Thanh Hóa là tỉnh có 7 dân tộc anh em cùng sinh sống, trong đó người Dao là một trong 3 dân tộc có chữ viết. Trên thực tế, đồng bào Dao ở Thanh Hóa đang ngày càng ít biết về chữ viết của dân tộc mình.
Trăn trở gìn giữ chữ Nôm Dao
Ông Phùng Quang Du Sinh ra trong một gia đình có truyền thống với ông nội và bố đẻ là người dạy chữ Nôm Dao cho bà con, đồng thời cũng là những người am hiểu về văn hóa bản địa. Năm lên 8 tuổi, ông đã được bố truyền dạy cho chữ Nôm Dao. Sau đó, ông tiếp tục tự học thêm để nắm vững kiến thức và học hỏi thêm từ những người đi trước.
Lớn lên, ông Phùng Quang Du đã trải qua nhiều vị trí công tác như: Chủ nhiệm Hợp tác xã, cán bộ địa chính xã, Chủ tịch Ủy ban Mặt trận Tổ quốc xã, Bí thư Chi bộ thôn Hạ Sơn (xã Ngọc Khê, huyện Ngọc Lặc...). Dù trên cương vị công tác nào, ông Du luôn dành rất nhiều thời gian và công sức để thu thập những tư liệu về các lễ hội cổ truyền, các tác phẩm văn học cổ, các bản chữ cổ, những phong tục, tập quán, lễ nghi của dân tộc Dao đã và đang dần mai một theo thời gian.
Hiện ông Phùng Quang Du đang lưu giữ hàng trăm loại sách, tư liệu quý bằng chữ Dao có tuổi đời hàng chục, hàng trăm năm, trong đó có khá nhiều sách cổ từ thời ông nội của ông để lại. Tủ sách của ông có nhiều tư liệu lịch sử rất quý được viết bằng chữ Dao như: "Hiền văn", "Nghìn tự văn", "Vạn niên", "Đại sư ca" (dùng trong Tết nhảy của người Dao), "Lục hạt" (Xem ngày tháng của người Dao cổ)...
Theo ông Phùng Quang Du, người Dao có tiếng nói và chữ viết riêng, là điều mà nhiều dân tộc thiểu số khác ở Việt Nam không có. Vì thế, ông luôn trăn trở và mong mỏi người dân tộc Dao đều phải biết nói tiếng Dao, biết đọc, biết viết chữ Dao, để hiểu được nguồn gốc của dân tộc mình. Khi Nhà nước và tỉnh Thanh Hóa có chủ trương bảo tồn tiếng nói, chữ viết của đồng bào các dân tộc thiểu số, năm 2013, dưới sự giúp đỡ của Ban Dân tộc tỉnh Thanh Hóa, Hội Dân tộc học và Nhân học Thanh Hóa, tại bản người Dao Hạ Sơn (thôn Hạ Sơn, xã Ngọc Khê, huyện Ngọc Lặc), ông Phùng Quang Du đã cùng một số người biết chữ Nôm Dao ở Thanh Hóa họp bàn về việc bảo tồn tiếng nói và chữ viết của người Dao.
Trong cuộc họp, mọi người đã thống nhất phân công những người có hiểu biết nhiều về chữ Nôm Dao sưu tầm, biên soạn thành một bộ sách chữ Nôm Dao. Sau đó, Ban Dân tộc tỉnh Thanh Hóa, Hội Dân tộc học và Nhân học Thanh Hóa phối hợp với Sở Giáo dục và Đào tạo tỉnh Thanh Hóa tổ chức hội nghị với các sở, ban, ngành liên quan để đóng góp hoàn thiện bộ chữ và chương trình dạy chữ Nôm Dao ở Thanh Hóa. Đến tháng 3/2015, UBND tỉnh Thanh Hóa chính thức phê chuẩn bộ chữ Nôm Dao ở Thanh Hóa. Đây là bộ chữ Nôm Dao đầu tiên của cả nước được phê chuẩn. Bộ chữ đã được đưa vào giảng dạy trong cộng đồng người Dao tại các huyện Ngọc Lặc, Cẩm Thủy, Mường Lát... từ năm 2016 đến nay.
Năm 2016, ông Phùng Quang Du được tham dự lớp học nâng cao trình độ chữ Nôm Dao do Hội Dân tộc học và Nhân học tỉnh Thanh Hóa phối hợp với Trường Đại học Hồng Đức tổ chức, để tạo tiền đề cho việc thực hiện đề án dạy tiếng Nôm Dao trên địa bàn tỉnh Thanh Hóa. Sau khóa học này, ông Phùng Quang Du cùng 43 nghệ nhân dân tộc Dao khác được cấp chứng chỉ dạy chữ Nôm Dao.
