Đây là hoạt động văn hóa góp phần tuyên truyền kỷ niệm 75 năm ngày thành lập Mặt trận Việt Minh (19/5/1941 - 19/5/2016), giúp người xem hiểu rõ hơn về vai trò của Mặt trận Việt Minh trong việc tập hợp quần chúng để chuẩn bị cho Tổng khởi nghĩa giành chính quyền tháng Tám năm 1945 và cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp xâm lược. Trưng bày khai mạc ngày 18/5/2016 và mở cửa phục vụ công chúng tham quan đến tháng 8/2016.
Hồi tưởng quá khứ qua tư liệuTrưng bày chuyên đề “Mặt trận Việt Minh - Đại đoàn kết dân tộc (1941 - 1951)” đã giới thiệu đến công chúng nhiều bức ảnh tư liệu, hiện vật, những tài liệu quý gắn với các hoạt động của mặt trận Việt Minh từ năm 1941 đến năm 1951. Đó là những hình ảnh về Nguyễn Ái Quốc - người sáng lập Đảng Cộng sản Việt Nam và Mặt trận Tổ quốc Việt Nam; là hình ảnh về ngôi nhà gia đình họ Dương ở Pác Pó (Cao Bằng), nơi lãnh tụ Nguyễn Ái Quốc tiếp xúc quần chúng để tuyên truyền thí điểm Việt Minh, năm 1941. Đó cũng là những hình ảnh về lán Khuổi Nậm, thôn Pác Pó, Cao Bằng - nơi họp Hội nghị lần thứ 8 Ban Chấp hành Trung ương Đảng Cộng sản Đông Dương (tháng 5/1941) quyết định thành lập Việt Nam Độc lập Đồng Minh; là những bức ảnh tư liệu về căn cứ du kích Phan Đình Phùng, về chiến khu kháng Nhật ở Đông Triều - Quảng Ninh…
Cờ đỏ sao vàng mà đồng chí Nguyễn Ái Quốc mang từ nước ngoài về, treo trong ngày thành lập Mặt trận Việt Minh, tháng 5/1941. |
Cùng với những bức ảnh, trưng bày lần này còn giới thiệu đến công chúng những hiện vật đặc biệt như: Lá cờ đỏ sao vàng mà đồng chí Nguyễn Ái Quốc mang từ nước ngoài về, treo trong ngày thành lập Mặt trận Việt Minh, tháng 5/1941 tại khu rừng Pắc Pó, Cao Bằng; Khẩu súng ngắn của đồng chí Võ Nguyên Giáp dùng trong các trận Phay Khắt, Nà Ngần ngày 24 - 25/12/1944; Chiếc chày của Cứu quốc quân dùng giã gạo trong hang Phượng Hoàng núi Mỏ Gà năm 1944; Các vũ khí, đồ dùng đã được quân ta sử dụng để chiến đấu với quân giặc trong các cuộc kháng chiến…
Chương trình Việt Minh ngày thành lập Mặt trận Việt Minh 19/5/1941. |
Bên cạnh hình ảnh, hiện vật, trưng bày lần này còn giới thiệu đến công chúng những tài liệu quý gắn với các hoạt động của mặt trận Việt Minh như Nghị quyết Hội nghị Trung ương 6 Đảng Cộng sản Đông Dương; Tuyên ngôn của Mặt trận Việt Minh; Chỉ thị "Nhật - Pháp bắn nhau và hành động của chúng ta"; Quân lệnh số 1 của Uỷ ban khởi nghĩa toàn quốc, ngày 13/8/1945; Bộ tài liệu "Sơ lược về cương lĩnh và tổ chức của Việt Nam độc lập đồng minh"; Hiệu triệu của Tổng bộ Việt Minh và Trung ương Liên Việt trong dịp kỷ niệm 3 năm toàn quốc kháng chiến, kêu gọi toàn dân đoàn kết, thực hiện thống nhất nước nhà, hoàn thành cuộc cách mạng dân chủ yêu nước của nhân dân ta, năm 1949; Lời kêu gọi của Tổng bộ Việt Minh và Trung ương Liên Việt với toàn thể đồng bào, chiến sỹ nhân dịp kỷ niệm 5 năm ngày 19/8 và 2/9, năm 1950… Các sưu tập báo, truyền đơn rất có giá trị về công tác tuyên truyền vận động của Việt Minh, do Mặt trận Việt Minh phát hành, vừa để giải thích phong trào Việt Minh, vừa tuyên truyền chủ trương của Đảng...
