Khi sử dụng tiếng Việt để nói và viết, nhiều người mắc phải một hiện tượng đã dùng thừa từ, hoặc trùng lặp thông tin trong câu nói hay đoạn viết. Điều này làm ảnh hưởng không nhỏ đến việc giữ gìn sự trong sáng của tiếng Việt.
Trong nhiều ấn phẩm xuất bản cũng tồn tại hiện tượng thừa từ, trùng lặp ý. Ảnh: Lê Phú |
Hiện tượng nói và viết thừa từ trong tiếng Việt diễn ra ở mọi nơi, mọi lúc và trong cuộc sống ngày nay, nếu để ý, chúng ta bắt gặp ngày càng nhiều hiện tượng này. Có thể do vô tình hay cố tình, một số người dân đã để thừa thông tin trong câu nói. Cụ thể, qua khảo sát, chúng tôi liệt kê hiện tượng sử dụng thừa từ ở một số trường hợp sau đây:
Thứ nhất, thừa từ trong biển quảng cáo. Chúng ta có thể bắt gặp những dòng chữ nổi bật trên biển quảng cáo ở đường phố. Ví dụ: “Bán thuốc tân dược”. Dòng chữ này quảng cáo bán thuốc mới nhưng do chủ nhân cửa hàng có sự kết hợp giữa tiếng Hán và tiếng Việt nên để thừa từ “thuốc”.
Thứ hai, thừa từ trong biển chỉ dẫn di tích. Hầu hết các di tích như đền chùa hay căn cứ cách mạng đều có biển chỉ dẫn ở ngã ba đường. Nếu để ý, chúng ta sẽ thấy một số nơi chỉ dẫn thừa. Chẳng hạn trên một đoạn đường có biển mang nội dung: “Chùa Thiên Phúc tự cách 300 m”. Trong câu chỉ dẫn này, thực chất đã thừa chữ “chùa” hoặc chữ “tự”. Bởi hai chữ này một là Hán, một là Việt đều có thông tin giống nhau.
Thứ ba, thừa từ trong lời chúc. Hằng ngày, con người ta thường hay chúc nhau mỗi khi đi xa. Hẳn trong những lời chúc tụng sẽ không thiếu câu: “Chúc anh thượng lộ bình an”. Nói như vậy sẽ không có vấn đề gì nhưng người dân thường hay phát ngôn: “Chúc anh lên đường thượng lộ bình an”. Điều này có sự trùng lặp nghĩa giữa “lên đường” và “thượng lộ”. Vì vậy sẽ dẫn đến thừa thông tin trong lời chúc.
Thứ tư, thừa từ trong cách gọi lên sự vật hiện tượng trong đời sống. Đây là trường hợp rất phổ biến trong đời sống hằng ngày mà người dân thường hay mắc phải khi phát ngôn. Chẳng hạn, người ta thường hay dùng những cụm từ hay câu nói để thừa thông tin như: Cây cổ thụ = thừa cây; đi làm thực hành = thừa làm; đường quốc lộ = thừa đường; đồng dao trẻ em = thừa trẻ; gia đình nhà tôi = thừa nhà… Những tiểu tiết nhỏ này khi sử dụng nếu không để ý sẽ rất khó phát hiện.
Việc nói và viết tiếng Việt của đa số người dân có hiện tượng thừa từ sẽ có nguyên nhân của nó. Chúng ta không thể đổ lỗi cho người dân kém hiểu biết khi sử dụng tiếng của nước mình mà cần xét nguyên nhân sâu xa của nó. Đó là việc, chúng ta từ lâu sử dụng kết hợp tiếng Hán và tiếng Việt, chưa có sự tách bạch ranh giới hai thứ tiếng này trong phát ngôn. Do vậy, khi nói và viết, người dân dễ có sự trùng lặp nghĩa từ của Hán và Việt. Hơn nữa, thói quen sử dụng tiếng Việt có chen lẫn thành ngữ vào câu nói cũng dễ dẫn đến thừa từ trong phát ngôn.
Để khắc phục hiện tượng trên, mỗi người dân khi sử dụng tiếng Việt cả trong khi nói và viết cần chú ý để tránh sử dụng một cách tùy tiện, lẫn lộn tiếng Hán và tiếng Việt. Đồng thời, ngay từ khi ngồi trên ghế nhà trường, học sinh cần học kỹ nội dung nghĩa của từ, từ Hán Việt và việc sử dụng thành ngữ chính xác trong từng văn cảnh nhất định.
Nguyễn Thế Lượng