Ông Phùng Quang Du cho biết, bộ chữ Nôm Dao Thanh Hóa hiện có 9 quyển với khoảng 1.400 chữ, bộ sách giới thiệu những nét khái quát nhất về chữ Nôm Dao, đồng thời hướng dẫn cách viết, cách đọc bộ chữ Nôm Dao. Đây là những cuốn sách giáo dục con người về đạo đức, nhân nghĩa, cách đối nhân xử thế, cách làm ăn cũng như cách ứng xử giữa các thành viên trong gia đình, giúp bà con dân tộc Dao cùng đoàn kết, gắn bó, học hỏi, giúp đỡ lẫn nhau trong công việc và cuộc sống...
“Các lớp học chữ Nôm Dao chủ yếu tổ chức vào ban đêm nhưng bà con rất đồng tình ủng hộ. Ai cũng phấn khởi, tự tin rằng mình sẽ học được chữ viết, tiếng nói của dân tộc. Đây là động lực để chúng tôi sẽ tiếp tục nỗ lực hơn nữa trong việc truyền dạy chữ nôm Dao cho người Dao và những người có nhu cầu học chữ nôm Dao", ông Phùng Quang Du chia sẻ.
Học chữ Dao để giữ văn hóa dân tộc
Hiện nay, dù đã ngoài 70 tuổi, ông Phùng Quang Du vẫn tham gia giảng dạy chữ Nôm Dao cho bà con dân tộc mình. Ông còn phối hợp với Trường Đại học Hồng Đức, Hội Dân tộc học và Nhân học tỉnh Thanh Hóa dạy chữ Nôm Dao cho cán bộ, chiến sỹ các lực lượng vũ trang công tác ở các huyện, các xã miền núi, vùng cao biên giới. Trong thời gian 3 tháng, ông Du cùng các giảng viên và nghệ nhân người dân tộc Dao trực tiếp giảng dạy, giúp các học viên có thể đọc thông, viết thạo Bộ chữ Nôm Dao Thanh Hóa.
Anh Triệu Văn Hùng, ở khu phố Hạ Sơn, thị trấn Ngọc Lặc cho biết: "Tôi là người Dao, nhưng chưa biết viết, đọc chữ Dao. Tôi theo học với mong muốn mình hiểu thêm về nguồn gốc dân tộc, học hỏi cách thực hiện các lễ nghi để sau này có thể tự phục vụ công việc của gia đình, đồng thời góp phần giữ gìn văn hóa dân tộc Dao. Nhờ sự truyền dạy của các thầy, đến nay, tôi đã có thể đọc và viết được chữ Nôm Dao."
Bà Triệu Thị Ngọc, bản người Dao Hạ Sơn (thị trấn Ngọc Lặc) cho biết: "Thầy Phùng Quang Du dạy chữ và kêu gọi mọi người đi học để hiểu hơn về chữ viết truyền thống của dân tộc mình, bà con trong bản ai cũng phấn khởi. Ban ngày đi làm rất mệt, tối về lại đi học chữ, rất vất vả nhưng ai cũng cố gắng. Trước đây, tôi chỉ biết nói chứ không biết đọc, biết viết tiếng Dao. Nay tôi đã được học chữ Dao để sau này biết chữ về dạy lại cho con, cho cháu".
Ông Trần Văn Thịnh, Chủ tịch Hội Dân tộc học và Nhân học tỉnh Thanh Hóa khẳng định: "Ông Phùng Quang Du vừa là thầy giáo dạy chữ Nôm Dao, vừa là Chi hội trưởng Chi hội Dân tộc và Nhân học huyện Ngọc Lặc (thuộc Hội Dân tộc học và Nhân học Thanh Hóa). Ông Du là người có uy tín trong cộng đồng người Dao Ngọc Lặc và có đóng góp rất quan trọng trong việc bảo tồn phát huy các giá trị văn hóa truyền thống của người Dao. Việc tổ chức lớp học chữ Nôm Dao ở Thanh Hóa thể hiện sự quan tâm sâu sắc của Đảng, Nhà nước, của tỉnh đối với đồng bào dân tộc Dao. Từ những lớp học này, chúng tôi mong muốn những tri thức, bản sắc giá trị văn hóa của cha ông sẽ được tiếp thu, lưu giữ, bảo tồn và ngày càng phát triển mạnh mẽ".
Được biết, trong năm 2020, Chi hội Dân tộc và Nhân học huyện Ngọc Lặc đang tiếp tục triển khai kế hoạch biên soạn tập Từ điển tiếng Dao, sưu tầm biên soạn bộ tài liệu dạy tiếng Dao, mở lớp học dạy tiếng Dao cho cán bộ, công chức cấp xã trở lên và những người có nhu cầu học chữ Nôm Dao.
Hy vọng với những nỗ lực không ngừng nghỉ đó, chữ Nôm Dao sẽ hồi sinh ngày càng mạnh mẽ trong cộng đồng người Dao tỉnh Thanh Hóa.