Cũng như truyện tranh, sách tranh hiện là loại hình có nhiều người đọc nhất, đặc biệt là thiếu nhi. Trong bối cảnh khi văn hóa đọc đang bị sa sút, thì những cuốn sách tranh hấp dẫn sẽ có tác động tích cực, kéo các em đến với sách, kích thích tưởng tượng, sáng tạo, tạo thêm “sân chơi” cho các em.
Sách tranh kích thích trí tưởng tượng cho trẻ. |
Chị Nguyễn Thu Hằng, một phụ huynh chia sẻ: “Con tôi năm nay đang học lớp 1, nhưng cháu rất mê xem tivi và chơi máy tính. Tôi muốn tìm mua những cuốn sách vừa hấp dẫn, vừa bổ ích cho cháu để hạn chế bớt xem tivi. Sau khi hỏi thăm bạn bè, tôi đã tìm được cho con mình những cuốn sách tranh về các loài vật, cháu rất thích”. Chị Hằng cho biết thêm, bộ sách mà chị đã mua cho con mình là xê ri sách tranh về chú chim bồ câu của tác giả Mo Willems, những hình ảnh và từ ngữ trong bộ sách tranh này đã hướng dẫn con chị cách trò chuyện và tương tác với bồ câu, khiến con chị rất thích, đi đâu cũng khoe bạn bồ câu và để ý đến từng cử chỉ, ánh mắt của bồ câu… Hay như cuốn sách tranh kể về một chú sâu háu ăn, và hành trình chú sâu hóa thành con bướm như thế nào… “Chỉ tiếc là, những cuốn sách tranh giúp cho các con phát triển trí tưởng tượng và khả năng quan sát như vậy ở Việt Nam hiện nay còn chưa có nhiều lắm”, chị Hằng phàn nàn.
Có lẽ chị Hằng là một trong số ít những phụ huynh biết tìm mua sách tranh cho con mình đọc, trong khi đa số các bậc phụ huynh thường tìm mua truyện tranh hoặc những truyện cổ tích cho con mình, bởi rất nhiều người vẫn cho rằng, sách tranh và truyện tranh cũng giống nhau.
Theo họa sĩ Phạm Thu Thùy, một họa sỹ đã có nhiều cuốn sách sáng tác và minh họa được đông đảo giới trẻ đón nhận tại Việt Nam, hiện đang phụ trách mảng sách tranh của Nhã Nam, sách tranh là hình thức nghệ thuật kể chuyện bằng hình ảnh, xuất hiện trên thế giới cách đây khoảng 130 năm. Ở Việt Nam, sách tranh mới xuất hiện khoảng 7 - 8 năm trở lại đây, và hầu hết vẫn là sách nhập từ nước ngoài về dịch, còn sách tranh của các tác giả Việt Nam vẫn rất ít. Thêm vào đó, sách tranh ở Việt Nam hiện chưa được phụ huynh cũng như các bạn trẻ tiếp cận, bởi đa phần các phụ huynh khi chọn sách chỉ chú ý đến một cuốn sách mỏng, mà giá thành lại cao hơn những cuốn sách khác, nên không muốn mua. Trong khi bản thân họ chưa hiểu được giá trị nghệ thuật ở trong cuốn sách tranh đó.
Họa sỹ Phạm Thu Thùy cho biết, mỗi một trang sách tranh như một tác phẩm nghệ thuật của họa sỹ. Các tác phẩm sách tranh không chỉ dừng ở việc mang lại những hình ảnh giải trí cho độc giả, đặc biệt là trẻ em, mà còn đánh thức trong trẻ những khả năng tiềm tàng về phát triển tư duy và ngôn ngữ, là cách trẻ dần học được sự giao tiếp với thế giới bên ngoài, và cao hơn nữa, khơi dậy trong những con người của tương lai này một thú vui, một thói quen đọc sách.
Họa sỹ Phạm Thu Thùy cho biết thêm, sách tranh hiện nay gồm hai loại: Sách tranh thông tin dạy kỹ năng sống, cung cấp các thông tin khoa học, đời sống, xã hội, giới thiệu số đếm, màu sắc, bảng chữ cái… và sách tranh có câu chuyện, có kịch bản, tuyến nhân vật, tình huống, thông điệp… Đề tài của sách tranh cũng rất đa dạng, không ngoại trừ một vấn đề nào, ngay cả những đề tài vốn được coi là khó tiếp cận với trẻ em như chính trị, chiến tranh, bạo lực, cái chết, mất mát… quan trọng là cách thức truyền đạt những nội dung ấy phù hợp để các em có thể hiểu được.
Theo đánh giá của các nhà nghiên cứu tư duy, tâm lý trẻ nhỏ, trẻ con khi mới sinh ra, khi khả năng ngôn ngữ chưa phát triển cao, nên những hình ảnh trong sách tranh đặc biệt phù hợp cho bước đầu trẻ làm quen với việc đọc, sự hấp dẫn từ hình ảnh, sự cô đọng, chắt lọc của từ ngữ sẽ giúp các em khám phá mối quan hệ giữa từ ngữ, hình ảnh và thế giới mà các em trải nghiệm hàng ngày, khiến cho trẻ em cảm thấy thích thú với cuốn sách…
“Trong điều kiện bùng nổ các ứng dụng công nghệ kỹ thuật số, dẫn đến sự thờ ơ với việc đọc sách như hiện nay, việc giúp trẻ em làm quen với sách tranh, để các em có hứng thú mỗi khi đọc sách, sẽ là một cách làm hiệu quả và bền vững để văn hóa đọc tiếp cận các thế hệ tương lai”, một nhà nghiên cứu tâm lý chia sẻ.
Khánh Ngọc