Là gương mặt quen thuộc của hàng loạt chương trình giải trí vào giờ vàng buổi tối, sở hữu chương trình phát thanh riêng, là nghệ sĩ được nhiều nhãn hàng tin tưởng làm nhân vật đại diện quảng cáo, nhưng chỉ với một tin đồn gian díu với đồng nghiệp đã có gia đình thì chỉ trong vài tuần sự nghiệp giải trí 15 năm của Becky (nghệ danh của Rebecca Eri Ray Vaughan) đã gần như sụp đổ.
Sự nghiệp 15 năm trong ngành giải trí của Becky bị đe dọa sau bê bối ngoại tình. |
Người hâm mộ cảm mến tính cách dễ gần giống như một cô nàng hàng xóm thân thiện của “bông hồng lai” Becky với mẹ là người Nhật và cha là người Anh. Rồi đầu tháng 1 năm nay, truyền thông tới tấp đưa tin về chuyện ngoại tình của Becky với Enon Kawatani, ca sĩ 27 tuổi của nhóm nhạc Gesu no Kiwami Otome. Trong khi Becky rút khỏi các chương trình trên ti vi, bị cắt hợp đồng quảng cáo và phải hứng chịu búa rìu dư luận thì Kawatani lại vẫn tiếp tục sự nghiệp mà không mấy bị soi mói và đả kích.
Không dừng ở đó, Công ty quản lý Sun Music của Becky còn ra quyết định “chia tay” với nữ nghệ sĩ 31 tuổi này. Trường hợp của Becky cũng châm ngòi cuộc tranh luận về mối quan hệ, cách ứng xử của Công ty quản lý Nhật Bản với các nữ diễn viên, ca sĩ.
Philip Brasor, một nhà bình luận về truyền thông và văn hóa Nhật Bản cho biết giống như nhiều ngôi sao trong các chương trình giải trí ở Nhật Bản, nguyên nhân chính giúp Becky trở thành nghệ sĩ được yêu mến là do hình tượng vui vẻ, trẻ trung, dễ thương. Nhưng một khi hình ảnh đó bị mất đi trong mắt công chúng thì Becky đã không còn có giá trị với chính những ông chủ của mình.
Minami Minegishi hy sinh mái tóc để thể hiện sự hối lỗi. |
Khi một công ty quản lý đã dành thời gian và tiền bạc để nuôi dưỡng “gà cưng” trở thành nghệ sĩ nổi tiếng “đẻ trứng vàng” trong tương lai thì họ luôn muốn đảm bảo rằng nhân viên của mình phải có một hình tượng chuẩn mực trong mắt người hâm mộ. Brasor phân tích: “Giá trị của nghệ sĩ đối với công ty xoay quanh việc công chúng yêu mến họ đến mức nào. Điều này đồng nghĩa rằng cuộc sống cá nhân của họ cũng là tài sản đối với chính công ty”.
Brasor chỉ ra trường hợp của Becky và cho rằng cô khó có thể nhận được sự cảm thông của công chúng. Điển hình là một kênh truyền hình đã công chiếu chương trình có Becky tham gia rồi phải nhận hơn 1.000 lời than phiền của khán giả chỉ trong 10 phút.
Becky cũng không phải là trường hợp duy nhất. Tháng 9/2015, một thần tượng 17 tuổi của nhóm nhạc nữ Nhật Bản đã bị yêu cầu phải bồi thường 650.000 yen cho công ty chủ quản sau khi có thông tin rò rỉ rằng cô đã có bạn trai và điều này vi phạm điều khoản không hẹn hò trong hợp đồng giữa cô và công ty. Điều đáng tiếc hơn là mối quan hệ của cô còn gây ra sự tan rã của ban nhạc 6 thành viên của cô. Trường hợp này cũng cho thấy góc khuất rằng các công ty quản lý Nhật Bản đang gò ép các nữ nghệ sĩ với những quy định có phần trái khoáy để đảm bảo được sự quan tâm của lượng người hâm mộ là nam giới. Theo quan điểm của Mark Schreiber, phóng viên chuyên về ngành công nghiệp giải trí Nhật Bản thì giá trị của một nữ thần tượng có thể “bốc hơi” nếu cô “đã bị sở hữu” trong mắt người hâm mộ nam giới.
Và còn đó là câu chuyện của Minami Minegishi, cựu thành viên ban nhạc nữ nổi tiếng nhất Nhật Bản AKB48 sau khi một tờ tạp chí đăng hình ảnh cô rời nhà bạn trai vào năm 2013.
Chỉ vài giờ sau khi tin tức lan truyền, Minegishi đã cạo đầu, một hành động thể hiện sự hối lỗi tại Nhật Bản, và đăng lên trang mạng Youtube video cô vừa nức nở khóc vừa xin lỗi.
Nhưng một trường hợp khác đã cho thấy sự thay đổi theo chiều hướng tích cực và cởi mở hơn đối với các nghệ sĩ nữ là vào ngày 15/2, thẩm phán Katsuya Hara ở Tokyo đã ra phán quyết có lợi cho thành viên một nhóm nhạc nữ hẹn hò với chính người hâm mộ. Công ty quản lý đã đưa cô tới tòa để đòi 10 triệu yen bồi thường cho hợp đồng với điều khoản không được hẹn hò. Cho rằng việc cấm này đã trở nên “thái quá”, thẩm phán Hara cho biết nữ nghệ sĩ 23 tuổi (được giấu tên), có quyền để theo đuổi hạnh phúc trong đó có việc được hẹn hò và có bạn trai.