Tham dự có bà Khamphao Ernthavanh, Đại sứ đặc mệnh toàn quyền nước Cộng hòa Dân chủ Nhân dân Lào tại Việt Nam cùng đại diện lãnh đạo tỉnh và các sở, ban, ngành của Thái Nguyên.
Tại chương trình, bà Khamphao Ernthavanh đánh giá cao sự quan tâm, tạo điều kiện của tỉnh Thái Nguyên dành cho các lưu học sinh Lào. Đại sứ khẳng định, hai nước Lào - Việt Nam có mối quan hệ hữu nghị vĩ đại, tình đoàn kết đặc biệt và hợp tác toàn diện, sự gắn bó thủy chung; đồng thời cho biết thêm, năm 2024 là năm có ý nghĩa trọng đại đối với Lào; năm Lào đứng trên cương vị Chủ tịch luân phiên ASEAN. Đây cũng là năm được Lào chọn là Năm du lịch với chủ đề “Du lịch Lào an toàn, tận hưởng văn hóa, thiên nhiên tươi đẹp, chủ nhà hữu nghị, hiếu khách, vui tươi” với nhiều hoạt động được tổ chức theo phong tục tập quán của người Lào, thu hút khách du lịch trong nước và quốc tế.
Phó Chủ tịch tỉnh Thái Nguyên Nguyễn Thanh Bình khẳng định, tỉnh luôn quan tâm, chú trọng lĩnh vực hợp tác đào tạo giáo dục cho các lưu học sinh Lào trên địa bàn; đặc biệt đối với các lưu học sinh Lào của các tỉnh, thành phố có hợp tác, kết nghĩa với tỉnh Thái Nguyên. Những năm qua, tỉnh đã đào tạo nhiều thế hệ lưu học sinh Lào. Các lưu học sinh tốt nghiệp trở về quê hương đã phát huy hiệu quả kiến thức, bản lĩnh chính trị và kỹ năng được trau dồi, tích lũy, đóng góp quan trọng vào công cuộc xây dựng, phát triển đất nước. Qua đó, góp phần vun đắp truyền thống quan hệ hữu nghị, đoàn kết đặc biệt và thủy chung trong sáng giữa hai Đảng, hai Nhà nước và nhân dân hai nước.
Trên nền tảng mối quan hệ tốt đẹp giữa hai quốc gia, Thái Nguyên đã thiết lập mối quan hệ hợp tác hữu nghị với tỉnh Luông Pha Bang (Lào) từ năm 2010; đồng thời, duy trì hợp tác với các tỉnh như: Hủa Phăn, Xiêng Khoảng, Phông Sa Lỳ cùng một số địa phương khác của Lào để hợp tác đào tạo các lưu học sinh tại các trường cao đẳng, đại học trên địa bàn tỉnh. Hội Hữu nghị Việt Nam - Lào tỉnh Thái Nguyên luôn phát huy vai trò là cầu nối hữu nghị, đối ngoại nhân dân trên các lĩnh vực chính trị, văn hóa, giáo dục và đào tạo.
Tại chương trình, nhiều hoạt động ý nghĩa trong dịp Tết cổ truyền của Lào đã được tổ chức như: Cúng cầu may, buộc chỉ cổ tay, té nước… tạo không khí vui tươi, phấn khởi cho lưu học sinh. Qua đó, động viên, khích lệ các em luôn nhớ về truyền thống dân tộc và cảm nhận không khí Tết đầm ấm, sum họp, hân hoan chào đón năm mới như ở quê nhà. Đây là hoạt động thiết thực nhằm tăng cường và khẳng định mối quan hệ hữu nghị truyền thống, đoàn kết đặc biệt, góp phần thắt chặt thêm tình đoàn kết, gắn bó keo sơn giữa người dân hai nước Việt Nam - Lào.
Thái Nguyên hiện có khoảng 1.200 lưu học sinh Lào đang theo học tại 10 trường thuộc 4 hệ đào tạo gồm: Trung học phổ thông, Cao đẳng, Đại học và sau Đại học. Tết Bunpimay được tổ chức góp phần tăng thêm tình cảm gắn bó giữa các lưu học sinh với cán bộ, nhân dân trong tỉnh; đồng thời, đẩy mạnh công tác giáo dục chính trị tư tưởng, nâng cao nhận thức cho lưu học sinh Lào về mối quan hệ, tình hữu nghị đoàn kết và hợp tác toàn diện giữa hai nước, hai dân tộc.