"Dù ai đi ngược về xuôi. Nhớ ngày Giỗ Tổ mùng mười tháng ba".
Câu ca ấy bao đời nay vẫn in sâu trong tiềm thức mỗi người dân Việt Nam. Dù ở nơi đâu, cứ đến ngày Giỗ Tổ, hàng triệu người con trên khắp mọi miền Tổ quốc, kiều bào sinh sống ở nước ngoài lại cùng nhau hành hương về đất Tổ, thắp nén hương thành kính, tri ân công đức tổ tiên.
Về Đền Hùng (thành phố Việt Trì, tỉnh Phú Thọ) vào những ngày này, các con đường từ thành phố Việt Trì, các huyện Lâm Thao, Phù Ninh đến Khu di tích lịch sử Đền Hùng như nhỏ lại bởi lượng xe ngày càng nhiều. Dọc tuyến đường Hùng Vương lên Khu di tích lịch sử Đền Hùng, những lá cờ Tổ quốc, cờ hội, băng rôn, áp phích rực rỡ sắc màu. Tối đến, những ánh đèn đủ màu lấp lánh, tỏa sáng khắp thành phố, tạo nên bầu không khí náo nhiệt dưới cờ hoa, chào mừng ngày hội lớn.
Mùng mười tháng ba, hàng triệu người con cùng chung dòng máu Lạc Hồng hành hương về đất Tổ. Ảnh: Quý Trung - TTXVN |
Ông Lê Khắc Kiên, đến từ huyện Thanh Hà, tỉnh Hải Dương, phấn khởi cho biết: Thấy Đền Hùng được đầu tư xây dựng khang trang, bề thế, lễ hội ngày càng được tổ chức quy mô với một không gian rộng lớn, tôi rất phấn khởi và tự hào mình là dòng giống Tiên Rồng. Đặc biệt, được thành kính dâng nén tâm nhang lên bàn thờ Tổ, tôi thật xúc động, cầu cho đất nước mãi trường tồn, hưng thịnh, vững bền, mọi người có sức khỏe...
Còn ông Đặng Quang Tân, huyện Vĩnh Tường, tỉnh Vĩnh Phúc, chia sẻ: Về Đền Hùng lần này, tôi thấy phong cảnh ở đây so với trước rất khác và đổi mới rất nhiều. Cảnh quan rất đẹp, những con đường, bậc lên xuống từ cổng chính lên đỉnh núi Nghĩa Lĩnh được đầu tư bề thế, rất sạch sẽ và an toàn. Tuy nhiên, Khu di tích lịch sử Đền Hùng là khu vực tâm linh của mọi người dân Việt Nam về đây hội tụ, nên việc đảm bảo an ninh trật tự, cảnh quan môi trường cần được Nhà nước, tỉnh Phú Thọ quan tâm nhiều hơn nhằm đảm bảo tốt hơn cho mọi người mỗi khi về dâng hương tưởng nhớ các Vua Hùng…
Ông Lưu Quang Huy, Giám đốc Khu di tích lịch sử Đền Hùng cho biết, những năm qua, Khu di tích đã triển khai rất nhiều giải pháp quản lý lễ hội, quản lý các hoạt động văn hóa ngày càng quy củ, chặt chẽ, nền nếp. Giỗ Tổ Hùng Vương - Lễ hội Đền Hùng được đánh giá là một trong những lễ hội mẫu mực, quy mô, bài bản, trang nghiêm, thành kính ở phần Lễ và phong phú, hấp dẫn ở phần Hội. Dự kiến, lượng khách về Đền Hùng năm nay đông hơn so với mọi năm. Đây là niềm vui rất lớn nhưng cũng là nỗi lo của những người quản lý Khu di tích để có thể phục vụ đồng bào được tốt nhất.
Các đội chải tranh tài tại Hội thi bơi chải Việt Trì mở rộng lần thứ nhất năm 2016. Ảnh: Trung Kiên - TTXVN |
Trước ngày khai hội, Ban tổ chức đã có phương án chống ùn tắc giao thông, bảo đảm điều kiện tốt nhất cho du khách. Công tác vệ sinh môi trường lễ hội năm nay được cải thiện đáng kể bằng việc tăng thêm người thu gom rác, đặt thêm nhiều thùng rác, nhà vệ sinh công cộng tạo thuận lợi cho du khách. Hàng quán được sắp xếp gọn gàng ở những nơi quy định…
Ông Hà Kế San, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Phú Thọ, Trưởng ban tổ chức Giỗ Tổ Hùng Vương - Lễ hội Đền Hùng 2016 cho biết: Giỗ Tổ Hùng Vương - Lễ hội Đền Hùng 2016 diễn ra trong 5 ngày, từ ngày 12 đến 16/4/2016 (tức từ ngày 6 đến 10/3 âm lịch) trong phạm vi Khu Di tích lịch sử Đền Hùng và các xã, phường vùng ven Đền Hùng; các di tích thờ Hùng Vương và các danh nhân, danh tướng thời Hùng Vương trên địa bàn toàn tỉnh Phú Thọ, trong đó trung tâm là Khu Di tích lịch sử Đền Hùng và thành phố Việt Trì.
