Ngày hội VH-TT-DL các dân tộc Tây Bắc:

Trình diễn nghi thức sinh hoạt văn hóa dân gian

Ngày 17/11, tại Hòa Bình tiếp tục diễn ra nhiều hoạt động của Ngày hội văn hóa, thể thao và du lịch các dân tộc vùng Tây Bắc lần thứ XII năm 2013.

Tái hiện nghi thức "Kin Pang Then" còn gọi là nghi thức ăn mừng của người dân tộc Thái tỉnh Điện Biên. Ảnh: Thanh Tùng/TTXVN


Trại trưng bày và trình diễn nghi thức sinh hoạt văn hóa là một trong những điểm nhấn và điểm mới trong khuôn khổ Ngày hội với sự tham gia của 6 tỉnh: Hòa Bình, Sơn La, Lào Cai, Yên Bái, Điện Biên và Lai Châu.

Nội dung trưng bày gồm: các ấn phẩm văn hoá, du lịch, tranh, ảnh, một số hiện vật, đồ gia dụng, ẩm thực đặc trưng của địa phương. Phần trình diễn nghi thức sinh hoạt văn hoá, mỗi tỉnh tham gia giới thiệu, trình diễn nghi thức, sinh hoạt văn hoá đặc trưng dân tộc của địa phương.

Bằng những hình ảnh, không gian, sản vật tiêu biểu từ các vùng miền Tây Bắc được trưng bày tại đây nhằm giới thiệu các sản phẩm văn hóa, quà lưu niệm phục vụ du khách. Bên cạnh đó là những màn trình diễn giới thiệu nghi thức sinh hoạt văn hóa, tâm linh và các trò chơi dân gian của các dân tộc, thể hiện tinh hoa của nền văn hóa bản địa, quan niệm nhân sinh quan, nếp sống, lối sống sinh động của của các dân tộc Tây Bắc.

Màn trình diễn giới thiệu nghi thức này có chung ý nghĩa giáo dục truyền thống với ước nguyện cầu trời, cầu đất cho mưa thuận, gió hòa, mùa màng tươi tốt.

Các tỉnh đã trình diễn những nghi thức sinh hoạt văn hoá tiêu biểu như: Lễ hội Xên Mường, xã Mường Và, huyện Sốc Cộc, tỉnh Sơn La. Dựng cây đu của dân tộc Hà Nhì, tỉnh Lai Châu. Nghi thức tổ chức ăn mừng của người Thái trắng tỉnh Điện Biên. Lễ hội cầu mùa, dân tộc Khơ Mú, xã Nghĩa Sơn, huyện Văn Chấn, tỉnh Yên Bái. Lễ hội Đu Mường Vôi, xã Nhân Nghĩa, huyện Lạc Sơn, tỉnh Hoà Bình và nghi lễ Zơ chá của dân tộc Mông tỉnh Lào Cai.

Hội thi thuyết minh viên du lịch với chủ đề “Tây Bắc thân thiện và quyến rũ” với sự tham gia của 14 thí sinh đến từ 6 tỉnh vùng Tây Bắc: Hòa Bình, Sơn La, Lai Châu, Yên Bái, Lào Cai, Điện Biên. Mỗi thí sinh phải trải qua 3 phần thi: giới thiệu về một điểm du lịch của tỉnh mình, năng khiếu (hát, múa) và giới thiệu về một điểm du lịch của tỉnh chủ nhà Hòa Bình. Nhiều điểm du lịch của Hòa Bình và các tỉnh đã được giới thiệu đến khán giả và du khách như: Mai Châu, bản Giang Mỗ (Hòa Bình); Mộc Châu (Sơn La); Sa Pa (Lào Cai).

Hội thi nhằm giới thiệu, tuyên truyền, quảng bá về văn hóa, con người và các khu, điểm du lịch tiêu biểu đặc trưng, có tiềm năng thế mạnh của các tỉnh trong vùng Tây Bắc nói chung và tỉnh Hòa Bình nói riêng. Hoạt động này góp phần thu hút đầu tư phát triển du lịch và tạo điều kiện cho các doanh nghiệp kinh doanh du lịch có cơ hội mở rộng liên doanh, liên kết phát triển các tuyến, thị trường du lịch.

Hội thi cũng là dịp để nhân dân các dân tộc Tây Bắc thể hiện sự hiếu khách, văn minh, lịch sự nhằm tạo ấn tượng riêng của vùng để thu hút du khách. Đây cũng là dịp để các thuyết minh viên thể hiện tính năng động, sáng tạo trong công tác biên tập, thuyết trình trước du khách và trao đổi nghiệp vụ, kinh nghiệm.


Nhan Sinh

Ngày hội văn hóa Tây Bắc

Ngày hội văn hóa, thể thao và du lịch các dân tộc vùng Tây Bắc lần thứ XII năm 2013 sẽ diễn ra từ ngày 16 - 18/11/2013 tại tỉnh Hòa Bình, với sự tham gia của 6 tỉnh thuộc khu vực Tây Bắc: Hòa Bình, Sơn La, Điện Biên, Lai Châu, Lào Cai và Yên Bái.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN