Những con người ấy, dù thân phận của họ là đào hát, là “tướng giặc”, là gì đi nữa, nhưng đã sống khác với mọi người và chết bất đắc kỳ tử, thì đều là đối tượng của tấm lòng ưu ái của Nguyễn Du.
Cố nhiên là trong niềm ưu ái, Nguyễn Du có kèm thêm nỗi thương xót cho chính mình, vì như nhà thơ vẫn nói, ông đã tự xem mình là người có chung một mối “phong vận kỳ oan” với các bậc “giai nhân tài tử”. Nhưng điều quan trọng là với cảm hứng trung thực của một nhà thơ lớn, từ chỗ thương khóc cho sự oan uổng của những kiếp tài hoa, Nguyễn Du đã tiến đến chỗ vạch ra được - một cách không tự giác - những đặc trưng bản chất của cái xã hội thời ông. Đó chính là sự chà đạp lên mọi nhân phẩm, sự tha hóa của mọi tính cách, sự tan vỡ của mọi giá trị cao đẹp nhất.
Trong bài thơ “Long thành cầm giả ca”, Nguyễn Du kể lại hai lần gặp gỡ một người đào hát tên là Cầm ở Thăng Long. Lần đầu tiên dưới triều Tây Sơn, khi cô Cầm ấy hiện ra như một sức mạnh, một ánh hào quang rực rỡ: “Hồng trang yểm ái đào hoa diện” (Áo hồng ánh lên khuôn mặt hoa đào), khiến cho mọi người đều phải choáng váng. Cả đến các tướng Tây Sơn hào hoa nhất, trong tiệc rượu cũng “nói cười nghiêng ngả”, “mảng vui không chán”, “tranh nhau gieo thưởng” suốt đêm.
Nhưng rồi lần gặp gỡ sau đấy hai mươi năm, thì cái cô Cầm đầy kiêu hãnh kia đã trở thành một người thân tàn hoa tạ, “nét mặt võ vàng, thần sắc khô khan, thân hình bé nhỏ”, “đôi mày phờ phạc không điểm tô”, ngồi ở một góc cuối chiếu… Giữa bài thơ, Nguyễn Du chợt hỏi vọng lên một câu: “Thùy tri tựu thị đương thời thành trang đệ nhất điệu?” (Ai biết đó chính là con người tài hoa nhất kinh thành lúc bấy giờ?) và nước mắt ông tự nhiên rơi “ướt đẫm vạt áo”. Chúng ta hiểu lý do khiến tác giả xúc động không phải là sự tàn phá của thời gian làm cho con người thay đổi. Lý do sâu hơn thế nhiều, toàn bài thơ đã toát lên rất rõ cảm hứng chủ đạo của Nguyễn Du: Ông muốn nhấn mạnh rằng trong xã hội mà ông đang sống, mọi sự biến đổi đều diễn ra theo một quá trình đi xuống, nhất là tài năng và sắc đẹp thì càng bị hủy diệt một cách nhanh chóng.
Nguyễn Du tất nhiên không thể hiểu được vì đâu có sự hủy diệt ấy, ông chỉ dựng lên một lời tố cáo, phản kháng, một thái độ không bằng lòng với hiện thực. Khi đi vào bản chất vấn đề, Nguyễn Du sẽ trở nên lúng túng. Trong óc Nguyễn Du, những lực lượng tàn phá mọi cái hay cái đẹp của xã hội đã được trìu tượng hóa thành số mệnh, số mệnh làm cho cơ nghiệp Tây Sơn sụp đổ mệnh đã khắc nghiệt đối với Hạng Vũ:
Bạt sơn giang đỉnh nại thiên hà?Túc hận du du ký thiển sa(Có sức mạnh dời núi nhấc vạc, nhưng trời không giúp thì làm thế nào?Mối hận nghìn đời gửi dưới lớp cát mỏng)(Sở Bá Vương mộ)Số mệnh cũng đã dập vùi cuộc đời các cô kỹ nữ, đã đầy vào cảnh lẽ mọn những người con gái tài sắc như Tiểu Thanh... Từ cổ chí kim không ai thoát khỏi “nghiệp chướng” của số mệnh, nó là một cái gì không hình không bóng mà khốc liệt vô cùng: “Cổ kim hận sự thiên nan vấn” (Những mối hận cổ kim khó mà hỏi trời được).
Thật ra trong những lúc phẫn chí nhất, muốn chống trả lại cái vòng vây gọi là số mệnh đó, Nguyễn Du cơ hồ như cũng có khả năng để tìm ra một tia sáng nào của chân lý: “Cùng thời tự khả biến phong vân” (Người đến lúc cùng cũng có thể biến đổi mây gió) trong bài “Hoàng sào binh mã”.
Đi trên đất Yên là nơi sông Dịch chảy, vào một buổi trưa đầy nắng thu và gió thu, nhớ đến Kinh Kha, Nguyễn Du tấm tức thương xót và nghĩ rằng cái chết của hiệp sĩ chưa hẳn đã là vô ích:
Mạc đạo chủy thủ cánh vô tểYết can trảm mộc vi tiên thanh(Chớ nói dao găm không làm nên việc gìNó mở đầu cho việc dựng cờ khởi nghĩa sau đấy)Nhưng chân lý cũng chỉ đến với Nguyễn Du như là một tia sáng lóe lên rồi tắt. Sự thất bại của các lực lượng tiến bộ trong hoàn cảnh bấy giờ vẫn là những bi kịch tất yếu của lịch sử, khống chế mọi khả năng hiểu biết của nhà thơ. Nguyễn Du đã uất ức kêu lên, rồi đã chán nản vì không còn biết thoát ra bằng cách nào:
Cập thức bại vong phi chiến tộiKhông lao trí lực dữ thiên tranh(Đến khi biết bại vong không phải vì đánh trận kémThì mới thấy đem trí chống lại trời là uổng công)Thơ chữ Hán Nguyễn Du hiện nay chưa sưu tầm được hết, nhưng tất cả những bài thơ chữ Hán của Nguyễn Du đều là những tài liệu rất quý để chúng ta tìm hiểu cặn kẽ những bước đường tư tưởng của Nguyễn Du. Đó là bước đường gập ghềnh của một con người thường xuyên mang hai mặt mâu thuẫn rõ rệt trong thế giới quan, thường xuyên có những xung đột đầy bi kịch trong tâm hồn. Tuy nhiên, nếu những mặt siêu hình trong thế giới quan Nguyễn Du muốn dắt Nguyễn Du đến chỗ buông xuôi theo định mệnh, thì những mặt lành mạnh trong tình cảm, tư tưởng của nhà thơ lại kéo Nguyễn Du về với cuộc sống, giúp ông phát hiện ra cái đẹp rực rỡ của tạo vật và con người, cũng như làm cho ông thao thức không nguôi trước mọi nỗi thống khổ của quần chúng.
Chính trên cơ sở này mà trong thơ Nguyễn Du luôn luôn vang lên âm thanh, bừng lên màu sắc của sự sống, hằn lên những đường nét sắc cạnh của một bức tranh hiện thực đa dạng. Đồng thời, ngay giữa những âm thanh, màu sắc, đường nét vô cùng phong phú đó, lại cũng luôn luôn bao hàm hai mặt trái ngược của tình cảm nhà thơ: Dạt dào yêu thương và bừng bừng căm giận, đó là chỗ đặc sắc và cũng là chỗ tích cực nhất trong nghệ thuật của Nguyễn Du, từ thơ chữ Hán đến “Truyện Kiều”, tạo nên cái sức sống kỳ lạ của hầu hết tác phẩm của ông.