Ta lại về phố thị thân thương
Vòng tay ấm, bữa cơm sum họp
Và riêng chung bao chuyện vui buồn
Ra thăm Trường Sa rồi trở về với nhịp sốngđời thường nhưng bao kỷ niệm về Trường Sa, bao nỗi niềm cứ ùa về trong tâm tưởng, câu thơ cứ nhức nhối trong lòng, đi suốt chiều dài lịch sử từ thời tổ tiên ta mở nước:
Biển dẫu yên nhưng lòng ta lại động
Lắng tim xa những cơn bão chập chờn
Bỗng hiện hiện trang sử thời mở cõi
Máu cha ông còn bầm đỏ hoàng hôn
Bạn đọc có người đã ra Trường Sa, có người chưa một lần được đến nhưng đều đồng cảm cùng tác giả và cảm nhận Tổ quốc hiện hữu thật gần và chân chất như trên một làng quê thân thương với nhịp sống sinh sôi bất tận:
Trước Trường Sa thấy mình bé nhỏ
Tựa mốc chủ quyền thêm vững lòng hơn
Ngắm rặng mùng tơi nghe gà cục tác
Tổ quốc phía trùng khơi sinh nở trường tồn
Bài: “Mắt Trường Sa” của nhà thơ Hoàng Vũ Thuật được triển khai trên một tứ lạ:
Những con chim bay về đất liền
Sau chót đợt gió mùa
Tín hiệu những đêm trắng
Bài thơ mở ra một không gian và thời gian đầy nỗi niềm và trăn trở. Những cánh chim tín sứ từ trùng khơi ấy nối liền đất Mẹ với Trường Sa, thấm vào lòng mỗi người con đất Việt:
Những con chim bay về đây
Từ quần đảo Trường Sa bồng bềnh ngực biển
Nơi chòm sao bươm bướm cháy qua ngày
Tác giả cảm nhận và khẳng định chủ quyền biển đảo thiêng liêng của Tổ quốc một cách thật cụ thể nhưng cũng thật tinh tế:
Bạn chài lưới chúng tôi mắt sáng
Vùi trong mưa bão cánh buồm
Hai mươi sải nước là nhà
Mạch đá ngầm san hô là Tổ quốc
Và tác giả trải lòng:
Mỗi giọt mặn trên môi tôi ghì chặt
Khoảng thiêng liêng trong sạch khí trời
Là gia tài muôn thuở của đời tôi.
Cái tôi trữ tình của tác giả hòa quyện với nhịp đập trái tim của muôn người dân đất Việt đang cùng hướng về biển đảo quê hương thân yêu đã nâng bài thơ lên một tầm cao thời đại.
Có thể nói, 52 bài thơ trong tuyển tập: “Gần lắm Trường Sa” như cung đàn muôn điệu, nói lên tấm lòng của người dân đất Việt với mảnh đất nơi đầu sóng ngọn gió, trong đó mỗi bài như một hợp âm trong sáng, tràn đầy tinh thần yêu nước, quyết tâm giữa vững biển đảo bao đời ông cha ta đã đổ bao xương máu dựng xây nên và hôm nay máu của bao cán bộ, chiến sĩ của chúng ta vẫn đổ như một nhà văn, chiến sĩ Trường Sa phát hiện: “Có lẽ không ở đâu nước biển mặn như ở Trường Sa và Hoàng Sa. Mặn như máu” - (“Mấy lời mở sách” - Trần Đăng Khoa). Mỗi bài thơ dù mang tính trữ tình thế sự vẫn hài hòa với tính trữ tình công dân, mỗi nhà thơ đã trở thành một chiến sĩ, góp thêm tiếng nói của tình cảm, lương tri, ý chí và lẽ phải với Trường Sa, Hoàng Sa yêu dấu!
Trần Vân Hạc