Cuốn sách không chỉ công bố các kết quả nghiên cứu, những thảo luận trao đổi chuyên sâu và những thông tin hữu ích về tình hình kinh tế - xã hội của Việt Nam, mà còn là hành trình khám phá những cơ hội và thách thức đất nước đang đối mặt, cũng như những chiến lược và giải pháp cụ thể để đạt được mục tiêu "dân giàu, nước mạnh".
Ông Trần Quốc Bình, Giám đốc Nhà xuất bản Đại học Quốc gia Hà Nội cho biết, cuốn sách công bố các kết quả nghiên cứu, những thảo luận trao đổi chuyên sâu và những thông tin hữu ích về tình hình kinh tế xã hội của Việt Nam.
Đặc biệt, cuốn sách được chủ biên bởi GS. Trần Văn Thọ, Tiến sĩ Kinh tế, Giáo sư danh dự Đại học Waseda, Tokyo, đã từng nhận Huân chương Thụy bảo Tia Vàng của chính phủ Nhật Bản. Ông từng là thành viên Tổ Tư vấn kinh tế của các Thủ tướng Võ Văn Kiệt và Nguyễn Xuân Phúc. Hiện tại, ông là thành viên Hội đồng cố vấn Dự án Vietnam 2045 của Ngân hàng Thế giới và Chính phủ Việt Nam.
Cùng chủ biên sách với GS. Trần Văn Thọ có ông Trần Hữu Phúc Tiến, cựu nhà báo, hiện là chuyên gia tư vấn giáo dục và nghiên cứu lịch sử.
Cuốn sách gồm 4 phần A, B, C, D, với 23 bài viết. Phần A đề cập đến vấn đề cải cách tổ chức và vận hành Nhà nước, chú trọng đến quá trình lập và thực thi chính sách. Các tác giả đều đưa ra những đề xuất cụ thể, nhằm nâng cao hiệu quả và tính minh bạch của hệ thống chính trị và kinh tế.
Phần B tập trung vào nông nghiệp, doanh nghiệp và lao động. Các vấn đề quan trọng như liên kết tam nông, khởi nghiệp và chính sách hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ, vừa được đặt ra và giải quyết trong phạm vi từng bài viết. Đồng thời, vấn đề đào tạo nguồn nhân lực cũng được nhấn mạnh để đảm bảo sự phát triển bền vững của nguồn nhân lực.
Phần C đề cập đến vấn đề hội nhập và tận dụng nguồn lực ngoại lực, định vị vai trò của nước ta trong chuỗi cung ứng toàn cầu. Trong các bài viết, các tác giả đều đề xuất các giải pháp để tối ưu hóa cơ hội từ hội nhập quốc tế và tận dụng nguồn lực ngoại lực.
Phần D với đề tài về phát triển bền vững, đưa ra những góc nhìn đa chiều về công bằng, sức khỏe, bình đẳng giới và nhân văn trong xã hội. Các tác giả đều nhấn mạnh vào việc xây dựng một tương lai phát triển toàn diện và bền vững cho Việt Nam. Tổng thể, cuốn sách tập trung vào những khía cạnh quan trọng của phát triển kinh tế xã hội, đặt ra các vấn đề quan trọng và đề xuất những giải pháp cụ thể để đối mặt với những thách thức này.
Cuốn sách này ra đời để góp một tiếng nói vào cuộc thảo luận của toàn xã hội về mục tiêu phát triển dài hạn của Việt Nam.
Cụ thể, sách sẽ trả lời câu hỏi: Để đạt mục tiêu dân giàu nước mạnh trong khoảng hai thập niên tới, Việt Nam cần chuẩn bị những tiền đề gì? Về các tiền đề này, cuốn sách sẽ bàn các vấn đề như cần đổi mới thể chế ở những lĩnh vực nào? Cần có chiến lược, chính sách cụ thể gì để kinh tế phát triển nhanh, bền vững và đạt lý tưởng công bằng?
Theo GS. Trần Văn Thọ, tổng thể cuốn sách tập trung vào những khía cạnh quan trọng của phát triển kinh tế và xã hội, đặt ra các vấn đề quan trọng, đề xuất những giải pháp cụ thể để đối mặt với những thách thức này.