Tháng ba, nhớ ngày Giỗ Tổ
Hàng năm, đến ngày Giỗ Tổ 10/3 (âm lịch), tại Khu Di tích lịch sử Đền Hùng (Phú Thọ) và hàng ngàn ngôi đền khác trên khắp Việt Nam đều tổ chức lễ Giỗ Tổ, ghi nhớ công ơn của các Vua Hùng. Không chỉ ở trong nước, mà kiều bào ta ở nước ngoài cũng tổ chức dâng hương trong ngày Giỗ Tổ.
Lễ giỗ Đức Quốc Tổ Lạc Long Quân và dâng hương tưởng niệm Tổ Mẫu Âu Cơ. |
Giỗ Tổ Hùng Vương - Lễ hội Đền Hùng được tổ chức hàng năm nhằm giới thiệu với du khách trong nước và nước ngoài về vùng đất địa linh với nhiều hoạt động văn hóa độc đáo, nhiều lễ hội dân gian đặc sắc gắn với những di tích lịch sử văn hóa nổi tiếng và những danh lam thắng cảnh hấp dẫn vùng Đất Tổ.
Đây cũng là dịp để thế hệ con cháu nhớ về cội nguồn dân tộc; ôn lại truyền thống vẻ vang của các thế hệ đi trước trong dựng nước và giữ nước, đặc biệt là lòng biết ơn sâu sắc đến các Vua Hùng có công dựng nước, từ đó khơi dậy lòng tự hào dân tộc, trách nhiệm của mọi người trong công cuộc xây dựng quê hương, đất nước.
Theo nhà nghiên cứu lịch sử, văn hóa dân gian Phạm Bá Khiêm, Chủ tịch Hội Văn nghệ dân gian Phú Thọ: Tín ngưỡng thờ cúng Hùng Vương là sự sáng tạo văn hóa độc đáo của dân tộc Việt Nam. Xuất phát từ quan niệm “con cháu ở đâu, ông bà Tổ tiên ở đó” của người Việt, nên tín ngưỡng thờ cúng Hùng Vương đã có sức lan tỏa vô cùng rộng lớn. Quan niệm này đã dần trở thành ý thức hệ được hun đúc trong từng người và trong cả cộng đồng. Vua Hùng đã hiển nhiên tồn tại và ngự trị trên bình diện ý thức tâm linh của người Việt.
Tín ngưỡng thờ Tổ đã phát triển không chỉ trên vùng đất Tổ, mà nó phát triển ở khắp các tỉnh, thành trên đất nước Việt Nam, vươn tới cộng đồng người Việt đang sống ở các quốc gia khác. Người Việt lập làng ở đâu, sẽ xây đền thờ Tổ Vua Hùng và cúng Giỗ Tổ ở đó, để cùng nhau tri ân công đức tổ tiên. Và Vua Hùng trong tín ngưỡng nguồn cội của nhân dân đã trở thành niềm tin thiêng liêng của dân tộc Việt Nam.
Ông Phạm Bá Khiêm cũng khẳng định, biểu tượng Vua Hùng và tín ngưỡng thờ cúng Hùng Vương đã trở thành điểm hội tụ của tinh thần đại đoàn kết dân tộc Việt Nam. Tín ngưỡng thờ cúng Hùng Vương đã không còn biên giới riêng, mà là biên giới cộng đồng, trở thành động lực tinh thần tạo nên sức mạnh đoàn kết cho dân tộc Việt Nam.
5 năm bảo tồn và phát huy
Năm 2017 cũng là năm đánh dấu chặng đường 5 năm “Tín ngưỡng thờ cúng Hùng Vương” được UNESCO công nhận là Di sản văn hóa phi vật thể đại diện nhân loại.
5 năm qua, tỉnh Phú Thọ đã tạo mọi điều kiện thuận lợi và có nhiều chính sách hỗ trợ cho hoạt động bảo tồn tín ngưỡng theo cam kết trong Chương trình hành động quốc gia nhằm bảo tồn, phát huy giá trị tín ngưỡng. Trong đó, chú trọng đầu tư cho nghiên cứu, sưu tầm các truyền thuyết, các nghi lễ, diễn xướng dân gian liên quan đến tín ngưỡng; xây dựng chính sách ưu đãi với người thực hành tín ngưỡng thờ các Vua Hùng ở Phú Thọ; chú trọng đến việc trao truyền thực hành tín ngưỡng cho các thế hệ tiếp nối, đặc biệt là lớp trẻ, thông qua việc hướng dẫn thực hành trong các kỳ lễ hội. Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch Phú Thọ cũng phối hợp với các cấp, các ngành tiến hành kiểm kê, đánh giá hiện trạng các di tích thờ cúng Hùng Vương trong tỉnh và một số tỉnh bạn có liên quan, để đề xuất các giải pháp khôi phục tôn tạo các di tích thờ tự là “Không gian thiêng” cho nhân dân thực hành thờ cúng Hùng Vương.
Hàng năm tổ chức các cuộc trưng bày chuyên đề về tín ngưỡng thờ cúng Hùng Vương để nhằm quảng bá và giúp cho cộng đồng hiểu về lịch sử, văn hóa và di sản một cách tích cực và sâu sắc hơn. Đề án "Xây dựng Việt Trì trở thành thành phố lễ hội về với cội nguồn dân tộc Việt Nam" đang được tỉnh hoàn thiện, xin ý kiến các bộ, ngành có liên quan để trình Chính phủ phê duyệt mà điểm nhấn quan trọng nhất là khu di tích lịch sử đặc biệt quốc gia Đền Hùng, các hoạt động lễ, hội liên quan đến tín ngưỡng thờ cúng Hùng Vương để Việt Trì - Phú Thọ sẽ thực sự là điểm đến trong cuộc hành trình tâm linh về nguồn cội...
Cùng với đề án góp giỗ được Chính phủ phê duyệt, các tỉnh, thành phố đã lần lượt tích cực tham gia đề án góp giỗ theo đúng truyền thống cúng giỗ của người Việt. Mỗi năm có từ 3 - 5 tỉnh, thành tham gia góp giỗ. Đến nay, sau 5 năm đã có hơn 20 tỉnh, thành tham gia góp giỗ và công đức tu bổ di tích Đền Hùng. Nhiều doanh nghiệp, các tổ chức kinh tế, chính trị xã hội, đồng bào trong và ngoài nước cũng đã tích cực tham gia góp giỗ và công đức bằng hình thức xây dựng những công trình, trùng tu, tôn tạo các di tích trong Khu di tích lịch sử Đền Hùng.
Ông Phạm Bá Khiêm, Chủ tịch Hội Văn nghệ dân gian Phú Thọ đánh giá, sau 5 năm được UNESCO công nhận, tín ngưỡng thờ cúng Hùng Vương từ văn hóa của một tộc người bản địa, một vùng, trở thành di sản của nhân loại, được nhiều người quan tâm, cả người Việt Nam và nước ngoài.
Với đạo lý "Uống nước nhớ nguồn" đã ăn sâu, bám rễ vào máu thịt của các thế hệ người dân đất Việt tự ngàn đời nay, với tấm lòng thành kính tri ân các bậc tiền nhân, Giỗ Tổ Hùng Vương - Lễ hội Đền Hùng - Tín ngưỡng thờ cúng các Vua Hùng ở Phú Thọ đã trở thành một phong tục đẹp, một nét văn hóa độc đáo, có một không hai của người Việt Nam, sẽ mãi mãi được trao truyền qua các thế hệ người dân bản địa, đồng bào cả nước và được bảo tồn, phát huy giá trị xứng tầm di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại.