Tìm tòi không ngừng
Dư luận đã nói rất nhiều về sự chênh lệch phát triển giữa sân khấu TP Hồ Chí Minh và sân khấu Hà Nội. Trong hai trung tâm lớn về sân khấu này, thì rõ ràng TP Hồ Chí Minh năng động hơn trong hoạt động xã hội hóa sân khấu, cũng như có nhiều đổi mới ở cách chọn đề tài, dàn dựng và đặc biệt là các rạp hát luôn sáng đèn với nhiều đối tượng khán giả.
Vở xiếc "Làng tôi", một thể nghiệm mới của sân khấu phía Bắc hiện chưa tìm được chỗ đứng tại sàn diễn trong nước. |
Trong khi đó, sân khấu Hà Nội giống như "một cỗ máy già nua", hoạt động cầm chừng và thiếu năng động. Cũng đã có những nỗ lực từ sân khấu phía Bắc được khán giả và đồng nghiệp ghi nhận, nhưng cũng có không ít những đốm sáng chỉ kịp vụt lóe rồi tắt... "Nhưng không vì thế mà những nghệ sĩ tâm huyết bỏ cuộc, họ vẫn đang lần mò để tìm ra lối đi cho sự phát triển từ cách khai thác đổi mới đề tài, cách đổi mới hình thức sân khấu cho tới cả việc tổ chức biểu diễn tiếp cận khán giả", đại diện giới sân khấu Hà Nội chia sẻ.
Nỗ lực không ngừng, đó là điều sân khấu Hà Nội đang làm. Trong tháng 8 này, Công ty Cổ phần Truyền thông HK sẽ cho ra đời chợ kịch bản điện tử, nhằm quy tụ những kịch bản sân khấu có chất lượng, đáp ứng nhu cầu kịch bản của các nhà hát, các đơn vị nghệ thuật đã làm náo nức những ai quan tâm tới vấn đề này. NSƯT Triệu Trung Kiên, Giám đốc nghệ thuật Công ty CP Truyền thông đa phương tiện HK, trưởng ban điều hành dự án chia sẻ: "Chợ kịch bản ra đời sẽ giúp các đơn vị nghệ thuật có thêm nhiều cơ hội lựa chọn kịch bản để dàn dựng hoặc phục dựng lại trong bối cảnh "khan hiếm" kịch bản hay như hiện nay. Đây là việc làm cần thiết, đầu tư lâu dài bởi hiện nay nhu cầu về kịch bản của các đơn vị nghệ thuật là rất lớn. Trong khi đó, có nhiều kịch bản xong nhưng tác giả không biết quảng bá, giới thiệu bằng cách nào, dẫn đến tình trạng lãng phí chất xám, công sức, tâm huyết".
Được biết, Chợ kịch bản nằm dưới sự bảo trợ của Hội Nghệ sĩ Sân khấu Việt Nam. Khi ký hợp đồng giao kịch bản của mình cho Chợ kịch bản, các tác giả không phải đóng một khoản phí dịch vụ nào. Các đơn vị nghệ thuật sân khấu cũng như khách truy cập xem các kịch bản cũng không phải trả phí. Chỉ khi giao dịch được thực hiện thành công thì tác giả sẽ trích một khoản trong số nhuận bút kịch bản để chi trả, nhằm duy trì hoạt động của trang. Hiện nay đã có gần 50 tác giả thuộc CLB tác giả sân khấu phía Bắc đồng ý tham gia Chợ kịch bản. Mới mẻ hơn là nếu đơn vị nghệ thuật nào muốn hoàn thiện và nâng cao hơn chất lượng của kịch bản, ban điều hành cũng sẽ yêu cầu tác giả hợp tác để cùng chỉnh sửa. Thậm chí sẽ có một đội ngũ các tác giả dày dặn kinh nghiệm sẵn sàng hợp tác cùng tác giả để cùng chỉnh sửa nâng cao chất lượng kịch bản.
Trước đó, tháng 7 vừa qua, Nhà hát Cải lương Hà Nội áp dụng phương thức dàn dựng mới đưa kỹ thuật điện ảnh vào sân khấu cải lương, khởi đầu là vở "Yêu là thoát tội" vừa được công diễn tại rạp Hồng Hà. Giữa lúc sân khấu truyền thống đang thiếu vắng khán giả thì Nhà hát cải lương Hà Nội mạnh dạn đầu tư kinh phí, tìm tòi đổi mới phương thức dàn dựng tăng tính hấp dẫn của vở diễn, kéo khán giả đến rạp vì tò mò là nỗ lực đáng trân trọng.
Vẫn chông gai
Có những thể nghiệm đầy hy vọng và đã thành công như vậy, nhưng cũng còn đó những nỗ lực chưa được chính khán giả "sân nhà" trân quý. Đó là chương trình xiếc "Làng tôi". Sau 4 năm biểu diễn thành công trên khắp các sân khấu quốc tế, nhóm nghệ sĩ tham gia chương trình "Làng tôi" của Liên đoàn xiếc Việt Nam đang đứng trước một thực tế lúng túng là không thể biểu diễn ở ngay nước mình. Hợp đồng diễn ở nước ngoài đã kết thúc và đã gần 1 năm, ê kíp diễn "Làng tôi" vẫn án binh bất động, một số nghệ sĩ đã quay sang tập các tiết mục xiếc truyền thống để khỏi bị "mất nghề".
Vấn đề là vì sao xiếc "Làng tôi" được khán giả quốc tế hào hứng đón nhận thì khi về Việt Nam lại có nguy cơ bị xếp kho? Lý giải thì có nhiều nguyên nhân, nào là không có rạp biểu diễn nào có thể tổ chức biểu diễn thường xuyên cố định cho "Làng tôi" vì sân khấu dàn dựng với kỹ thuật cao đòi hỏi việc tháo lắp rất tốn thời gian, nào là phải đi thuê dàn âm thanh, ánh sáng sân khấu. Và có ý kiến cho rằng tại gu thẩm mỹ của khán giả quốc tế khác với khán giả trong nước. Nói cho cùng, điều quan trọng vẫn là là kỹ thuật, kỹ xảo của ngôn ngữ xiếc phải thực sự đạt trình độ đẳng cấp cao mới tạo sức hấp dẫn thực sự.
Những nỗ lực cố gắng trong sáng tạo và thay đổi phương thức hoạt động, tổ chức biểu diễn, mở rộng địa bàn là những ghi nhận đối với một số cá nhân và đơn vị nghệ thuật sân khấu phía Bắc hiện nay. Trên con đường hội nhập và phát triển, sân khấu phải có những con người, những đơn vị tiên phong đi trước... và dĩ nhiên sự tiên phong ấy cũng có thể thành công và cũng có thể chưa thành công... Nhưng tất cả đều nhằm tới một mục đích lớn nhất đó là làm sao sân khấu tiếp cận và đáp ứng được nhu cầu thưởng thức của khán giả, khẳng định được vị thế trong đời sống xã hội hôm nay. Và vì vậy mà người ta trân trọng tất cả những nỗ lực và những động tác làm mới mình của sân khấu.
Bài và ảnh:Thạch Anh