Có thể khẳng định, những tư liệu trưng bày trong chuyên đề lần này giúp người xem hình dung rõ hơn về bối cảnh lịch sử trước khi thành lập Mặt trận Việt Minh, về lãnh tụ Nguyễn Ái Quốc - Hồ Chí Minh và vai trò định hướng, chỉ đạo của Người và sự ra đời Mặt trận Việt Minh, về các hoạt động của Mặt trận Việt Minh trong suốt 10 năm tồn tại.
Phát huy tinh thần đại đoàn kết dân tộc Theo tiến sỹ Vũ Mạnh Hà, Phó Giám đốc Bảo tàng Lịch sử Quốc gia, các hình ảnh, tư liệu, hiện vật được giới thiệu trong trưng bày chuyên đề “Mặt trận Việt Minh - Đại đoàn kết dân tộc (1941 - 1951)” không chỉ giúp người xem hiểu rõ hơn về quá trình thành lập Mặt trận Việt Minh, về các hoạt động của Mặt trận Việt Minh trong suốt 10 năm tồn tại… mà những tư liệu này còn góp phần giúp công chúng hiểu rõ hơn về vai trò của Mặt trận Việt Minh trong việc tập hợp quần chúng, phát huy sức mạnh của đại đoàn kết dân tộc trong cuộc Tổng khởi nghĩa giành chính quyền tháng Tám năm 1945 và cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp xâm lược. Bên cạnh đó, trưng bày lần này còn góp phần khơi dậy niềm tự hào về lịch sử cách mạng vẻ vang của dân tộc Việt Nam, tự hào về sức mạnh của khối đại đoàn kết toàn dân, qua đó củng cố thêm niềm tin của nhân dân với chủ trương đường lối của Đảng; từ đó, cổ vũ toàn Đảng, toàn dân và toàn quân thi đua lập thành tích ngay từ năm đầu tiên thực hiện Nghị quyết Đại hội Đảng lần thứ XII.
Hang Lùng Đán, xã Tân Lập, Bắc Sơn, Lạng Sơn - nơi luyện tập của đội Cứu quốc quân I, trong những năm 1943 - 1944. |
Từ khi ra đời, Mặt trận Việt Minh luôn giương cao ngọn cờ tập hợp, đoàn kết hết thảy các tầng lớp nhân dân không phân biệt tôn giáo và xu hướng chính trị để thực hiện cho được mục tiêu cao nhất là dân tộc giải phóng. Mặt trận Việt Minh đã hoàn thành xuất sắc vai trò của mình là ngọn cờ tập hợp, đoàn kết tất cả dân tộc Việt Nam thành một khối thống nhất tạo thành sức mạnh khổng lồ tiến hành cuộc Tổng khởi nghĩa tháng Tám năm 1945 thành công. Trong những năm kháng chiến chống thực dân Pháp (1946 – 1951), Mặt trận Việt Minh vẫn luôn giương cao ngọn cờ đoàn kết toàn dân, phát triển các đoàn thể cứu quốc trên khắp cả nước. Sau năm 1951, Mặt trận Việt Minh hợp nhất với Liên Việt thành Mặt trận Liên Việt, kháng chiến chống thực dân Pháp giành thắng lợi, lập lại hòa bình ở Đông Dương, giải phóng hoàn toàn miền Bắc (1954). Đoàn kết trong Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, Mặt trận Dân tộc Giải phóng miền Nam Việt Nam và Liên minh các lực lượng dân tộc, dân chủ và hòa bình Việt Nam, tạo sức mạnh để nhân dân ta “đánh cho Mỹ cút, đánh cho ngụy nhào”, hoàn thành sự nghiệp giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước (1975)…
Có thể khẳng định, trong 10 năm tồn tại (từ 1941 - 1951), Mặt trận Việt Minh đã có nhiều đóng góp cho cách mạng Việt Nam qua từng chặng đường lịch sử. Mặt trận Việt Minh thực sự là biểu tượng sáng ngời của khối đại đoàn kết dân tộc, của tư tưởng Hồ Chí Minh về Mặt trận Dân tộc Thống nhất. Mặt trận cũng đã để lại cho Đảng nhiều bài học quý báu, được Đảng ta vận dụng một cách linh hoạt, hiệu quả trong hai cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp, chống đế quốc Mỹ xâm lược và trong giai đoạn hiện nay, đại đoàn kết dân tộc vẫn là vấn đề mang tính thời sự có ý nghĩa quan trọng đối với sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc.