Là một cơ duyên, bức ảnh tôi chụp chiếc xe tăng của họ đang tiến qua cổng Dinh Độc Lập trưa 30/4/1975 được biết đến như một biểu tượng cho thời khắc lịch sử ấy. Sau khi tìm gặp được nhau, rất tự nhiên, chúng tôi trở thành những người bạn thân thiết.
Chúng tôi đã có những cuộc gặp nhà trưởng xe Nguyễn Quang Hoà ở gần đền Bia Bà, ngoại thị xã Hà Đông; về quê Nguyễn Văn Quý, pháo thủ số 1 ở ngoại thành Hải Phòng; đến thăm gia đình pháo thủ số 2 Nguyễn Bá Tứ trong làng Ngọc Hà, Hà Nội. Tháng Tư năm nay, chúng lại về quê lái xe Trần Bình Yên ở thị trấn Ba Sao, Hà Nam.
Dự cuộc gặp năm nay, ngày 20/4, từ Hà Nội về có trưởng xe Nguyễn Quang Hoà, vợ chồng pháo thủ số 2 Nguyễn Bá Tứ. Riêng pháo thủ số 1 Nguyễn Ngọc Quý đang sống ở Hải Phòng vì lý do sức khoẻ nên vắng mặt.
Nhiều vị khách quý đã cùng tham dự cuộc gặp, gồm các cựu nhà báo, các phóng viên, cùng đại diện cho chính quyền địa phương và đồng đội, bạn bè quê hương của lái xe Trần Bình Yên.
Đây là lần thứ hai chúng tôi thăm quê Trần Bình Yên. Người lái xe có vóc dáng cao lớn ấy, sau năm 1975 còn tham gia chiến tranh biên giới Tây Nam và cuộc chiến bảo vệ biên giới phía Bắc mới ra quân về quê sinh sống.
Anh nhận thầu 2 héc ta đất của nông trường Ba Sao trông cây ăn quả và chăn nuôi, gây dựng cơ nghiệp từ hai bàn tay trắng. Sau nhiều năm cần cù lao động, Trần Bình Yên cũng có được một cơ ngơi với gần 1000 gốc na và một số loại rau quả khác. Ngôi nhà của anh cất sát chân núi, khá khang trang. Ba con anh, một gái hai trai đều đã trưởng thành. Anh chị đã có cháu nội, cháu ngoại và hưởng niềm hạnh phúc quây quần, ấm cúng.
Câu chuyện giữa những chúng tôi thật gần gũi, chân tình, dù cả năm mới gặp mặt. Ký ức xa xưa trở về. Các anh Nguyễn Quang Hoà, Trần Bình Yên cùng ôn lại những khoảnh khắc không quên một thời lửa đạn. Những trận đánh ác liệt ở Nước Trong trước khi theo đội hình đột kích tiến vào trung tâm Sài Gòn. Chuyện hạ nòng pháo bắn tàu chiến quân Sài Gòn rút chạy trên sông; chuyện hết dầu trên đường vào nội đô, giữa lúc gay cấn nhất phải đi xin từ xe bạn... Và khoảnh khắc lịch sử không quên khi xe 846 cùng các các khác trong đội hình tiến vào Dinh Độc Lập. Pháo thủ số 2 Nguyễn Bá Tứ, tuy không nói được nhưng viết ra giấy kể lại tâm trạng mừng vui khi anh nhận ra hình ảnh mình trên tháo pháo khi xem bức ảnh của tôi chụp cùng nhiều kỷ niệm không quên khác.
Sau chiến tranh, các cựu chiến sĩ xe tăng 846 đều lần lượt trở về với đời thường. Trưởng xe Nguyễn Quang Hoà từng là sĩ quan ở binh chủng thiết giáp, xin ra quân, về quê giúp vợ con vì hoàn cảnh gia đình anh lúc đó rất khó khăn.
Giống như lái xe Trần Bình Yên, pháo thủ số một Nguyễn Ngọc Quý về quê làm trang trại nuôi cá, trồng rau. Nguyễn Bá Tứ làm nghề lái xe buýt ở Hà Nội. Mười năm trước đây, anh bị ung thư thanh quản, phải mổ, mất khả năng nói, nghỉ mất sức, hàng ngày phụ giúp vợ bán xôi sáng trên đường Hoàng Hoa Thám.
Họ đều là những người lao động cần cù, đổ mồ hôi công sức lo cho cuộc sống gia đình và không có chế độ tiền lương hay phụ cấp gì đáng kể. Nhưng các anh vẫn vui vẻ sống, vượt qua nhiều khó khăn thử thách, với phẩm chất của những người lính đã chiến đấu cho nền độc lập tự do của tổ quốc .
“Nước sông công lính”. Năm tháng đã trôi qua. Còn được sống thì hãy sống vui vẻ, tình nghĩa vì biết mình may mắn hơn rất nhiều đồng đội đã nằm lại trên chiến trường... Tinh thần lạc quan ấy tôi cảm nhận được qua những câu chuyện, giọng nói, tiếng cười của các anh.
Mặc dù năm nay, dáng đi của trưởng xe Nguyễn Văn Hoà hơi còng xuống vì bệnh đau lưng mãn tính; lái xe Nguyễn Bá Tứ thì vừa qua cơn bạo bệnh ít ngày trước; Trần Bình Yên cũng còn những lo toan cho việc chuyển đổi cách làm ăn của trang trại... Nguyễn Ngọc Quý năm nay mắt kém, nên không về dự gặp. Nhưng qua điện thoại, tôi vẫn nghe thấy tiếng cười sảng khoái chia vui của anh với bạn bè .
Bên mâm cơm “cây nhà lá vườn" ân tình mến khách của gia đình Trần Bình Yên, nâng chén rượu quê chân chất vùng Ba Sao cùng các vị khách và bạn bè dự cuộc gặp, chúng tôi lại hẹn nhau đến tháng Tư năm sau!