Vẫn háo hức mỗi khi chuẩn bị có phim mới ra rạp, vẫn khiến những "mùa" phim Việt Nam (Noel, Tết Dương lịch, Tết Âm lịch) cháy vé, vẫn khiến nhiều nhà làm phim đạt doanh thu tiền tỉ...
Bài 1: Lượng tăng, chất chưa tăng!
Nhưng "không mới mẻ, độc đáo về nội dung, ít tìm tòi, khám phá về nghệ thuật và đặc biệt phim nào cũng nhàn nhạt, không để lại ấn tượng với khán giả..." lại là nhận xét của đông đảo công chúng quan tâm, yêu mến bộ môn nghệ thuật thứ bảy trong năm 2010.
Những bộ phim ra rạp như: Để mai tính, Giao lộ định mệnh, Trung úy, Cánh đồng bất tận, Khát vọng Thăng Long, Em hiền như ma – sơ (sắp công chiếu)… và hàng loạt phim được trình chiếu miễn phí: Hoa đào,
Nhìn ra biển cả, Long thành cầm giả ca… ít nhiều đã tạo nên sự phong phú cho thị trường phim năm 2010. Và đặc biệt, sự xuất hiện của các bộ phim này không còn tập trung vào cuối năm như những năm trước, mà đã trải dài trong các tháng, khiến khán giả không còn tình trạng “no dồn, đói góp”…
Cảnh trong phim “Để mai tính”. |
Nhìn chung, những bộ phim trong năm 2010 đều được các hãng phim tư nhân và nhà nước đầu tư khá mạnh tay, có sự tham gia của các ngôi sao quy tụ ở nhiều lĩnh vực khác nhau. Trong đó có một số phim của các đạo diễn kỳ cựu, nổi tiếng trong làng điện ảnh Việt. Phim đã khai thác đủ mọi vấn đề, đủ mọi góc độ của cuộc sống, từ những vấn đề của hiện đại cho tới sự kiện của quá khứ trong lịch sử hào hùng của dân tộc. Thậm chí phát huy cả thế mạnh của điện ảnh Việt Nam lâu nay là đề tài chiến tranh…
Tuy nhiên, những bộ phim này chưa thực sự làm người xem hài lòng, thỏa mãn. Ngoại trừ “Long thành cầm giả ca” (đạo diễn Đào Bá Sơn), với số tiền làm phim khá khiêm tốn (8 tỉ đồng) do Nhà nước tài trợ trong hệ thống các phim chào mừng Đại lễ 1000 năm Thăng Long – Hà Nội, tạm khiến khán giả yên lòng bởi sự dụng công, tinh thần làm phim nghiêm túc của đạo diễn. Còn lại nhiều tác phẩm đều rơi vào sự phản ánh không sát hiện thực, chưa khai thác đến đầu đến đũa cốt truyện, sự thật lịch sử, hoặc chỉ đi vào thể hiện những câu chuyện cuộc sống đơn thuần, thiếu đột phá...
Thậm chí, nhiều bộ phim còn vấp phải những thiếu sót, lỗ hổng về bối cảnh, trang phục, diễn xuất của diễn viên… Đặc biệt với nghi án đạo phim “Giao lộ định mệnh” – đạo diễn Victor Vũ "đạo" từ tác phẩm gốc “Shatered” của Mỹ cũng làm khán giả thêm hoài nghi với điện ảnh Việt Nam.
Trước hết, nói về hai bộ phim mới là: Hoa đào (đạo diễn Nguyễn Thế Vinh) và Nhìn ra biển cả (đạo diễn Vũ Châu). Hai tác phẩm khai thác theo hai hướng khác nhau, của hai thế hệ đạo diễn, một nhiều kinh nghiệm, lâu năm, một trẻ mới bước chân vào nghề, nhiều nhiệt huyết nhưng thiếu kinh nghiệm... “Hoa đào” chạm khắc những nét vẽ trong bức tranh bao quát về cuộc sống đô thị hóa của mảnh đất Hà Nội – ngàn năm văn hiến, “Nhìn ra biển cả” lại phục dựng chân dung thời niên thiếu của Bác Hồ vĩ đại...
Dù được đầu tư khá lớn về kinh phí sản xuất, các phương tiện truyền thông săn đón, chăm sóc kỹ lưỡng, khán giả háo hức, tò mò, trông đợi nhiều… nhưng đến khi ra mắt lại khiến khán giả thất vọng vì sự lột tả thiếu chân thực và nội dung nhạt nhòa của hai bộ phim này.
90 phút của “Hoa đào” là những cảnh quay rời rạc, thiếu sự liên kết lô-gic, mạch phim thậm chí đôi khi còn đi lạc ra ngoài vấn đề ban đầu đạo diễn muốn hướng tới. Hơn nữa, điều khiến khán giả bức xúc hơn cả là đạo cụ “hoa đào giả” được sử dụng rất “phô” trong nhiều cảnh quay, nhiều trường đoạn phim.
Đây là một trong những yếu tố làm mất điểm khá lớn của “Hoa đào”. Sự lên gân trong cách diễn của Kiều Thanh, Trung Hiếu… cũng góp phần làm hình tượng nhân vật bộ phim thiếu sức thuyết phục. Nhưng có lẽ điều quan trọng nhất với “Hoa đào” đó là đạo diễn trẻ Nguyễn Thế Vinh chưa thổi được hồn vào câu chuyện vườn đào đang đứng trước những bể dâu của cuộc sống hiện đại, hình ảnh con người phải tranh giành ra sao để giữ lại truyền thống tốt đẹp bên cạnh sự xâm lấn của những giá trị mới đang xâm hại đến nó…
Bộ phim thứ hai là “Nhìn ra biển cả” của đạo diễn lão làng Vũ Châu. Một bộ phim đi theo hướng khai thác chân dung và lấy cảm hứng từ hình tượng Bác Hồ kính yêu. “Nhìn ra biển cả” cũng bị rơi vào tình trạng phim không có điểm nhấn, không có cao trào và gần như không có bất kỳ một xung đột nào xảy ra đối với các nhân vật chính; mạch phim đều đều, tiết tấu rời rạc… khiến tác phẩm thiếu sức sống nội tại của thực thể một tác phẩm nghệ thuật.
Hương Giang
Bài 2: Thiếu sức thuyết phục