Sách này gồm 8 chương và 2 phụ lục, với nội dung điểm lại các tài liệu và sự việc có liên quan đến chuyến đi sang Trung Hoa của phái đoàn Đại Việt năm Canh Tuất (1790). Các tài liệu và sách vở trước nay vẫn cho rằng người dẫn đầu phái đoàn sang Trung Quốc năm ấy là một “Quang Trung giả”. Tuy nhiên, qua các tài liệu mới thu thập được, nhất là các tài liệu gốc trong sự kiện phái đoàn ngoại giao sang Trung Hoa năm 1790, tác giả đã chứng minh một cách thuyết phục cho quan điểm rằng, người dẫn đầu phái đoàn năm ấy chính là vua Quang Trung.
Qua 8 chương sách tác giả lần lượt điểm qua bối cảnh của chuyến đi lịch sử sang Trung Hoa dự lễ Bát tuần khánh thọ vua Càn Long năm 1790, các nguồn tài liệu có liên quan viết về Tây Sơn và triều đại Quang Trung, đặc biệt là những tài liệu trong sử nhà Nguyễn đề cập tới “giả vương” được sử dụng hầu khắp và ảnh hưởng lớn đến những công trình nghiên cứu về sau.
Bìa cuốn sách "Giả vương nhập cận" mới được ra mắt độc giả cả nước. |
Tác giả Nguyễn Duy Chính đã lần về các tư liệu gốc để truy tìm ra đầu mối của thuyết “giả vương”, từ những tin đồn của nhóm lưu vong nhà Lê đến những trang viết nhằm hạ thấp và xuyên tạc về triều đại Quang Trung trong sử nhà Nguyễn, từ sự lẫn lộn cố tình và ghi chép nhập nhằng giữa chuyến đi cầu phong của phái đoàn Nguyễn Quang Hiển năm 1789 với phái đoàn dự lễ khánh thọ vua Càn Long năm 1790. Qua các tư liệu mới có thể kiểm chứng được, tác giả đã vạch ra những mâu thuẫn và sơ hở của thuyết “giả vương” để dẫn đến một giả thiết mới về sự có mặt của vua Quang Trung trong phái đoàn Đại Việt năm 1790 bằng những chứng cứ khá thuyết phục.
Phụ lục 1 liệt kê khá chi tiết về người được cho là “giả vương” với mỗi tài liệu ghi chép một khác đã tự nó nói lên rằng sự việc “giả vương nhập cận” là không đáng tin. Phục lục 2 liệt kê các tài liệu từ phía Việt Nam, Trung Hoa, Triều Tiên, phương Tây, trong đó có nhiều tư liệu gốc rất có giá trị giúp cho người đọc có thể kiểm chứng được những kết quả nghiên cứu của tác giả và có thể nghiên cứu thêm hoặc tham gia thảo luận vấn đề khi cần.
Với cuốn sách này, độc giả, những nhà nghiên cứu lịch sử Việt Nam sẽ có nhiều kiến thức rõ ràng hơn về Vua Quang Trung, về chuyến đi ngoại giao của ông sang nước ngoài.