Cả trăm tác phẩm được anh ghi lại ở nhiều công việc, thời điểm và góc chụp khác nhau, mang đến cho người xem một bức tranh toàn cảnh về y tế, và trong đó, “Tiếng hát át nỗi đau” đã trở thành tác phẩm “đỉnh cao” của anh trong chủ đề này.
Tác phẩm: “Tiếng hát át nỗi đau”. |
Gặp anh bên lề Lễ khai mạc triển lãm Ảnh nghệ thuật tỉnh Hà Nam năm 2014, anh cho biết: Đi nhiều, chụp nhiều trong môi trường y tế nên tôi rất hiểu tình cảm của người thầy thuốc dành cho bệnh nhân, nhất là đối với những người bệnh có hoàn cảnh khó khăn, người mắc bệnh hiểm nghèo. Anh thường xuyên la cà ở các bệnh viện để nắm bắt tình hình và lấy cảm hứng sáng tác.
Hình ảnh người cán bộ y tế bón từng thìa cháo cho bệnh nhân, nhiều cán bộ y tế đã hiến cả máu của mình để kịp thời giành giật lại sự sống cho người bệnh ngay trên bàn phẫu thuật, rồi cả những lo âu khi gặp ca bệnh khó, những giọt mồ hôi rơi trong đêm đông giá rét của người thầy thuốc đang tranh thủ từng giây, từng phút giúp người bệnh qua cơn hiểm nghèo… Và rồi cả những ánh mắt của người bệnh tuy đớn đau những vẫn ánh lên niềm tin vào thầy thuốc. Tất cả những hình ảnh đó đã “ám ảnh”, làm anh trăn trở, trở thành sức mạnh thôi thúc anh tìm tòi, sáng tạo. Anh trải lòng: Trách nhiệm của những người làm công tác truyền thông là phải làm cho những bản chất tốt đẹp của người cán bộ y tế được lan tỏa trong xã hội, nhất là khi tôi lại là người cầm máy trong Ngành y tế.
Thế rồi, sau nhiều lần lang thang khắp hành lang bệnh viện, hình ảnh người bác sỹ Trưởng khoa Ung bướu của Bệnh viện Đa khoa tỉnh Hà Nam ân cần chăm sóc bệnh nhân đã mang đến cho Thanh Hội nguồn cảm hứng và sự sáng tạo mới. Và thế là “Tiếng hát át nỗi đau” đã được ra đời trong chính những hình ảnh rất đỗi bình thường đó. Bức ảnh ghi lại hình ảnh người thầy thuốc đang đánh đàn ghita cùng hát với 2 bệnh nhân ung thư ngay trên giường bệnh. Trên vai còn mang chiếc ống nghe chứng tỏ anh vừa xong công việc thăm khám cho bệnh nhân.
Hình ảnh đó đã mang đến cho người xem một ấn tượng mạnh mẽ về tình người, tình của người thầy thuốc đối với bệnh nhân. Cả hai người bệnh bị mắc một căn bệnh quái ác, căn bệnh ung thư đã vào giai đoạn cuối, người thì có khuôn mặt xanh xao, lở loét, người thì mái đầu đã bị rụng hết tóc qua những lần xạ trị. Mặc dù biết trước được định mệnh của mình nhưng trước tình cảm của người thầy thuốc, họ vẫn yêu đời, vẫn cất lên những lời ca như “tôi ơi đừng tuyệt vọng” để quên đi nỗi đau trên cơ thể với “án tử” đã được báo trước.
Với góc chụp tạo ánh sáng ven chếch ngược, bố cục chặt chẽ lại chộp được đúng khoảnh khắc với cái thần trong ảnh, “Tiếng hát át nỗi đau” đã làm nổi bật tình cảm của các nhân vật trong ảnh, mang đến cho người xem một thông điệp vừa mang tính nhân văn, vừa tính xã hội sâu sắc. Người thầy thuốc không những chữa bệnh bằng y thuật mà còn chữa bệnh bằng cả y đức và bằng trái tim mình. Với liệu pháp tâm lý, người thầy thuốc đã mang đến cho người bệnh một tinh thần thoải mái, một niềm tin vào phía trước, bởi hơn ai hết họ hiểu rõ dù y học có tiên tiến đến đâu cũng vẫn có giới hạn, còn niềm tin thì… vô hạn. Sự yêu đời, niềm tin là một trong những “liều thuốc” hữu ích nhất để người bệnh vươn lên chiến thắng nỗi đau, nhất là đối với người mang trong mình căn bệnh hiểm nghèo. Đánh giá về tác phẩm, NSNA Vũ Văn Cảnh - Hội Nghệ sỹ Nhiếp ảnh Việt Nam, đồng thời là giám khảo cuộc thi nhận định: “Đây là tác phẩm có giá trị nghệ thuật cao nhất cuộc thi. Những năm qua mặc dù đã có nhiều tác phẩm về chủ đề y tế, nhưng đây là tác phẩm thể hiện rõ nhất tình cảm của người thầy thuốc, bức ảnh là thông điệp của tình người và có tính nhân văn sâu sắc!”.
“Tiếng hát át nỗi đau” đoạt giải Nhì cuộc thi cấp tỉnh, nhưng cao hơn cả, tác phẩm đã tạo ấn tượng mạnh về tư tưởng đối với người xem, là “điểm nhấn” làm thay đổi nhận thức trong lòng công chúng về hình ảnh người thầy thuốc với sự hách dịch và vấn nạn “phong bì” mỗi khi người dân nằm viện. Bức ảnh cũng đã tạo tiếng vang mạnh mẽ, lan tỏa trong lòng công chúng một thông điệp nhân văn sâu sắc về tình người, về tình cảm và đạo đức của người cán bộ Ngành y tế Hà Nam nói riêng và người thầy thuốc nói chung. Đối với Thanh Hội, “Tiếng hát át nỗi đau” còn trở thành món quà tinh thần vô giá mà tác giả tri ân người thầy thuốc. Đặc biệt, lại vô cùng ý nghĩa khi ngành y tế cả nước đang thi đua lập thành tích cao nhất để kỷ niệm 60 năm thực hiện lời dạy của Chủ tịch Hồ Chí Minh: “Lương y phải như từ mẫu”.
Bài và ảnh: Hà Phương