Sự kiện có sự tham gia của đông đảo phật tử, du khách trong và ngoài thành phố cùng chư Ni Phân ban Ni giới Phật giáo từ 55 tỉnh, thành phố trong cả nước.
Đây là hoạt động nhằm tôn vinh và tưởng nhớ Đức Thánh Tổ Ni Đại Ái Đạo - người khơi nguồn con đường tu tập Phật giáo cho nữ giới; ghi nhớ công lao của chư Ni tiền bối hữu công Phật giáo Việt Nam, những người có công lớn trong việc giữ gìn và phát huy truyền thống Ni giới của đất nước. Ngoài ra, sự kiện nhằm lan tỏa những giá trị tốt đẹp của Phật giáo trong đời sống và khơi dậy tinh thần tự hào dân tộc trong mỗi người con đất Việt.
Theo Ni sư Thích Nữ Thuần Chơn, Ủy viên Thường trực Phân ban Ni giới Trung ương, Phó Trưởng Ban tổ chức Đại lễ, Phật giáo được du nhập vào Việt Nam từ những buổi đầu của lịch sử dân tộc; sau đó, thấm sâu vào mọi lĩnh vực đời sống, hòa quyện với văn hóa, nghệ thuật bản địa, tạo nên nhiều nét đặc sắc. Trong dòng chảy lịch sử ấy, tại vùng đất Cần Thơ xưa, Phật giáo đã hiện diện trong đời sống tinh thần và đồng cam, cộng khổ trong công cuộc khai hoang, xây dựng xóm, ấp của người dân; gắn liền vận mệnh trong công cuộc đấu tranh phòng, chống kẻ thù xâm lược, bảo vệ độc lập tự do dân tộc.
Với chủ đề “Vạn dặm yêu thương”, triển lãm giới thiệu đến công chúng chân dung của các vị Ni trưởng tiền bối hữu công Phật giáo Việt Nam qua các thời kỳ; mô hình kiến trúc đặc trưng của các ngôi chùa tại Cần Thơ mang dấu ấn đặc trưng vùng văn hóa Nam Bộ; đặc biệt là những hình ảnh tư liệu thừa hành Phật sự nổi bật qua các khía cạnh: nghi lễ, giáo dục, văn hóa, hoằng pháp, từ thiện - xã hội.
Bên cạnh các hình ảnh văn hóa tâm linh, đời sống của Phật giáo, không gian triển lãm cũng giới thiệu đến du khách thập phương những hình ảnh văn hóa đặc sắc của Cần Thơ thông qua các mô hình tiểu cảnh: Bến Ninh Kiều, chợ nổi Cái Răng, chợ cổ Cần Thơ, cầu đi bộ Ninh Kiều…
Triển lãm mở cửa miễn phí cho công chúng tại Thiền viện Trúc Lâm Phương Nam (huyện Phong Điền, thành phố Cần Thơ).