Liên hoan phim tài liệu châu Âu - Việt Nam lần thứ 7 đang diễn ra tại Việt Nam là một cuộc đối thoại sôi nổi về phim tài liệu giữa Châu Âu và Việt Nam. Đây chính là cầu nối để người xem có thể đi tới những nền văn hóa khác một cách dễ nhất và nhanh nhất. Chưa vượt qua rào cản để bắt kịp thế giới Ngay từ khi ra đời, phim tài liệu Việt Nam đã khẳng định vị thế của mình trong nghệ thuật điện ảnh và trong đời sống xã hội. Nhiều bộ phim tài liệu đã góp phần phản ánh một cách chân thực về cuộc sống của con người Việt Nam trong chiến tranh cũng như trong hòa bình, xây dựng đất nước.
Cảnh trong phim “Giai điệu quê hương, một trong 2 phim chiếu khai mạc Liên hoan phim. |
Đã có một thời, chúng ta có những bộ phim tài liệu gai góc, mang lại nhiều cảm xúc cho khán giả trong và ngoài nước như “Nước về Bắc Hưng Hải” (đạo diễn Bùi Đình Hạc), “Tiếng vĩ cầm ở Mỹ Lai”, “Chuyện từ tế”, “Hà Nội trong mắt ai” của đạo diễn Trần Văn Thủy… “Chuyện tử tế” đã giành giải Bồ câu Bạc tại Liên hoan phim Leipzig (liên hoan phim tài liệu danh giá tại Đức) và được mệnh danh là "Quả bom đến từ Việt Nam nổ tung ở thành phố Leipzig", sau đó đã có 10 đài truyền hình lớn trên thế giới đã mua bản quyền chiếu rộng rãi ở châu Âu, Nhật Bản, Australia và Mỹ… Tuy nhiên, đánh giá thực trạng phát triển phim tài liệu Việt Nam trong thời gian gần đây, không ít người trong nghề cho rằng, phim tài liệu của chúng ta không những không bắt kịp được nhịp chung của thế giới, mà còn đang trên đà tuột dốc, lạc hậu với chính mình.
Theo nhận xét của các chuyên gia, phim tài liệu Việt Nam hiện nay còn mang nặng tính minh họa, thiếu tìm tòi sáng tạo, rập khuôn, nội dung chủ yếu thường là ca ngợi con người, sự việc. Trong khi đó, khán giả cần những bộ phim tài liệu thể hiện sự phá cách, khai thác những đề tài gai góc, nhạy cảm trong xã hội... Đạo diễn, biên kịch Đào Thanh Tùng, Phó tổng giám đốc Công ty TNHH MTV Hãng Phim tài liệu khoa học Trung ương cho rằng, đội ngũ làm phim tài liệu ở Việt Nam hiện nay đông nhưng chưa “tinh”, nhiều nhà làm phim vẫn bị “ám ảnh” về các đề tài mà thế hệ đi trước đã làm, nên nhiều bộ phim được làm theo kiểu dập khuôn để tạo nên những bộ phim phản ánh đề tài xã hội hiện nay. Hầu hết các nhà làm phim vẫn đi theo một lối tư duy cổ truyền, hay nhìn lại quá khứ.
Ví dụ như vợ chồng ở nông thôn thì nhất định phải là cắm mặt cầy ruộng, mà không nhìn thấy sau việc cầy cấy, làm ruộng thì cần phải làm tiếp những gì… Bên cạnh đó, khi tiếp cận hiện thực, các nhà làm phim Việt Nam vẫn phải lảng tránh, đi đường vòng, khiến người xem nản lòng vì mất quá nhiều thời gian, rồi nhiều đề tài nhạy cảm như chuyển giới, đồng giới… vẫn bị hạn chế. “Chỉ có một số ít người, chủ yếu là những người được đào tạo về điện ảnh và truyền hình ở nước ngoài mới vượt qua được sự ám ảnh đó, có lối tư duy theo kiểu làm phim nước ngoài, tiếp cận hiện thực hiện thực một cách trực tiếp, sòng phẳng nhưng cũng đầy nhân văn. Điều đó cho thấy, các nhà làm phim tài liệu nước ngoài có tầm nhìn xa về thế giới con người hơn chúng ta rất nhiều. Trong khi đó, cách làm phim của chúng ta vẫn chưa vượt qua được những rào cản đó để tiếp cận với sự phát triển chung của cả thế giới”, ông Đào Thanh Tùng đánh giá.
Nhiều khán giả Việt khi xem các phim tài liệu Việt đã chia sẻ, họ chán với cách tư duy sáo mòn của phim tài liệu Việt. Cũng là phản ánh sự thật, nhưng trong khi phim nước ngoài thể hiện sự phá cách, sẵn sàng chạm đến tận cùng cảm xúc người xem bằng việc chạm vào những mảng màu tối, những đề tài gai góc, thì phim tài liệu Việt, khi trình chiếu lại không làm được điều này, thậm chí nhiều khi xem sẽ cảm thấy chán vì các kể chuyện quá cũ, nặng tính tuyên truyền, thậm chí dàn dựng, dẫn dắt, áp đặt ý kiến chủ quan của người làm phim lên hiện thực bằng lời bình, không có kịch tính…
Nhiều nhà làm phim tài liệu quốc tế khi xem phim phim tài liệu Việt Nam đã nhận định, điểm yếu và thiếu của điện ảnh tài liệu Việt Nam là các bộ phim dù đã chọn được nhân vật nhưng vẫn đưa vào quá nhiều lời bình. Những người làm phim chưa biết cách xây dựng kịch tính của câu chuyện. Chẳng hạn, lẽ ra phải chỉ ra cho khán giả xem những hành động của nhân vật, thì các đạo diễn lại thường yêu cầu các nhân vật nói về việc mình sẽ làm, hoặc chính người đạo diễn viết lời bình và nói về những điều đó trong phim. Cách làm này sẽ mất đi tính hiệu quả và kịch tính của phim tài liệu. Có lẽ vì thế mà khi tham gia các liên hoan phim quốc tế, hầu hết phim Việt chỉ lọt vào vòng sơ loại, và luôn đứng ngoài lề các cuộc thi.
Phương Hà