Bắc Kạn có nhiều di tích lịch sử, trong đó có 12 di tích cấp Qquốc gia và 33 di tích cấp tỉnh. Trong thời gian qua, nhiều di tích đã được trùng tu, tôn tạo. Tuy nhiên, việc trùng tu lẽ ra phải trân trọng lịch sử, thì những người thực hiện lại “hoành tráng hóa” di tích.Nhìn vào các khu di tích lịch sử cấp quốc gia được tỉnh Bắc Kạn đầu tư tôn tạo, có thể thấy ngay sự bất cập, không trung thực với nguyên bản.
Các khu di tích lịch sử vốn đơn sơ của một thời gian khó nay đã biến thành các khu di tích “hoành tráng”, mất hết ý nghĩa lịch sử của di tích cách mạng thời tiền khởi nghĩa và trong thời kỳ kháng chiến.
Những năm qua, đã có 5 di tích lịch sử cấp quốc gia trên địa bàn tỉnh được đầu tư gần 50 tỷ đồng để tu bổ, tôn tạo và thực trạng thật đáng buồn. Ông Nguyễn Duy Nghĩa, Trưởng Phòng Bảo tồn, Bảo tàng tỉnh Bắc Kạn bức xúc bởi 5 di tích cấp quốc gia được đầu tư tu bổ, các di tích là Đồn Phủ Thông, di tích Nà Tu, di tích Nà Pậu, di tích Khuổi Linh đều không tôn trọng lịch sử.
Phóng viên đã có chuyến đi thực tế đến tất cả các điểm di tích lịch sử cấp quốc gia đã được đầu tư bảo quản, tu bổ, phục hồi trên địa bàn Bắc Kạn và đã chứng kiến các di tích này đều bị “làm mới”, “hiện đại hóa".
Chẳng hạn, di tích Đồn Phủ Thông ghi dấu trận đánh công đồn nổi tiếng của quân đội ta, quá trình thi công đã san ủi, phá hết di tích gốc là hệ thống hầm hào giao thông, móng nhà đồn…, biến quang cảnh di tích hiện nay thành sân bê tông, bồn hoa cây cảnh, bia… khiến người ta không thể nhận ra đây là di tích gì.
Khu di tích Nà Tu sau khi bị "hoàng tráng hóa". Ảnh: baobackan.org.vn |
Điển hình như di tích chiến thắng Đèo Giàng đặt vị trí bia cách vị trí xảy ra sự kiện khoảng 1.400 m hay di tích Nà Tu - nơi Bác Hồ từng nói chuyện với thanh niên xung phong và tặng 4 câu thơ bất hủ “Không có việc gì khó. Chỉ sợ lòng không bền. Đào núi và lấp biển. Quyết chí ắt làm nên”. Yếu tố gốc của lịch sử không còn nhưng không có giải pháp phục hồi di tích, những người có nhiệm vụ trùng tu lại cho xây dựng bồn hoa cây cảnh trên diện tích đất thuộc khu vực I, xây dựng các công trình tại di tích lạc lõng với lịch sử.
Hoặc tại di tích Nà Pậu, nơi vào năm 1951, Bác Hồ đã ở và làm việc; khi được phục hồi, lán Bác Hồ từng ở và lán cảnh vệ đã được thực hiện không đúng lịch sử, không đúng với hồ sơ khoa học đã mô tả, dùng vật liệu khác lạ so với nguyên bản. Lán Bác Hồ từng ở và lán cảnh vệ nguyên gốc đều được làm đơn sơ, tạm bợ của thời chiến tranh với vật liệu tại chỗ, nay được dựng lên với gỗ lim nhập từ nước ngoài, nền nhà bê tông, cột nhà lại có cả kệ đá, hầm trú ẩn của Bác Hồ vốn là một căn hầm chữ T, lộ thiên nay được bê tông hóa và lợp mái, cửa hầm được làm bằng vật liệu inox và khóa lại.
Di tích Khuổi Linh, nơi ở và làm việc của Tổng Bí thư Trường Chinh và Văn phòng Trung ương Đảng năm 1950 cũng ở tình trạng tương tự. Hệ thống đường trước đây là đường mòn, nay lại là hệ thống đường lát đá, nhiều bậc, lại đào sâu xuống, vừa “xóa” lịch sử vừa phản cảm.
Tại khu vực I, là khu vực cấm xây mới các công trình không thuộc lịch sử, nay lại được xây một đài lửa quá lớn so với di tích. Việc phục hồi lán ở của Tổng Bí thư Trường Chinh và nhà khách, nhà ăn, nhà hội trường… đều không đúng với lịch sử, không đúng với hồ sơ khoa học đã mô tả, lạm dụng bê tông. Hầm trú ẩn vẫn còn nguyên gốc chữ L nhưng đã bị đào bới và làm mới bằng bê tông, có mái kiên cố.
Trong số 5 di tích trên, di tích Nà Tu và di tích Đồn Phủ Thông được giao cho Sở Xây dựng thực hiện, còn 3 di tích là di tích Chiến thắng Đèo Giàng, di tích Nà Pậu, di tích Khuổi Linh do Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch tỉnh làm chủ đầu tư. Nhưng sở này lại thành lập Ban Quản lý dự án gồm những người không có chuyên môn về di tích nên đã "hiện đại hóa" di tích, khiến du khách đến tham quan không thể hình dung đúng về giai đoạn kháng chiến của dân tộc.
Theo ông Nông Khánh Hoàn, Giám đốc Bảo tàng Bắc Kạn: "Công tác bảo quản, tu bổ, phục hồi di tích lịch sử như trên đã để lại hậu quả nghiêm trọng, làm biến dạng di tích, làm sai lệch lịch sử, phá vỡ cảnh quan khu di tích, vi phạm nghiêm trọng Luật Di sản Văn hóa, làm giảm hoặc mất giá trị lịch sử của di tích, không phát huy được giá trị của di sản".
Việc phá nguyên gốc di tích lịch sử và làm mới di tích ở Bắc Kạn bị Giám đốc Bảo tàng Nông Khánh Hoàn đánh giá là rất nghiêm trọng, bởi nếu muốn khôi phục lại giá trị nguyên gốc của di tích sẽ lại phải phá bỏ những công trình đã được xây mới trên nền di tích hoặc chấp nhận sự tồn tại không trung thực của di tích.
Nguyễn Trình