Những ngày Tết cận kề, ai cũng hối hả ngược xuôi. Dừng chân ở “Ký ức không phôi pha” của họa sĩ Khổng Đỗ Duy, người xem thổn thức vì được sống lại không khí của mùa xuân nhiều năm về trước. Mỗi tác phẩm đều gắn với một câu chuyện dài về những hoài niệm được trộn pha với một chút hiện đại, được khoác màu tươi mới, mở ra những không gian cũ, nhưng rực rỡ, rộn ràng và tích cực.
Dạo một vòng quanh những tác phẩm của họa sĩ Khổng Đỗ Duy, hình ảnh một bàn thờ Phật có đủ đầy mâm ngũ quả, trà bánh, nhang đèn và cành đào không thể thiếu trong mỗi ngày Tết, khiến ai cũng thấy thanh thản, bình an. Hay như phòng khách của một gia đình trung lưu nơi phố thị; hoặc chỉ đơn giản là chiếc chạn bát gỗ, đặt bên cạnh những niêu đất, rổ ngô vừa thu hoạch cùng phích nước cũ; là trò chơi ô ăn quan... nhẹ nhàng dẫn lối về những miền ký ức.
Họa sĩ Khổng Đỗ Duy chia sẻ: “Đôi khi tôi nhớ những phím đàn, tôi yêu một chiếc radio cổ, tôi mê say đắm một chiếc máy khâu cũ, tôi đắm đuối bên những đồng xu cổ, tôi thương yêu thật nhiều những thứ giản dị xung quanh tôi. Tất cả những điều đó như là một món quà đẹp của cuộc sống ban tặng. Trải qua nhiều giai đoạn sáng tác, cách thể hiện có thay đổi, nhưng những gì thuộc về ký ức, về hoài niệm, về di sản... vẫn là những chủ đề xuyên suốt trong tranh của tôi”.
Không chỉ dừng lại ở việc tái hiện đơn thuần, một số tranh của anh còn có sự giao thoa giữa nét cổ truyền của người Á Đông, với chút gì đó mang hơi hướng hiện đại của phương Tây. Chẳng hạn như bức tranh về bộ bàn ghế thời Minh của một trí thức Nho giáo, được đặt cạnh chiếc đàn piano được lớp con cháu Tây học mang về. Sự giao thoa, hòa quyện ấy càng làm giàu và phong phú thêm đời sống của mỗi thế hệ trong gia đình.
Sinh ra từ vùng quê yên bình thuộc xã Cao Phong, huyện Sông Lô, tỉnh Vĩnh Phúc, lớn lên lập nghiệp xa nhà, mỗi lần về thăm quê, nhìn những vết tích, những nét cổ kính dần bị phai mờ theo hơi thở của thời gian, đã thôi thúc Khổng Đỗ Duy phải làm gì đó để dựng và ghi dấu lại nét đẹp ký ức ấy. Đó là nỗi trăn trở luôn thường trực trên từng nét vẽ của anh.
Mười năm theo đuổi nghệ thuật, khoảng ba năm trở lại đây, họa sĩ trẻ này đã có sự thay đổi rõ rệt trong cách thể hiện của mình. Nếu như trước đây, xem tranh Khổng Đỗ Duy, người ta sẽ thấy những thứ bao la, rộng lớn bên ngoài, nhưng lại trừu tượng, biểu hiện. Còn hiện tại, khi đưa mình về với nội tại, với quá khứ, tranh của anh lại mang tính ước lệ, tượng trưng nhiều hơn.
Bên cạnh đó, nỗi đau đáu về thời dĩ vãng đã qua của anh còn được thể hiện qua những sản phẩm gốm, từ làng nghề Hương Canh nổi tiếng của tỉnh Vĩnh Phúc. Điều này cũng khiến triển lãm của anh có chút “lạ” hơn, khi 10 tác phẩm gốm được nằm đan xen, bao bọc bởi hơn 40 tác phẩm tranh sơn dầu trên toan. Chất men gốm thô nhám, giản dị, được tô điểm nhiều họa tiết đồng tiền cổ một cách hài hòa, vừa phải, mang lại cảm giác rất “cũ mà không cũ”.
Nói về “Ký ức không phôi pha”, họa sĩ Lê Thế Anh nhận định: “Những thứ vốn không chỉ đẹp về tạo hình mà bên trong nó chứa đựng những câu chuyện về đời người, về phong tục tập quán, về lịch sử văn hóa, về cốt cách Á Đông. Cũng vì muốn truyền tải những câu chuyện lớp lang ấy, Khổng Đỗ Duy đã chọn cho mình một lối biểu đạt hội họa thật trúng, thật đúng và sâu sắc. Đó là một bảng màu đậm hồn cốt dân tộc. Từ màu hồng điều, xác pháo đến nâu sòng, cánh gián, nâu đất rồi đến sơn then. Dải màu từ nhạt đến đậm, từ nóng đến lạnh... ngập tràn trong tranh của họa sĩ, khiển chỗ nào cũng bắt gặp hồn vía dân gian”.
Qua những tác phẩm của mình, họa sĩ Khổng Đức Duy đã mang đến thông điệp và kể lại ký ức của một người lúc nào cũng ngập tràn niềm hạnh phúc. Có lẽ vì thế mà những ký ức ấy thật đa dạng, phong phú và tươi vui. Với anh, hạnh phúc nhất là được trải nghiệm một quá khứ thật đẹp, trọn vẹn hương vị của một miền quê thanh bình, đưa đến với công chúng và được đón nhận như hiện tại.
Trong tiết trời se lạnh, giữa cơn mưa xuân đầu mùa, dừng chân tại căn phòng nhỏ, được sống lại vùng ký ức Tết xưa, lòng người cũng vì thế mà trở nên ấm áp, xao xuyến đến lạ kỳ…