Một trận đấu trong vòng loại Lễ hội "Chọi trâu Đồ Sơn năm 2017". Ảnh: Hoàng Ngọc/TTXVN |
Việc này nhằm đảm bảo việc tổ chức Lễ hội Chọi trâu Đồ Sơn và các lễ hội, hội chọi trâu đúng với truyền thống, ý nghĩa của Lễ hội, đáp ứng nhu cầu văn hóa tâm linh lành mạnh của nhân dân; đồng thời hướng tới việc bảo tồn giá trị văn hóa truyền thống, tạo những hình ảnh đẹp của văn hóa truyền thống Việt Nam trong mắt bạn bè quốc tế.
Theo đó, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch sẽ thực hiện đồng bộ các giải pháp tăng cường quản lý và chấn chỉnh công tác quản lý, tổ chức Lễ hội Chọi trâu Đồ Sơn và các lễ hội, hội chọi trâu. Bộ cũng phối hợp với các ban, bộ, ngành trong việc quản lý và tổ chức lễ hội; định hướng tuyên truyền về giá trị, ý nghĩa giáo dục của lễ hội; vận động, thuyết phục nhân dân thực hiện nếp sống văn minh khi tham gia lễ hội.
Các đơn vị liên quan của Bộ sẽ rà soát, sửa đổi, bổ sung các văn bản quy phạm pháp luật; quy trình thực hành Di sản văn hóa phi vật thể Lễ hội Chọi trâu Đồ Sơn; đề xuất xây dựng văn bản quản lý, chỉ đạo để phù hợp với tình hình thực tế.
Bộ sẽ kiểm soát việc thực hiện các biện pháp bảo vệ đã được cam kết tại Hồ sơ khoa học di sản văn hóa phi vật thể Lễ hội Chọi trâu Đồ Sơn đề nghị đưa vào Danh mục di sản văn hóa phi vật thể quốc gia. Nếu di sản văn hóa phi vật thể đã được đưa vào Danh mục di sản văn hóa phi vật thể quốc gia không còn đáp ứng được các tiêu chuẩn, quy định của Luật di sản văn hóa thì Bộ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch sẽ xem xét đưa di sản ra khỏi Danh mục di sản văn hóa phi vật thể quốc gia.
Việc tổ chức Lễ hội Chọi trâu Đồ Sơn bằng các hình thức phù hợp sẽ góp phần bảo tồn và phát huy các giá trị văn hóa truyền thống tốt đẹp của di sản văn hóa. Trong đó, trọng tâm của Lễ hội là các nghi lễ truyền thống tại địa phương, đảm bảo tính trang trọng, đúng với giá trị của di sản.
Lãnh đạo Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch phân công Cục Văn hóa cơ sở: Tham mưu trình Lãnh đạo Bộ ban hành văn bản chỉ đạo địa phương nghiêm túc thực hiện các văn bản chỉ đạo của Đảng, Chính phủ, Thông tư số 15/2015/TT-BVHTTDL ngày 22 tháng 12 năm 2015 của Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch quy định về tổ chức lễ hội; đề xuất nội dung làm việc của Lãnh đạo Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch với UBND thành phố Hải Phòng về tổ chức Lễ hội Chọi trâu Đồ Sơn.
Cục Di sản văn hóa rà soát quy trình thực hành Di sản văn hóa phi vật thể Lễ hội Chọi trâu Đồ Sơn; kiểm tra việc thực hiện các biện pháp bảo vệ đã được cam kết tại Hồ sơ khoa học di sản văn hóa phi vật thể Lễ hội Chọi trâu Đồ Sơn.
Thanh tra Bộ tiến hành thanh tra, kiểm tra việc quản lý, tổ chức các lễ hội, đặc biệt các lễ hội không có cơ sở để khẳng định là lễ hội dân gian truyền thống; có nội dung kích động bạo lực, phản cảm như lễ hội, hội chọi trâu.
Viện Văn hóa Nghệ thuật Quốc gia Việt Nam tổ chức tọa đàm, lấy ý kiến các nhà nghiên cứu văn hóa; cơ quan quản lý và cộng đồng về tổ chức Lễ hội Chọi trâu Đồ Sơn.
Sở Văn hóa và Thể thao thành phố Hải Phòng tổ chức hội thảo lấy ý kiến các nhà nghiên cứu văn hóa, cơ quan quản lý và cộng đồng để đưa ra giải pháp tổ chức Lễ hội Chọi trâu Đồ Sơn đảm bảo an ninh, an toàn, bảo tồn và phát huy giá trị văn hóa phi vật thể quốc gia. Sở cũng tiến hành xây dựng Đề án bảo vệ và phát huy giá trị di sản văn hóa phi vật thể Lễ hội Chọi trâu Đồ Sơn trình các cấp có thẩm quyền phê duyệt.
Kinh phí thực hiện Kế hoạch tăng cường công tác quản lý, tổ chức Lễ hội Chọi trâu Đồ Sơn và các lễ hội, hội chọi trâu được bố trí từ ngân sách hàng năm của Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch cấp cho các đơn vị thuộc Bộ và thực hiện theo quy định hiện hành. Kinh phí thực hiện các nhiệm vụ khác giao cho địa phương được bố trí từ nguồn ngân sách Nhà nước tại địa phương và thực hiện theo quy định hiện hành.
Cục Văn hóa cơ sở chịu trách nhiệm đôn đốc thực hiện kế hoạch và thường xuyên báo cáo tiến độ với Lãnh đạo Bộ để kịp thời chỉ đạo thực hiện.