Chương trình gồm các tiết mục ca ngợi Đảng, Bác Hồ, tình yêu đất nước, vẻ đẹp thiên nhiên, con người Than Uyên nói riêng và Lai Châu nói chung. Khán giả được chiêm ngưỡng màn biểu diễn của ba dân tộc Mông, Dao, Khơ Mú.
Đối với dân tộc Mông, cây khèn như một "báu vật" gắn liền với đời sống tinh thần. Tiếng khèn là cây cầu bắc lời tỏ tình đôi lứa, là những câu chuyện được kể bằng giai điệu. Đồng bào dân tộc Dao có nền văn hóa rất phong phú và đậm đà bản sắc, nổi bật là màn trình diễn lễ rước dâu của đồng bào. Cộng đồng người Khơ Mú tuy ít, sống rải rác và chịu ảnh hưởng của người Thái nhưng đời sống văn hóa của người Khơ Mú là một kho tàng lớn. Đặc trưng trong văn hóa của người Khơ Mú là nghệ thuật múa với các đạo cụ từ những nguyên liệu tự nhiên như ống tre, ống nứa hòa quyện cùng tiếng trống, tiếng chiêng.
Đặc biệt nhất trong chương trình là màn đại xòe với chủ đề “Lung linh sắc màu Tây Bắc” với sự tham gia của 2.000 diễn viên chuyên và không chuyên. Người dân và du khách được hòa mình vào vòng xòe cùng bà con các dân tộc huyện Than Uyên.
Du khách Võ Việt đến từ Đà Nẵng chia sẻ, lần đầu tiên đến Than Uyên, được xem chương trình biểu diễn đã rất ngạc nhiên. Anh không nghĩ rằng nơi biên cương Tổ quốc lại có một lễ hội được tổ chức quy mô lớn như vậy. Người dân nơi đây có cuộc sống ấm no, thân thiện, mến khách.
Kết thúc màn múa xòe, người dân và du khách sẽ được giao lưu với các ca sỹ đến từ Hà Nội cùng các ca khúc trẻ trung, sôi động.
Dịp này, huyện Than Uyên đã trao giải Cuộc thi sáng tác biểu lượng (Logo) và khẩu hiệu (Slogan) du lịch Than Uyên.