050, ông Phạm Quang Ngọc hi vọng, những vấn đề lý luận và thực tiễn, kinh nghiệm của các quốc gia trên thế giới, các ý kiến tham luận trong hội thảo sẽ góp phần quan trọng trong việc bảo tồn, gìn giữ và trao truyền di sản đặc biệt này cho thế hệ mai sau và xây dựng Ninh Bình trở thành thành phố trực thuộc Trung ương với đặc trưng đô thị di sản thiên niên kỷ, thành phố sáng tạo; một trung tâm lớn, có giá trị thương hiệu cao về du lịch, công nghiệp văn hóa, kinh tế di sản của cả nước và khu vực châu Á - Thái Bình Dương.
Để phát huy toàn vẹn giá trị khoa học, văn hóa, lịch sử của di sản, phục vụ phát triển bền vững, xây dựng đô thị di sản thiên niên kỷ như Ninh Bình đang hướng tới, Thứ trưởng Bộ Ngoại giao Phạm Thanh Bình cho rằng, Ninh Bình cần tiếp tục tăng cường gìn giữ, bảo tồn và phát huy giá trị di sản thế giới theo quy chuẩn của UNESCO; tăng cường giáo dục và nhận thức cộng đồng, nâng cao nhận thức về giá trị của di sản thế giới Tràng An đối với cộng đồng và du khách; tăng cường hợp tác với các tổ chức quốc tế, các đối tác địa phương khác để chia sẻ kinh nghiệm quản lý di sản và học hỏi từ các thành công của các điểm đến khác...
Ông Phạm Thanh Bình khẳng định, thời gian tới, Bộ Ngoại giao, Ủy ban Quốc gia UNESCO Việt Nam sẽ tiếp tục đồng hành cùng Ninh Bình để Quần thể Danh thắng Tràng An tiếp tục là điển hình mẫu mực về bảo tồn và phát huy giá trị di sản, góp phần hiện thực hóa khát vọng xây dựng Ninh Bình trở thành đô thị di sản thiên niên kỷ, thành phố sáng tạo của UNESCO, đưa Ninh Bình trở thành miền đất giàu về văn hóa, mạnh về kinh tế, xanh sạch về môi trường, hội tụ đủ tiêu chí cho sự phát triển bền vững.
Ghi nhận và hoan nghênh tầm nhìn xa và tinh thần hợp tác mở đường cho những thành tựu của Tràng An, Trưởng Đại diện Văn phòng UNESCO tại Hà Nội Jonathan Baker cho biết, UNESCO vẫn kiên định với cam kết hỗ trợ Tràng An vượt qua những thách thức. Văn phòng UNESCO sẵn sàng cung cấp các lĩnh vực chuyên môn bảo đảm Tràng An tiếp tục là “ngọn hải đăng” cho các hoạt động du lịch có trách nhiệm và bền vững.
Tầm nhìn hiện tại của Tràng An hoàn toàn phù hợp với sứ mệnh cốt lõi của UNESCO đó là thúc đẩy sự hiểu biết văn hóa hòa bình và phát triển bền vững thông qua bảo tồn di sản, do đó, ông Jonathan Baker tin tưởng, Tràng An sẽ tiếp tục đóng vai trò hình mẫu phát triển ổn định, có trách nhiệm cho thế hệ mai sau.
Tại Hội thảo, các đại biểu, nhà khoa học, các chuyên gia trong và ngoài nước đã tập trung thảo luận một số nội dung: Tôn vinh, quảng bá và lan tỏa các giá trị của Quần thể danh thắng Tràng An gắn với phát triển du lịch bền vững là tiền đề hướng tới xây dựng thành phố Hoa Lư trở thành đô thị di sản thiên niên kỷ; những thành tựu nổi bật trong 10 năm Quần thể danh thắng Tràng An được ghi danh, đề xuất định hướng quy hoạch bảo tồn tổng thể khu di sản với tiếp cận liên ngành, đa ngành - như một mẫu hình đô thị di sản; khẳng định vai trò và đưa ra những định hướng, giải pháp quy hoạch phù hợp cho công tác bảo tồn và phát huy giá trị của di sản trong xây dựng đô thị di sản thiên niên kỷ Ninh Bình trong thời gian tới; xác định vai trò, vị trí của di sản trong phát triển kinh tế du lịch, phát triển kinh tế - xã hội, bảo tồn, nghiên cứu khoa học, kêu gọi, thu hút đầu tư, thu hút khách tham quan du lịch và hợp tác, kết nối các thành phố di sản thế giới...
Hội thảo gồm 1 phiên tổng thể với chủ đề "Kết nối đô thị di sản Tràng An với các thành phố di sản UNESCO" cùng 2 phiên chuyên đề là "Một thập kỷ di sản thế giới Tràng An - Hành trình kiến tạo và bảo tồn phát huy giá trị" và "Quy hoạch bảo tồn và phát huy toàn diện giá trị di sản thế giới Tràng An hướng tới đô thị di sản thiên niên kỷ".