Biên niên sử Việt Nam qua phim
Bộ phim Việt Nam có tiếng tăm đầu tiên - “Kiếp hoa” (do Trần Lang viết kịch bản và đạo diễn), ra đời năm 1953 phản ánh rõ nét đời sống của người dân Hà Nội thời điểm trước năm 1954.
Thời kỳ chiến tranh Việt Nam (1954 - 1975) điện ảnh Việt Nam đã phản ánh trực tiếp không khí khốc liệt của cuộc chiến tranh Việt Nam qua một loạt phim tiêu biểu của giai đoạn này như “Chung một dòng sông”, “Con chim vành khuyên”, “Nổi gió”, “Chị Tư Hậu”, “Vĩ tuyến 17 ngày và đêm”, “Em bé Hà Nội”…
Âm hưởng chiến tranh còn kéo dài suốt trong thập niên 80 qua những bộ phim như “Mùa gió chướng”, “Mùa nước nổi”, “Cánh đồng hoang”…
Nói về giai đoạn bao cấp và kinh tế thị trường, hai bộ phim “Hà Nội mùa chim làm tổ” của đạo diễn Đức Hoàn hay “Chuyến xe bão táp” của đạo diễn Trần Vũ đã phản ánh khá chân thực, sống động… Trong khi đó, phim “Đến hẹn lại lên” của đạo diễn Trần Vũ, bên cạnh đề tài chiến tranh, còn mang đến cho người xem những hiểu biết khá sâu sắc về bề dày văn hóa vùng Kinh Bắc, về di sản hát quan họ…
Theo nhà phê bình điện ảnh độc lập Lê Hồng Lâm, gọi phim là một di sản văn hóa phi vật thể, bởi thông qua phim ảnh, ta biết được những vấn đề của xã hội, của con người Việt Nam trong quá khứ.
Nhìn vào lịch sử điện ảnh Việt Nam trong hơn 70 năm qua, ta không chỉ thấy được những bộ phim tiêu biểu, mà còn thấy được chân dung của lịch sử, văn hóa và con người Việt Nam hiện đại. Những bộ phim đó như một "biên niên sử" Việt Nam bằng điện ảnh, mà qua đó, ta thấy được những biến động và bình lặng, những chia cắt và hòa hợp, vết thương và hàn gắn, khổ đau và hạnh phúc, tan vỡ và hồi sinh, nước mắt và nụ cười, ra đi và trở về... của người Việt Nam trong gần một thế kỷ qua và những năm gần đây.
“Thông qua những bộ phim tiêu biểu đó, công chúng có thể khái quát lên những giai đoạn nổi bật của lịch sử, văn hóa, xã hội và con người Việt Nam”, nhà phê bình điện ảnh Lê Hồng Lâm nói.
Bà Donna McGowan, Giám đốc quốc gia của Hội đồng Anh tại Việt Nam, tổ chức thực hiện dự án “Di sản kết nối”, trong đó có di sản phim tại Việt Nam khẳng định: Di sản văn hóa có thể được gìn giữ theo nhiều phương thức khác nhau, nhưng thông qua ngôn ngữ điện ảnh, chúng dễ dàng lan tỏa trong cộng đồng, thuyết phục và kết nối mọi người trong xã hội, thúc đẩy giao lưu văn hóa giữa các thế hệ, các cộng đồng, vùng, lãnh thổ…
Phim là di sản cần được lưu trữ, bảo tồn
Từ những đánh giá, nhận định như trên, có thể thấy, dù không được chính thức nhìn nhận như một di sản văn hóa phi vật thể, nhưng phim, video và các dạng thức hình ảnh động khác đóng vai trò như một phương tiện quan trọng của cuộc sống thường ngày, đóng góp vào các nỗ lực của chúng ta trong việc ghi lại và diễn giải lịch sử - của cộng đồng cũng như của cá nhân.
Ở nước ta, điều này cũng đã bước đầu được Nhà nước quan tâm, tuy nhiên, việc gìn giữ và phát huy giá trị của phim trong cộng đồng như các di sản khác còn nhiều khó khăn, thách thức.
Ông Frank Gray, Giám đốc lưu trữ phim Screen Archive South East, Đại học Brighton (Anh) chia sẻ, ở các nước trên thế giới, phim được coi là di sản văn hóa và được gìn giữ như di sản, các cơ sở lưu trữ phim được đầu tư nghiêm túc và bài bản. Bên cạnh việc lưu trữ, bảo quản nguyên gốc các dạng hình ảnh động được sản xuất trong nước, thì công việc của những đơn vị này còn là số hóa phim, phục chế và đưa phim tới cộng đồng để tạo những giá trị mới.
Tại Việt Nam, việc lưu trữ, bảo quản phim cũng đã được thực hiện, nhưng điều kiện bảo quản chưa đảm bảo. Theo thống kê sơ bộ của Viện Phim Việt Nam, hiện nay các đơn vị chuyên môn đang lưu trữ trên 100.000 cuốn phim, trong đó, Viện Phim Việt Nam lưu trữ hơn 44.000 cuốn tại các kho ở Hà Nội và TP Hồ Chí Minh.
Ông Lê Anh Tuấn, Phó phòng Kỹ thuật, Viện Phim Việt Nam cho biết, điều kiện bảo quản phim nguyên bản tại hầu hết các đơn vị ở Việt Nam hiện nay đều thiếu tiêu chuẩn, khiến “tuổi thọ” phim bị giảm nhiều. Đặc biệt, nhiều phim nhựa bị khô, bong tróc, rè tiếng, mất màu...
Theo ông Lê Anh Tuấn, kinh nghiệm tại nhiều quốc gia trên thế giới cho thấy, để lưu giữ, bảo quản phim tốt, một trong những việc làm cần thiết là số hóa các bộ phim mà ta đang lưu giữ để dễ dàng phổ biến tác phẩm trong cộng đồng ở thời đại công nghệ phát triển như hiện nay. Tuy nhiên, tại nước ta, việc số hóa phim đang lưu trữ rất khó khăn.
Những năm gần đây, Viện Phim Việt Nam tích cực số hóa nhưng mới chỉ được khoảng 1.000 cuốn, nên phải rất lâu nữa mới hoàn tất được toàn bộ phim đang lưu trữ. Các kho lưu trữ khác như Trung tâm Tư liệu Đài Truyền hình Việt Nam, Hãng Phim hoạt hình Việt Nam, Hãng Phim Tài liệu và Khoa học trung ương… đều không có thiết bị chuyển phim sang định dạng số. Có nơi phải mang phim ra chiếu rồi quay lại bằng thiết bị số để lưu trữ.
Để giải bài toán khó này, ông Frank Gray đề xuất, ngoài sự đầu tư của Nhà nước, các đơn vị nên huy động những nguồn lực khác trong việc lưu giữ và phát huy giá trị của điện ảnh, liên kết với các tổ chức trong nước và quốc tế có kinh nghiệm số hóa, quảng bá, phổ biến phim, và như vậy, trong tương lai, cuốn “biên niên sử” điện ảnh Việt Nam sẽ biến thành di sản sống, phát huy giá trị tích cực hơn.