Ban giám khảo đã chấm chọn 87 tranh để trao giải. Trong đó, 5 giải Nhất dành cho các em Lưu Khả Hân, Trung tâm Văn hóa thành phố Thủ Đức; Kiều Ngọc Bảo Nhi, Nhà Thiếu nhi Thành phố Hồ Chí Minh; Nguyễn Chí Khang, Trung tâm Văn hóa thành phố Thủ Đức; Nguyễn Hoàng Long, Trường Chuyên biệt Ánh Dương và Tập thể Lớp vẽ Trường Đại học Mỹ thuật Thành phố Hồ Chí Minh. Ban tổ chức trao 18 giải Nhì, 28 giải Ba và 36 giải Khuyến khích cho thiếu nhi có tác phẩm xuất sắc tại cuộc thi.
Phát biểu tại buổi lễ, ông Trần Anh Tuấn, Phó Giám đốc Bảo tàng Tôn Đức Thắng cho biết, Hội thi thu hút 501 thí sinh từ 5-14 tuổi đến từ 35 đơn vị Nhà Thiếu nhi, Trung tâm văn hóa quận, huyện, thành phố Thủ Đức cùng trẻ em có hoàn cảnh kém may mắn, khiếm thính, khiếm thị tại các trường khiếm thính, chuyên biệt ở Thành phố Hồ Chí Minh, thí sinh đến từ Nhà Thiếu nhi An Giang tham gia, với 483 tác phẩm.
Các tác phẩm tranh vẽ cá nhân, tập thể của thiếu nhi có nội dung xoay quanh cuộc đời, sự nghiệp cách mạng của Bác Tôn và Bảo tàng Tôn Đức Thắng như: “Người thợ Tôn Đức Thắng với xưởng Ba Son”, “Bác Tôn dẫn em đi xe bus”, “Giấc mơ của bác Tôn”, “Bác Tôn trên chuyến tàu Metro”, “Bác Tôn với thiếu nhi làm gốm”, “Sài Gòn nhớ mãi Bác Tôn”...
Cuộc thi vẽ tranh không chỉ là hoạt động vừa học vừa chơi, giúp phụ huynh yên tâm, tin tưởng mà còn là sân chơi bổ ích, lý thú cho các em dịp hè. Cũng từ cuộc thi này, hình tượng Bác Tôn kính yêu ngày càng trở nên thân thương, gần gũi, in đậm trong trí nhớ và tình cảm của các em, động viên thiếu nhi cố gắng học tập, rèn luyện xứng đáng là cháu ngoan Bác Hồ-Bác Tôn.
Đoạt giải Nhất tại cuộc thi vẽ lần này, thí sinh Nguyễn Hoàng Long, Trường Chuyên biệt Ánh Dương với tác phẩm “Bác Tôn yêu thiếu nhi” bày tỏ sự vui mừng vì đây là kết quả từ việc học tập, rèn luyện bộ môn mà em yêu thích. Tác phẩm của em thể hiện tình cảm thương yêu, gắn bó của Bác Tôn với thiếu nhi thông qua nét vẽ bằng màu acrylic thông qua hình ảnh Bác Tôn giản dị, gần gũi cùng hát, vui chơi với thiếu nhi.