Đường hoa Nguyễn Huệ Tết 2024 do UBND TP Hồ Chí Minh chỉ đạo thực hiện, Tổng Công ty Du lịch Sài Gòn (Saigontourist Group) chủ trì tổ chức với sự phối hợp của các sở, ban ngành cùng với sự đồng hành của các doanh nghiệp TP Hồ Chí Minh.
Ông Trương Đức Hùng,Tổng Giám đốc Saigontourist Group, kiêm Trưởng ban tổ chức Đường hoa Nguyễn Huệ Tết 2024 cho biết, năm 2023 vừa qua, dù kinh tế còn nhiều khó khăn nhưng các doanh nghiệp vẫn tiếp tục đồng hành cùng Đường hoa Nguyễn Huệ Tết 2024. Điều đó cho thấy sức hút lớn, tầm quan trọng của công trình văn hóa này. Saigontourist Group đã và đang nỗ lực hết sức mình để kiến tạo nên không gian du Xuân, trải nghiệm Tết độc đáo dành cho người dân Thành phố và du khách trong, ngoài nước.
Đường hoa năm nay được thực hiện hoành tráng, quy mô, với bố cục 3 phân đoạn gồm: Nguồn cội quê hương, Băng sông vượt biển và Vươn mình hội nhập. Ngôn ngữ chủ đạo được thể hiện xuyên suốt Đường hoa Nguyễn Huệ Tết 2024 là yếu tố truyền thống văn hóa, tín ngưỡng lâu đời của người Việt hòa điệu cùng bản sắc văn hóa vùng đất phương Nam.
Năm nay, Đường hoa Nguyễn Huệ Tết 2024 tạo ấn tượng mạnh với sự xuất hiện của đôi linh vật rồng uốn lượn ngoạn mục có tên gọi Lưỡng Long triều liên (đôi rồng chầu sen). Mỗi linh vật rồng có 5 đoạn thân uốn lượn dọc hai bên đường hoa, dài hơn 100m, kích thước vòng đầu hơn 2m, lập kỷ lục về kích thước con giáp từng xuất hiện trên Đường hoa Nguyễn Huệ.
Linh vật rồng trên đường hoa là sự kết hợp các đặc điểm rồng của thời Trần, thời Lý và thời Nguyễn, được trau chuốt với ba màu sắc chủ đạo là vàng đất, xanh lam và cam đỏ bã trầu. Miệng rồng ngậm ngọc đường kính 50cm được mô phỏng bằng mica đục, bên trong gắn đèn. Thân hai rồng đan chéo vào nhau tạo mái trần trang trí đẹp mắt và thông thoáng cho phân đoạn 1. Linh vật rồng được tạo hình với hơn 90% chất liệu là mây tre và mành quạt nan.
Ở đại cảnh Vườn mai Bác Hồ, làng mai Bình Lợi (huyện Bình Chánh) tiếp tục đồng hành cùng Đường hoa. Đặc biệt, hàng ngàn lá nhôm mỏng sẽ được treo lên cành mai nhà vườn, tôn thêm vẻ đẹp, tạo hiệu ứng óng ánh, long lanh cả ngày và đêm.
Đại cảnh Thuyền rồng hoa xuân ở đầu phân đoạn 2 chiếm trọn bề ngang Đường hoa và bao phủ phần diện tích lên đến 900m2, được thiết kế từ ý tưởng lễ hội đua thuyền rồng. Đội thuyền gồm một thuyền chính dài 66m và năm thuyền hộ tống theo ngũ hành Kim, Mộc, Thủy, Hỏa, Thổ dài hơn 9m, cao gần 3m, ốp mành mây tre đan kín, sơn màu tạo họa tiết. Đại cảnh được chiếu sáng bởi hệ thống đèn lắp đặt trên 48 mái chèo.
Đại cảnh Nhất đại Thăng Long là đại cảnh lớn nhất trên Đường hoa, có diện tích bao phủ hơn 1.000m2. Linh vật rồng trong đại cảnh có 4 đoạn uốn thân cách mặt đất 5m, cấu tạo bởi ống thép, đai thép và lưới thép do 15 trụ chống đỡ toàn thân và hệ thống đèn led dài hơn 100m chạy dọc toàn bộ thân rồng.
Tại đường hoa còn có đầm sen rộng hơn 1.000m2 với những bông sen và lá sen khổng lồ làm từ kẽm và vải voan. Xen kẽ hai bên đầm sen là trung cảnh Cửa chín rồng gồm 9 ghế rồng mang tên 9 cửa của sông Cửu Long là cửa Tiểu, cửa Đại, Ba Lai, Hàm Luông, Cổ Chiên, Cung Hầu, Ba Thắc, Định An và Trần Đề. Tựa theo vị thế Cửu Long hội tụ của đường hoa, trung cảnh thể hiện con sông dài nhất chảy qua lãnh thổ Việt Nam.
Thời gian thi công đường hoa diễn ra từ 7 giờ ngày 21/1/2024 đến 12 giờ ngày 7/2/2024. Phía trước đại cảnh cổng kết đường hoa có trung cảnh Lễ hội mùa xuân và Mây thủy tinh được bố trí nối tiếp nhau. Đoạn chuyển tiếp giữa phân đoạn 1 và 2 là gian hàng trưng bày, cắm hoa nghệ thuật của Lãnh sự quán các nước tại TP Hồ Chí Minh.
Đường hoa sử dụng hơn 70% tổng số vật liệu là chất liệu thân thiện môi trường, tạo dấu ấn với 3 gam màu chủ đạo là đỏ, cam, vàng. Dự kiến sẽ có hơn 90.000 giỏ hoa của 99 chủng loại như: cẩm chướng, phong lữ, thược dược, màu gà, thu hải đường... được thiết kế, trưng bày tạo hình tại Đường hoa Nguyễn Huệ Tết 2024