Tiếp nhận hơn 4.000 tài liệu của gia đình GS. Nguyễn Cảnh Toàn

Ngày 20/12, tại Hà Nội, Trung tâm Di sản các nhà khoa học Việt Nam đã tổ chức lễ tiếp nhận hơn 4.000 tài liệu, hiện vật của đại gia đình Nguyễn Cảnh. Khối tài liệu khổng lồ đó là của GS.TSKH Nguyễn Cảnh Toàn và ba người em ruột của ông là GS.TSKH Nguyễn Cảnh Cầu, TS Nguyễn Cảnh Hồ và GS.TS Nguyễn Cảnh Cầm.


Lễ ký bàn giào tài liệu


Đây là một bộ sưu tập tài liệu tương đối đặc biệt, của một gia đình có truyền thống học tập có nhiều giá trị, thể hiện quá trình học tập, nghiên cứu khoa học và giảng dạy của 4 anh em nhà khoa học, qua đó góp phần nghiên cứu lịch sử giáo dục, toán học, y học và khoa học thủy lợi ở nước ta.


Các đại biểu đến dự lễ bàn giao.


GS.TSKH Nguyễn Cảnh Toàn, nguyên Thứ trưởng Bộ Giáo dục, nguyên Hiệu trưởng trường Đại học Sư phạm Hà Nội, là nhà nghiên cứu có nhiều đóng góp trong lĩnh vực toán học và quản lý giáo dục ở Việt Nam. Bộ sưu tập của ông có hơn 2.800 tài liệu, là những giấy tờ cá nhân, những bản thảo về nghiên cứu toán học, bản thảo luận án, bản thảo các bài viết được ông viết tay sau đó đã đăng trên các báo và tạp chí, là những bức thư ông trao đổi với các đồng nghiệp trong và ngoài nước, các hồ sơ tài liệu liên quan đến việc trao đổi về các danh hiệu, giải thưởng và kiến nghị của ông...


GS.TSKH Nguyễn Cảnh Cầu là chuyên gia về da liễu ở Việt Nam. Ông là bác sĩ quân y từng tham gia cả hai cuộc kháng chiến chống Pháp và chống Mỹ, là người có đóng góp trong việc thanh toán bệnh phong trong quân đội. Bộ sưu tập tài liệu của ông có hơn 300 tư liệu, gồm bản thảo sách, ghi chép, bản thảo luận án và các luận văn, luận án, ảnh tư liệu liên quan đến các hoạt động nghiên cứu khoa học, khám chữa bệnh của ông.


Khối tài liệu khổng lồ và hiện vật.


TS Nguyễn Cảnh Hồ là một nhà nghiên cứu và giảng dạy triết học trong vật lý. Bộ sưu tập của ông gồm hơn 1.000 tài liệu giấy và ảnh liên quan đến hoạt động khoa học và hoạt động cá nhân của ông. Còn GS.TS Nguyễn Cảnh Cầm là một chuyên gia nghiên cứu thủy lực ở trường Đại học Thủy lợi Hà Nội, ông đã có nhiều đóng góp trong việc nghiên cứu, đề xuất quy hoạch thủy lợi và xây dựng các công trình thủy lợi ở Việt Nam. Bộ sưu tập của GS Nguyễn Cảnh Cầm gồm hơn 150 tài liệu liên quan đến quá trình giảng dạy và nghiên cứu của ông.


Tin, ảnh: Lê Phú

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN