Quy hoạch nhà hát thiếu khả thi

Dự thảo “Quy hoạch tổng thể, phát triển nghệ thuật biểu diễn từ nay đến năm 2020” của Cục Nghệ thuật biểu diễn (Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch) đã vấp phải rất nhiều ý kiến phản đối. Những người trong nghề đều tỏ ra nghi ngờ về tính khả thi cũng như sự cần thiết của quy hoạch.

 

Theo dự thảo quy hoạch, từ nay đến năm 2020, cả nước sẽ xây mới và nâng cấp tổng cộng 71 nhà hát. Trong đó, xây mới 11 nhà hát có quy mô lớn từ 2.000 - 3.000 ghế, 40 nhà hát có quy mô từ 1.000 - 2.000 ghế; đồng thời nâng cấp và cải tạo 20 nhà hát đã bị xuống cấp... Tổng kinh phí dự kiến gần 7.000 tỉ đồng.

 

Quy hoạch nhà hát cần được cân nhắc nhiều mặt.Ảnh: Tạ Nguyên


 


Với dự thảo quy hoạch này, thì tới năm 2020, hệ thống nhà hát của Việt Nam sẽ được hoàn thiện, bổ sung, nhằm đáp ứng nhu cầu thưởng thức nghệ thuật của người dân cả nước. Đồng thời, cũng theo quy hoạch này, quy mô của nhà hát cũng sẽ được nâng lên, tới vài ngàn chỗ ngồi, điều đang rất thiếu với các nhà hát của Việt Nam hiện nay.


Nhìn vào “tương lai” này, lẽ ra các đơn vị thụ hưởng là các đoàn nghệ thuật, các sở văn hóa địa phương phải cảm thấy mừng, nhưng ngược lại, hầu hết đều không đồng tình bởi cho rằng nó quá “phi thực tế”.


Theo ông Mai Tư, Phó Giám đốc Sở VH,TT&DL tỉnh Thanh Hóa: "Việc quy hoạch và nâng cấp các nhà hát là vấn đề cần được quan tâm, nhưng phải tính đến sự khả thi, chứ không phải đưa ra rồi để đấy. Lấy ví dụ tỉnhThanh Hóa, dù chỉ cách Hà Nội có 150 km và có tổng số 250 nghệ sĩ, với 5 đoàn nghệ thuật, không hề thua kém các thành phố lớn, nhưng cho đến nay vẫn chưa có nổi một nhà hát cho ra nhà hát. 7 năm qua, toàn tỉnh chỉ có một nhà hát và vẫn đang trong tình trạng vôi ve qua loa để "đánh lừa dư luận", chưa có kinh phí để xây dựng.

Tình trạng này cũng diễn ra ở rất nhiều tỉnh, thành phố khác trong cả nước. Thế mà chỉ còn 6 năm nữa là đến 2020 mà trong dự thảo quy hoạch xây mới và nâng cấp tới tận 71 nhà hát trên cả nước thì thực sự không khả thi".


Còn ông Trần Hữu Sơn, Giám đốc Sở VH,TT&DL tỉnh Lào Cai, thì chia sẻ: “Kế hoạch xây dựng các trung tâm biểu diễn ở thành phố thì có thể hợp lý, nhưng ở miền núi thì rất tốn kém, mà lại không có điều kiện để hoạt động. Theo tôi, ở khu vực thành phố của các tỉnh miền núi chỉ cần có nhà văn hóa để lồng ghép các chương trình biểu diễn là được, như lồng ghép vào với các công trình văn hóa trong chương trình xây dựng nông thôn mới cũng là một biện pháp mà không tốn kém. Nếu xây nhiều quá, mỗi xã xây một điểm mà một năm may ra trông chờ đoàn nghệ thuật của tỉnh về được ba lần sẽ là lãng phí”.


Đồng tình với quan điểm này, Giám đốc Sở Văn hóa tỉnh Phú Thọ cho biết: "Địa phương miền núi như chúng tôi mỗi khi có chương trình nghệ thuật Trung ương về diễn thì lượng người đến xem rất đông, nhưng trên thực tế lại không có nhiều chương trình như vậy. Lý do cũng là bởi không có điều kiện cơ sở vật chất, địa điểm để tổ chức, đón các đoàn nghệ thuật về phục vụ. Thế nhưng nếu xây mới với quy mô lớn ở địa phương thì tôi cho rằng lại hơi "hoang" quá vì xây thì lại khó lòng duy trì hoạt động thường xuyên, mà nói đến vấn đề kinh phí thì cũng khó mà làm được".


Với các tỉnh, thành phố thì là như vậy, với Thủ đô Hà Nội, nơi nhu cầu thưởng thức nghệ thuật của người dân lớn hơn, cũng là nơi tập trung nhiều các hoạt động biểu diễn, giao lưu văn hóa... xem ra những người làm văn hóa cũng không “mặn mà” gì với dự thảo quy hoạch, đơn giản vì với hệ thống nhà hát như hiện nay của Thủ đô, cũng đã có tình trạng “nơi đỏ đèn, nơi đìu hiu” rồi. Đơn cử như Nhà hát Kim Mã, thuộc quản lý của Nhà hát Chèo Việt Nam, cả tuần chỉ có lịch diễn sân khấu nhỏ vào tối thứ 6 hàng tuần. Cả tầng 1 của nhà hát rất rộng, hiện dành để kinh doanh dịch vụ ăn uống, tổ chức sự kiện, hội nghị, đám cưới... Bà Nguyễn Thị Bích Ngoan, Giám đốc Nhà hát Chèo Việt Nam cho biết: "Việc tổ chức sân khấu nhỏ ở Nhà hát Kim Mã hàng tuần cũng là một biện pháp để duy trì và tăng cường hoạt động của nhà hát, cũng như thu hút lượng khán giả đến rạp đông hơn”.


Tình trạng đìu hiu này cũng đang diễn ra ở khá nhiều nhà hát của Thủ đô, bởi không phải đơn vị nào cũng có chương trình, cũng như kinh phí để xây dựng chương trình mới, để đỏ đèn thường xuyên được.


Vậy nên, rõ ràng không phải cứ “vẽ” ra là xong, là một đơn vị quản lý - thì đòi hỏi về tính khả thi trong mỗi kế hoạch càng phải lớn hơn, nếu không, cuối cùng sẽ lại gây khó cho cấp dưới khi triển khai, chưa kể đến việc tốn kém, lãng phí không đáng có!


Bài và ảnh:Tạ Nguyên

Xây dựng Nhà hát ca múa nhạc dân gian Việt Bắc

Ngày 19/10, tại thành phố Thái Nguyên (tỉnh Thái Nguyên), Nhà hát ca múa nhạc dân gian Việt Bắc (Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch) đã chính thức triển khai Dự án xây dựng Nhà hát ca múa nhạc dân gian Việt Bắc, với tổng nguồn vốn đầu tư hơn 320 tỷ đồng từ nguồn vốn ngân sách Nhà nước.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN