Nhân vật chính của chương trình là CEO Nguyễn Thị Hương Lan - Giám đốc Công ty TNHH DV & TM NewSake Việt Nam.
Hai khách mời là CEO Trần Quốc Việt - Thành viên HĐQT kiêm Tổng Giám đốc Tập đoàn Ecopark và CEO Lê Thẩm Dương - Trưởng Khoa Tài Chính - Trường ĐH Ngân hàng TP.HCM.
Năm 1998, khi chị Hương Lan đang yên vị làm thuê cho một công ty Nhật, thì Hà Nội phải chịu một cơn bão lịch sử. Một đêm, căn hộ tập thể nhà chị bị gió giật tung cửa sổ, mưa táp vào tận giường ngủ, bố đang đi công tác xa, mẹ chị phải thức trắng đêm, lấy vải mưa lo che cửa, rồi nằm chắn mưa cho con. Thương mẹ, chị không sao ngủ được. Chị quyết tâm phải kiếm tiền giúp mẹ, giúp gia đình.
Vốn đam mê văn hoá và ẩm thực Nhật, lại đã làm cho công ty Nhật nên chị khá hiểu về văn hoá xứ Hoa Anh Đào. Nhận thấy người Nhật sống ở Hà Nội ngày càng đông, nhưng nhà hàng Nhật còn quá ít. Chị nhìn ra cơ hội, năm 1999 chị gom tiền tiết kiệm, vay bạn bè được 5000 USD và mở nhà hàng Nhật tại Giảng Võ (Hà Nội). Đó cũng là lúc những cơn ghềnh thác của đời doanh nhân của chị bắt đầu. Một kẻ ngoại đạo, chưa làm ăn bao giờ, lại kinh doanh trong lĩnh vực văn hoá xứ người. Bắt tay vào việc mới thấy đâu cũng khó khăn. Từ thiết kế, sắp xếp, bài trí nhà hàng, tìm kiếm những vật dụng Nhật Bản đặc trưng. Đến tìm nguồn thực phẩm: người Nhật thường ăn cá tươi, bảo quản và chế biến với quy trình nghiêm ngặt nên phải nhập khẩu trực tiếp...một điều không tưởng thời đó.
Khởi nghiệp sợ nhất chuyện tiền, chưa kiếm được đồng nào mà toàn phải chi như ném qua cửa sổ. Vay được 5000 USD thì thuê đầu bếp Nhật dạy nghề đã mất đứt 2000 USD/ tháng. Những ngày khai trương cửa hàng, khách quen đến ủng hộ khá đông, rồi thưa thớt dần. Hôm nào may thì có vài khách, còn phần lớn là một ngày dài như thế kỷ.... vắng tanh!. Nhà hàng phải cố duy trì bằng...vay nợ! Lại những đêm mất ngủ. Chị cặm cụi đọc sách, đọc báo, hỏi hết người này đến người khác và nhận ra một sự thật. Người Nhật vốn cẩn thận và quy củ rất coi trọng tiếng tăm. Thứ mà nhà hàng mới toanh của chị chưa hề có. Biết làm sao bây giờ, không lẽ buông xuôi?
Nghĩ mãi, chị tìm ra được một cách, chị lao vào học và chơi thật giỏi môn cờ vây, môn thể thao trí tuệ vốn được người Nhật đam mê, yêu thích. Rồi chị đạt tới độ chơi với 10 thì thắng đến 9 người. Chị dần nổi tiếng trong cộng đồng người Nhật, họ truyền tai nhau đến nhà hàng dùng bữa và thách cờ. Những khách đến chơi cờ, ngoài dùng bữa còn góp ý cho chị về bày trí quán, về món ăn, thậm chí tiện về Nhật có thể giúp chị mua đồ. Quán của chị ngày càng đông khách…
Đang trên đà ăn nên làm ra thì năm 2008, khủng hoảng kinh tế toàn cầu ập xuống, nước Nhật bị ảnh hưởng nghiêm trọng, doanh nghiệp Nhật dần thu nhỏ lại, người Nhật đồng loạt theo chính sách “thắt lưng buộc bụng”. Nhà hàng đang đông khách bỗng vắng như “chùa bà đanh”. Nghề kinh doanh nhà hàng nếu có khách thì phát tài, không bán được hàng thì lỗ chồng lỗ. Nhân viên cửa hàng ngồi chơi, thực phẩm tươi sống mua về chỉ để lo đổ đi vì quá hạn, chi phí thuê nhà, thuê đầu bếp. Lẽ nào chị phải trở lại với điểm xuất phát , lại đi làm thuê ? Chị hoang mang và bế tắc.
Trong hoàn cảnh ấy, CEO sẽ làm gì để vượt qua? Câu trả lời có trong chương trình.