Cuộc thi do Cục Nghệ thuật biểu diễn, Hội Nghệ sĩ Sân khấu Việt Nam, Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch tỉnh Đồng Nai phối hợp thực hiện nhằm góp phần xây dựng, bảo tồn và phát huy nghệ thuật sân khấu truyền thống.
Cuộc thi Nghệ thuật sân khấu cải lương toàn quốc năm 2015. Ảnh: Nguyễn Thanh Liêm/TTXVN |
Cuộc thi thu hút sự tham gia của 73 nghệ sĩ, diễn viên, trong đó có 57 diễn viên cải lương, 16 diễn viên dân ca kịch đến từ 20 đơn vị nghệ thuật sân khấu cải lương, dân ca kịch, cơ sở đào tạo nghệ thuật truyền thống. Các nghệ sỹ sẽ thể hiện tài năng thông qua 70 trích đoạn, trong đó có 55 trích đoạn cải lương và 15 trích đoạn dân ca kịch.
Ban tổ chức khuyến khích diễn viên trong mỗi tác phẩm dự thi cần có sự tìm tòi, sáng tạo về phương pháp nghệ thuật, hình thức thể hiện, nhưng phải giữ được đặc trưng của loại hình nghệ thuật cải lương và dân ca kịch. Tác phẩm, trích đoạn dự thi có thời lượng từ 20-25 phút và được dàn dựng từ tháng 6/2013 đến nay, chưa tham gia các cuộc thi, liên hoan nghệ thuật chuyên nghiệp nào.
Cuộc thi tài năng trẻ diễn viên sân khấu cải lương và dân ca kịch chuyên nghiệp toàn quốc năm 2017 là dịp để các nghệ sĩ trẻ giao lưu, trao đổi, học tập kinh nghiệm, nâng cao chất lượng biểu diễn nghệ thuật sân khấu, đáp ứng nhu cầu thưởng thức nghệ thuật của công chúng. Thông qua cuộc thi, giới chuyên môn phát hiện những tài năng sân khấu cải lương và dân ca kịch chuyên nghiệp; khuyến khích, động viên các nghệ sĩ trẻ đóng góp cho sân khấu cải lương, dân ca kịch. Thành công từ cuộc thi chính là bước đệm để các nghệ sĩ trẻ tiếp tục lao động, cống hiến trên con đường nghệ thuật...
Cuộc thi cũng là dịp để các nhà quản lý, lãnh đạo đơn vị nghệ thuật đánh giá thực trạng đội ngũ diễn viên trẻ sân khấu cải lương, dân ca kịch hiện nay, từ đó có giải pháp thúc đẩy, bồi dưỡng, đào tạo lực lượng nghệ sĩ trong thời gian tới…
Cải lương là một làn điệu đặc trưng của vùng đất Nam bộ. Theo các nhà nghiên cứu, tiền thân của cải lương là nhạc tài tử biến thành "ca ra bộ" tại nhà ông cai tổng Tống Hữu Định (Ông Phó 12) tại Vĩnh Long vào năm 1917. Sau này, ca ra bộ phát triển thành một trào lưu tại Nam bộ, tiết mục được trình diễn trên một bộ ván gỗ, diễn viên vừa ca, vừa diễn với điệu bộ, động tác minh họa.
Ca ra bộ chính là gạch nối giữa hình thái âm nhạc và sân khấu, sau này phát triển thành hát cải lương. Nhờ những soạn giả như Trương Duy Toàn, Nguyễn Trọng Quyền… viết lại từng mảng các chuyện tích xưa để diễn ca ra bộ, với hình thức đối ca, liên ca rồi kết hợp lại thành những vở tuồng cải lương đầu tiên như “Lục Vân Tiên”, “Kim Vân Kiều”…
Cải lương hình thành và phát triển rất nhanh ở vùng đất Nam bộ nhờ đóng góp của những bậc tài danh như Năm Phi, Năm Châu, Trần Hữu Trang, Tư Chơi, Phùng Há… Những bài bản trong tuồng cải lương hầu hết đều phát xuất từ dân ca miền Nam và làn điệu trong nhạc đàn tài tử. Mặt khác, nói đến sân khấu cải lương, không thể không đề cập đến bản “đinh” trong các vở, đó là bản vọng cổ. Năm 1918, ông Cao Văn Lầu đã sáng tác bản “Dạ cổ hoài lang” và sau này trở thành bản vọng cổ, tạo ra một không khí mới cho nền ca nhạc cổ miền Nam. Từ đó trở đi, trong mỗi vở cải lương, bản vọng cổ vẫn là bản nhạc chủ đạo.
Dàn nhạc cổ luôn giữ vai trò chủ chốt và là linh hồn của tuồng cải lương. Dàn nhạc cổ cũng mang đậm nét truyền thống và góp phần giữ gìn bản sắc dân tộc trong nghệ thuật âm nhạc cải lương. Dàn nhạc cổ thường sử dụng các nhạc cụ như đàn tranh, đàn bầu, đàn kìm, đàn cò, đàn tỳ bà, guitar phím lõm, đàn sến, song loan và sáo trúc...