Tìm thấy mộ phần tác giả "Chùa Hương"

Ngày 20/12 vừa qua, sau hàng chục năm tìm kiếm, gia đình và hậu duệ của tác giả bài thơ "Chùa Hương" đã tìm được hài cốt của ông để đưa về tái hợp cạnh cha mình - cố học giả Nguyễn Văn Vĩnh.

Trước đó, suốt nhiều năm trời, vị trí đặt hài cốt của nhà thơ Nguyễn Nhược Pháp (1914 - 19) trong khu nghĩa trang chung của dòng họ vẫn phải để trống. Đặc biệt, kể từ năm 1989, khi quyết định công nhận Nguyễn Nhược Pháp là danh nhân văn hóa Việt Nam, Sở VH-TT Hà Tây (cũ) đã đầu tư dựng bia tại cụm nghĩa trang này với dòng chữ “Khu mộ danh nhân văn hóa Nguyễn Văn Vĩnh - Nguyễn Giang - Nguyễn Nhược Pháp”. Sự kiện này cũng là một trong những lý do thôi thúc hậu duệ nhà thơ đi tìm lại hài cốt ông.

Nhà nghiên cứu Nguyễn Lân Bình - cháu nội của dịch giả Nguyễn Văn Vĩnh - chia sẻ: “Ngoài tâm lý xót xa về việc chưa tìm được hài cốt người thân, chúng tôi còn luôn tâm niệm về lời trăng trối của cụ bà (vợ cả của dịch giả Nguyễn Văn Vĩnh - NV). Trước khi qua đời vào năm 1965, cụ từng nói với con cháu: sau này nằm xuống, tao chỉ muốn được chôn cạnh thằng Pháp”.

Phát lộ tài năng thiên bẩm từ rất sớm với những câu thơ Hôm qua đi chùa Hương/Hoa cỏ mờ hơi sương..., Nguyễn Nhược Pháp chỉ sống lâu hơn cha mình 2 năm. Khi mất vào năm 19, ông được gia đình đưa về an táng tại làng Phượng Vũ, xã Phượng Dực (Thường Tín, Hà Nội). Trong suốt những năm sau đó, vì chiến tranh và không có điều kiện chăm sóc, ngôi mộ này bị vùi sâu mất hoàn toàn dấu vết, dù đã được gia đình bỏ công tìm kiếm nhiều lần.

Nhà thơ Nguyễn Nhược Pháp.


Kể từ cuối những năm 1980, khu mộ phần của dòng họ Nguyễn Văn Vĩnh (cũng nằm tại làng Phượng Vũ) đã được dòng họ đầu tư tôn tạo lại. Trước đó nhiều năm, sau một số lần di chuyển, hài cốt của học giả Nguyễn Văn Vĩnh cũng được đặt tại đây. Năm 2010, hài cốt của cụ bà Nguyễn Văn Vĩnh cũng được gia đình tìm thấy và đưa về khu mộ phần này. Ngoài ra, khu mộ phần còn là nơi táng của anh cùng cha khác mẹ với Nguyễn Nhược Pháp là nhà thơ Nguyễn Giang (1910- 1969), gương mặt khá nổi tiếng trong làng văn hóa thời tiền chiến.

“Theo nguyện vọng, từ lâu chúng tôi đã xây sẵn mộ phần của nhà thơ ở sát cạnh nơi đặt cụ bà” - ông Bình kể - “Bạn bè, giới nghiên cứu tới thắp hương đều hỏi thăm về việc ngôi mộ phải để trống không đúc nắp trên, gia đình đau xót mà không biết trả lời thế nào”.

 Được biết, việc tìm kiếm hài cốt của nhà thơ Nguyễn Nhược Pháp đã diễn ra trong nhiều năm. Tuy nhiên, khu vực được cho là nơi an táng ông đã biến dạng khá nhiều, và là nơi đặt các ngôi mộ của khá nhiều gia đình trong làng. Bởi vậy, phía chính quyền xã Phượng Dực đã phải mất khá nhiều công sức để giúp hậu duệ nhà thơ thu xếp và có được sự đồng ý của các gia đình này.

Nơi đặt hài cốt cố nhà thơ trong mộ phần dòng họ.


Việc tìm thấy dấu vết hài cốt Nguyễn Nhược Pháp diễn ra vào ngày 17/12/2011 và hoàn thành trong 3 ngày sau đó. Ở độ sâu dưới 2m đất, hài cốt của nhà thơ đặt trong một tiểu sành cũ, kèm theo đó là một tấm bia bằng đá vôi đã mất hết chữ. Cũng ở độ sâu này, cách đó vài mét là một tiểu sành khác, trong đó có chôn một người chú họ của nhà thơ, mất vào cuối thế kỷ XIX.

“Tất cả những dấu hiệu này đều tuyệt đối trùng với thông tin mà phía gia đình ghi lại rằng cố nhà thơ Nguyễn Nhược Pháp được chôn cạnh một ông chú họ mất lúc 10 tuổi. Trong 2 ngôi mộ, chỉ mộ của nhà thơ mới có bia. Thực tế, hai bộ hài cốt cũng có kích thước xương khác hẳn nhau, một bộ là xương người lớn và một bộ là xương trẻ em” - ông Nguyễn Lân Bình nói.

Tới chiều qua (22/12), việc đưa hài cốt Nguyễn Nhược Pháp về an táng trong khu phần mộ của gia đình đã hoàn thành. Được biết, phía gia đình nhà thơ cũng đang tính tới việc xuất bản toàn tập tác phẩm của ông.

Mất sớm vì bệnh lao, nhà thơ Nguyễn Nhược Pháp chỉ kịp để lại một số bài thơ, truyện ngắn, kịch bản sân khấu cùng một số bài phê bình văn học bằng tiếng Pháp. Trong số này, nổi tiếng nhất là 2 bài thơ Chùa Hương và Sơn Tinh, Thủy Tinh.

Theo thethaovanhoa.vn

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN