Cuốn sách viết về biệt động Sài Gòn này đã được tái bản hai lần và có tên gọi trước là “Biệt động Sài Gòn”. Tuy nhiên trong lần tái bản này, cuốn sách được dịch sang tiếng Anh và đổi tên mới thành “Biệt động Sài Gòn – Chợ Lớn – Gia Định trong 30 năm chiến tranh giải phóng (1945 – 1975)".
Sau ngày giải phóng miền Nam thống nhất Tổ quốc, đã có không ít sách báo viết về biệt động Sài Gòn, tuy nhiên với cuốn sách của tác giả Nguyễn Đức Hùng - tức Tư Chu, một trong những người từng gắn bó nhiều năm trong cương vị chỉ huy biệt động Sài Gòn – Gia Định, lại cho người đọc cách tiếp cận khác để hiểu hơn về đội biệt động Sài Gòn ngày xưa.
Theo đó, nội dung của cuốn sách tập trung cho người đọc biết và hiểu rõ hơn cách đánh của biệt động Sài Gòn mà tác giả chính là chứng nhân của lịch sử, góp phần làm nên lịch sử của đội biệt động Sài Gòn. Tác phẩm này cũng sẽ góp phần quan trọng trong việc tạo ra một công trình tổng kết đầy đặn hơn ở cấp quốc gia về đội biệt động Sài Gòn.
Cuốn sách của tác giả Nguyễn Đức Hùng cũng có những bài nhận xét về biệt động của Đại tướng Võ Nguyên Giáp và ông Võ Văn Kiệt. |
Trong lịch sử chiến tranh thế giới, cách đánh biệt động không phải là điều chưa từng có. Nhưng ở Việt Nam, trong suốt 30 đấu tranh vũ trang vì độc lập tự do, thống nhất đất nước, cách đánh biệt động đô thị trở thành một chiến thuật đạt đến trình độ cao của nghệ thuật tác chiến, sự vận dụng tổng hợp sức mạnh của nhân tố thiên thời – địa lợi – nhân hòa của chiến tranh nhân dân và góp phần hình thành phương châm chiến lược “hai chân ba mũi, giáp công ba vùng”.
Đại tá, Anh hùng Lực lượng vũ trang nhân dân Nguyễn Đức Hùng bí danh là Tư Chu (1928 - 2012), quê ở huyện Can Lộc, Hà Tĩnh. Ông nguyên là Phó Tư lệnh, Tham mưu trưởng Quân khu, kiêm chỉ huy các lực lượng Biệt động Quân khu Sài Gòn – Gia Định, Thành ủy viên dự khuyết - Ủy viên Quân khu ủy Sài Gòn – Gia Định.
Với những cống hiến của mình, ông Tư Chu đã được Nhà nước tặng Huân chương Độc lập hạng Nhất, Huân chương Quân công hạng Nhất và Huy hiệu 65 năm tuổi Đảng.