Tiểu thuyết kể câu chuyện của Gita Lauschmann, cô gái sinh ra và lớn lên trong một gia đình thuần Do Thái nhưng nói tiếng Đức tại ngôi làng Puklice ở Séc. Sáu chương truyện trong tác phẩm là sáu lần nỗ lực trở về quê hương từng là nơi cô trải qua tuổi thơ hạnh phúc trước khi chiến tranh xảy ra.
Gita Lauschmannová sinh ra ở Bohemia, trong một gia đình Do Thái nói tiếng Đức, chỉ phát hiện ra mình là người Do Thái khi bị bắt đến trại tập trung của Đức Quốc xã. Vào cuối cuộc chiến, cô là người sống sót duy nhất trong gia đình.
Trải qua muôn vàn khốc liệt, Gita quay trở lại ngôi làng của mình với hy vọng sẽ nhận được sự chào đón của người dân ở nơi cô sinh ra và lớn lên. Nhưng Gita chỉ nhận được sự thù ghét từ những người từng làm thuê cho bố của cô, chính họ lúc này đã chiếm đoạt toàn bộ tài sản và nhà cửa của gia đình cô. Cô phải sống trong đọa đày và thống khổ cùng cực. Gita may mắn trốn thoát và được người dì ở Praha cưu mang.
Cả cuộc đời, Gita luôn cố gắng trở lại. 2005, sau 60 năm, Gita trở về liên tục trong một nỗ lực để làm sáng tỏ sự thật về gia đình mình, đề nghị hòa giải và mong muốn rằng một tượng đài được dựng lên để tưởng nhớ cha cô.
Nhiều hơn một tiểu thuyết về lịch sử, chính trị, với cốt truyện tinh tế, sử dụng hình tượng, ngôn từ trần trụi nhưng đầy sức nặng, tác giả Radka Denemarková đã thành công tái hiện một bi kịch cổ điển, một câu chuyện đau lòng vượt thời gian về di chứng chiến tranh và hành trình đấu tranh vô ích cho công lý.