Tại Giỗ Tổ Hùng Vương - Lễ Hội Đền Hùng năm 2016, ba tỉnh là Hưng Yên, Bình Thuận và Cà Mau tham gia góp giỗ. Hai phần chính là phần Lễ và phần Hội năm nay có thêm một số nét mới. Theo đó, phần Lễ gồm các Lễ giỗ chính như: Lễ giỗ Quốc Tổ Lạc Long Quân, Lễ dâng hương Quốc Mẫu Âu Cơ, Lễ dâng hương Giỗ Tổ Hùng Vương; rước kiệu về Đền Hùng của các xã, phường, thị trấn vùng ven Khu di tích; các địa phương nơi có đền thờ Hùng Vương dâng hương cùng thời gian tỉnh Phú Thọ tổ chức Lễ dâng hương tại Đền Thượng lúc 7 giờ ngày 10/3 âm lịch theo nghi lễ truyền thống. Các quan khách tham dự sẽ đều mặc lễ phục quốc gia.
Phần Hội diễn ra tại Khu Di tích lịch sử Đền Hùng gồm các hoạt động: Trưng bày mẫu phác thảo Tượng đài Hùng Vương để xin ý kiến đóng góp của nhân dân; Triển lãm tư liệu ảnh chủ đề “Nghi lễ tín ngưỡng thờ cúng Hùng Vương - bản sắc cội nguồn dân tộc”; Hội thi gói, nấu bánh chưng, giã bánh giầy tỉnh Phú Thọ mở rộng lần IV; Chương trình biểu diễn nghệ thuật của Nhà hát Chèo tỉnh Hưng Yên, Nhà hát Ca múa nhạc Biển Xanh Bình Thuận, Đoàn cải lương Hương Tràm tỉnh Cà Mau; các hoạt động giải thể thao quần chúng; Hội trại văn hóa, Liên hoan văn nghệ quần chúng…
Tại thành phố Việt Trì, nhiều hoạt động diễn ra: Lễ hội văn hóa dân gian đường phố Việt Trì 2016; bắn pháo hoa tầm cao; trưng bày hiện vật, tư liệu về di sản văn hóa phi vật thể “Tín ngưỡng thờ cúng Hùng Vương ở Phú Thọ” và “Hát Xoan Phú Thọ”; Chương trình “Hát Xoan làng cổ”; Hội thi Bơi Chải Việt Trì mở rộng 2016; Lễ hội Bơi Chải truyền thống trên sông Lô; Liên hoan hát Xoan thanh thiếu nhi thành phố Việt Trì lần III - 2016;…
Để đảm bảo an toàn, an ninh, văn minh, lịch sự cho du khách tham gia Lễ hội, UBND tỉnh Phú Thọ đã thành lập ba Đội công tác liên ngành để tổ chức kiểm tra, kịp thời phát hiện và xử lý các vi phạm trong hoạt động dịch vụ và các trường hợp không chấp hành nội quy, quy chế tổ chức lễ hội. Bên cạnh đó, quản lý chặt chẽ các khách sạn, nhà hàng, các dịch vụ taxi, vận tải, giá cả các mặt hàng tại lễ hội; nghiêm cấm việc kinh doanh buôn bán thú rừng, không để xảy ra tình trạng ăn xin, ăn mày, ép giá, chèo kéo làm phiền lòng du khách; đảm bảo an ninh trật tự tại các bãi đỗ xe…
Về với Giỗ Tổ Hùng Vương - Lễ hội Đền Hùng, mỗi người dân Việt Nam, dù ở vùng núi, đồng bằng hay miền duyên hải, ở trong nước hay nước ngoài đều cùng chung dòng máu Lạc Hồng, lấy đoàn kết, yêu thương, đùm bọc làm sức mạnh tinh thần trong suốt quá trình dựng nước và giữ nước. Giỗ Tổ Hùng Vương - Lễ hội Đền Hùng là dịp để khẳng định truyền thống "Uống nước nhớ nguồn", thắt chặt tinh thần đại đoàn kết toàn dân tộc, động viên toàn dân tích cực học tập, lao động sản xuất, cống hiến công sức, trí tuệ cho công cuộc công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước, cống hiến cho sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa ngày càng giàu mạnh, phồn vinh.
Ngày 10/3 âm lịch năm nay là ngày chính Hội, cũng là ngày cuối cùng của Giỗ Tổ Hùng Vương - Lễ hội Đền Hùng năm 2016. Trong ngày sẽ kết thúc các hoạt động phục vụ lễ hội như bế mạc các hội diễn văn hóa văn nghệ, hội trại, các hoạt động thể thao...