Năm 2019, Thái Lan là Chủ tịch của ASEAN và năm nay cũng là Năm Văn hóa ASEAN. Liên hoan phim Bangkok ASEAN 2019 là hoạt động văn hóa thiết thực trong công tác ngoại giao văn hóa - chính sách quan trọng nhất mà mỗi quốc gia ASEAN theo đuổi để đưa được bản sắc dân tộc và hình ảnh quốc gia của mình ra toàn thế giới.
Điện ảnh là đại sứ văn hóa phản ánh cuộc sống, tín ngưỡng, truyền thống, ý tưởng xã hội với khán giả trong nước, ASEAN và quốc tế; la một phần của ngành công nghiệp sáng tạo của các nước ASEAN...
Bà Pimpaka Towira, Giám đốc chương trình Liên hoan phim Bangkok Thái Lan 2019 cho biết: Liên hoan diễn ra từ ngày 3-8/7 thực sự là một sân chơi cho các nhà đạo diễn trong khối ASEAN chia sẻ kinh nghiệm và giới thiệu về đất nước qua ngôn ngữ điện ảnh.
Ban tổ chức cũng mời những đạo diễn quốc tế tham dự để họ hiểu hơn về các nhà làm phim trong khu vực. Có thể nói rằng, đây không chỉ là nơi để giới thiệu phim mà liên hoan cũng chính là dịp để trao đổi văn hoá giữa các nước ASEAN.
Liên hoan phim Bangkok ASEAN năm 2019 do Bộ Văn hóa Thái Lan tổ chức thu hút 10 phim của 7 quốc gia khối ASEAN tranh tài. Kết quả là bộ phim của nước chủ nhà Thái Lan “Manta Ray” (đạo diễn Phuttiphong Aroonpheng) đã giành được giải thưởng lớn Best ASEAN Film.
Giải Ban giám khảo được trao cho "Balangiga: Howling Wilderness" của đạo diễn Khavn De La Cruz, người Philippines. Phim "Vợ ba" của đạo diễn Đỗ Phương Anh đến từ Việt Nam đã giành giải Special Mention (Điểm n hấn đặc biệt).
Đạo diễn Phan Đăng Di của Việt Nam được mời làm giám khảo Liên hoan phim Bangkok ASEAN 2019. Chia sẻ về các phim dự thi, anh cho biết năm nay liên hoan đã có bộ sưu tập nhiều phim tốt ở hạng mục phim dự thi.
Những phim này đã được nhìn nhận và trao giải ở các liên hoan phim lớn khác trên thế giới, điều này đã làm cho phần thi mạnh hơn, nhất ở khía cạnh chất lượng phim dự thi. Điều đó cũng cho thấy, điện ảnh Đông Nam Á từ một "vùng trũng" của điện ảnh thế giới trở thành vùng được quan tâm, nhất là ở các liên hoan phim lớn.
Nhiều đạo diễn ASEAN đã giành được giải thưởng ở các kỳ liên hoan lớn hang đầu thế giới, như điện ảnh Thái Lan đã giành cành cọ vàng của Liên hoan phim Cannes 2010 với bộ phim "Uncle Boonmee Who Can Recall His Past Lives" ,
Đạo diễn Phan Đăng Di cho rằng, điện ảnh Đông Nam Á không còn phải tự ti, bởi nơi đây đang trở thành khu vực quan trọng của điện ảnh nghệ thuật thế giới. Nhưng điều quan trọng là phải làm sao để duy trì được thế mạnh đó.
Khu vực ASEAN rất đặc biệt với sự đa dạng về văn hóa, các nghệ sỹ đều có cá tính, có thể đưa đến cho nghệ thuật điện ảnh thế giới những góc nhìn mới, quan điểm mới về những vấn đề lớn của cả khu vực lẫn các vấn đề của từng quốc gia.
Các nhà làm phim mỗi nước cho thấy sự đa dang trong cách tiếp cận riêng, không chỉ là kể chuyện ở mỗi nơi mà còn là nghệ thuật xử lí độc đáo và đa dạng, làm nổi bật văn hóa, đời sống, con người ở mỗi nước với những tiếng nói riêng. Đó là điều khiến điện ảnh ASEAN trở nên được quan tâm ở thời điểm hiện nay...
Việt Nam năm nay tham gia liên hoan phim với 2 bộ phim, đó là phim "Vợ ba" của đạo diễn Đỗ Phương Anh ở phần phim dự thi và một phim chiếu trong phần giới thiệu điện ảnh là “Song lang” cũng cho hiệu ứng rất tốt.
Điều này cũng cho thấy các nhà các đạo diễn của Việt Nam phần nào đã tiếp cận được trình độ làm phim của thế giới, đó là một tín hiệu phải tiếp tục thực hiện, tìm cách nhân lên để điện ảnh Việt Nam có tiếng nói xứng đáng trong khu vực và trên thế giới...
Đạo diễn Indonesia Garin Nugroho người giành giải "Thành tựu trọn đời" tại Liên hoan phim Bangkok ASEAN năm 2019 cho biết: Liên hoan phim chính là cơ hội để khán giả trong khối ASEAN biết về các nền văn hoá khác nhau trong khối và thế giới.
Điều này rất quan trọng khi ASEAN đã là một phần của cộng đồng thế giới. Đạo diễn Garin Nugroho đã từng đến Việt Nam 2 lần rồi và vui mừng khi Việt Nam đã tổ chức được liên hoan phim quốc tế. Ông cho rằng điện ảnh Việt Nam là một nền điện ảnh tiến bộ, chịu khó học hỏi kinh nghiệm của các đạo diễn phim quốc tế.