Những năm gần đây, Sin Suối Hồ là bản du lịch cộng đồng nổi tiếng của Lai Châu, được du khách trong nước và quốc tế biết đến. Sức hấp dẫn của Sin Suối Hồ không chỉ là phong cảnh đẹp mà còn ở nhiều hoạt động văn hóa mang đậm bản sắc của cộng đồng người Mông, là các dịch vụ du lịch gần gũi với thiên nhiên, thân thiện với con người nơi vùng cao biên giới.
Đầu năm 2023, diễn đàn Hội chợ Du lịch quốc tế ở thành phố Yogyakarta (Indonesia) đã vinh danh Sin Suối Hồ là một trong những điểm du lịch cộng đồng hấp dẫn nhất ASEAN năm 2022. Chủ tịch xã Sin Suối Hồ Chẻo Quẩy Hòa và ông Hảng A Xà, mục sư hội thánh Tin lành ở đây đã có mặt trong sự kiện đặc biệt đó.
Với gần 150 gia đình, dân số trên 700 người, Sin Suối Hồ đã có gần 20 homestays, có thể phục vụ cùng lúc cả trăm du khách. Các hộ gia đình trong bản điều tham gia hoạt động dịch vụ du lịch dưới các hình thức khác nhau, bên cạnh các hoạt động sản xuất vốn có ở vùng này.
Khi trò chuyện với chúng tôi, ông Hoàng Văn Đại, Phó Bí thư Đảng ủy xã Sin Suối Hồ cho biết, nhờ phát triển du lịch, thu nhập trung bình người dân trong bản đạt khoảng 35 triệu đồng/người, cao hơn mức bình quân 25 triệu/người của cả xã. Năm qua, dù còn bị ảnh hưởng của thời kỳ sau đại dịch, Sin Suối Hồ đón khoảng 20 ngàn du khách từ nhiều vùng trong cả nước. Khách du lịch từ một số quốc gia trên thế giới đã đến đây. Trong thời gian tới, số du khách dự báo sẽ tăng lên.
Để có được những bước phát triển như ngày nay, Sin Suối Hồ đã trải qua một đoạn đường dài. Trong câu chuyện kể với mọi người, mục sư Hảng A Xà và những người có tuổi ở đây nhắc về những năm tháng Sin Suối Hồ khó khăn nhất: Nạn nghiện hút lần tràn, cái đói đeo đuổi các gia đình, những hủ tục lạc hậu kìm hãm con người, cuộc sống trong vòng lẩn quẩn tưởng như không có lối thoát. Khát vọng đổi thay đến từ những năm 90, khi những người lãnh đạo chính quyền, hội thánh Tin lành và người dân cùng chung sức đồng lòng cho những công việc khởi đầu cần thiết nhất như tổ chức cai nghiện cho thanh niên, vận động người dân góp công sức cùng chính quyển làm hệ thống đường bê tông; tổ chức lại sản xuất, đời sống, xây dựng thôn bản.
Sin Suối Hồ có một chương trình phát triển du lịch khá bài bản: Khôi phục các hoạt động văn hóa dân tộc, thiết kế nhiều chương trình tham quan cho khách, xây dựng các homestays, đào tạo nguồn nhân lực làm dịch vụ, xây dựng chợ phiên Sin Suối Hồ mang đậm bản sắc văn hóa Mông… Những cố gắng ấy được thực hiện một cách bền bỉ, qua từng năm, mang lại những đổi thay và tạo sức lan tỏa cho bản nhỏ vùng sâu biên giới này.
Du khách đến Sin Suối Hồ ngày nay được thưởng ngoạn cảnh thiên nhiên tươi đẹp, không khí trong lành, ở trong các homestays đủ tiện nghi, thưởng thức những món ăn dân tộc đặc sắc, dự chợ phiên văn hóa, tham gia các chương trình dân vũ, ca hát cùng người dân ở đây.
Chúng tôi đã thăm chợ Sin Suối Hồ và trò chuyện với những người dân. 54 gian hàng tượng trưng cho 54 dân tộc anh em được trưng bày khá đẹp mắt. Những bộ quần áo dân tộc màu sắc rực rỡ là sản phẩm từ bàn tay khéo léo của những người phụ nữ ở đây. Những sản vật như măng khô, thảo quả, sâm đất… được bày bán cùng với những chậu hoa địa lan, một loại cây đặc sắc, đang là nguồn thu khá lớn cho người dân.
Theo lời cô Vàng Thị Dứ, một người bán hàng, du khách đến Sin Suối Hồ rất thích tham dự các phiên chợ. Các gia đình trong bản bán được sản phẩm, có thêm thu nhập nâng cao đời sống. Nét đặc biệt của văn hóa sống tại đây là các gian hàng bày qua đêm, không cần người trông cũng không lo mất mát, thất lạc. Vàng Thị Dứ năm nay hai mươi tuổi, có hai con trai, chồng làm thợ xây dựng. Cô mời chúng tôi những lát sâm đất mát, có vị ngọt nhẹ của Sin Suối Hồ.
Chúng tôi đến thăm homestays Tổ Chim của gia đình anh chị Vàng A Lử và Hảng Thị Nú. Chị Hảng Thị Nú là con gái mục sư Hảng A Xà, người rất có công trong quá trình phát triển, đưa Sin Suối Hồ đi lên như hiện nay. Chị Hảng Thị Nú đưa chúng tôi đi thăm và chia sẻ: Khu homestay có tất cả 6 “tổ chim”. Mỗi “tổ chim” khép kín, đủ tiện nghi, có thể ở được một gia đình nhỏ. Du khách có thể xem đội diễn văn nghệ trong bản diễn tại chỗ. Để xây dựng khu homestay này, vợ chồng chị đã vay 100 triệu đồng từ ngân hàng, số còn lại là do gia đình lo. Do có khách thường xuyên nên thu nhập được bảo đảm. Ngoài ra, gia đình chị vẫn làm vườn, chăn nuôi gia súc. Các gia đình khác trong bản, nếu không mở homestays thì cũng tham gia làm các dịch vụ như mở quán cà phê, kinh doanh nhà hàng hoặc bán hàng lưu niệm… Các homestays ở đây đều là nhà gỗ với mô hình truyền thống của người Mông, có biển hiệu cung cấp thông tin về chủ nhà, các dịch vụ, số điện thoại để du khách tiện liên hệ. Một cách làm du lịch rất bài bản đã hình thành ở Sin Suối Hồ.
Những năm tới, Sin Suối Hồ tiếp tục được phát triển theo mô hình điểm du lịch cộng đồng, bảo tồn, phát huy văn hóa truyền thống của đồng bào dân tộc Mông, gắn với việc bảo đảm môi trường sinh thái, phát triển nông nghiệp, hướng tới mục tiêu trở thành làng văn hóa đặc trưng, tiêu biểu.
Trong tiếng Mông, Sin Suối Hồ có nghĩa là “Suối có vàng”. Người dân ở đây đã tìm thấy “vàng” ấy trong cảnh quan thiên nhiên tươi đẹp, những nét văn hóa truyền thống đặc sắc và trong tinh thần gắn kết cộng đồng, chung tay xây dựng quê hương . Mùa hoa dã quỳ năm nay ở Sin Suối Hồ rất đẹp, báo hiệu một năm mới nhiều may mắn an lành cho bản vùng cao biên giới cực Bắc này.