Từ chuyện Vượng & Quyến: Về Nghệ luận chữ tài

 

Ngày mai (1/1/2012) Quốc Vượng sẽ về Vinh để đối đầu với đội bóng quê hương SLNA. Ngày mai dân Nghệ lại hồi hộp không biết Văn Quyến có “mần ăn chi được” hay không?

Xứ Nghệ-Tĩnh có nhiều cái lạ. Bóng đá cũng rất lạ. Cái lạ thứ nhất là bất chấp sự nghiệt ngã của thời thế, tài năng cứ như nấm mọc sau mưa. Đấy mới là yếu tố để SLNA trụ vững, trở thành một đội bóng có bản sắc và truyền thống hàng đầu.

Cái lạ thứ hai: sau 12 năm lên chuyên, những bể dâu của bóng đá nội thì người Nghệ “dính” nhiều nhất. Rất nhiều HLV, nhà quản lý bóng đá, cầu thủ… đã phải nếm trải những cảm giác đắng cay vì trái bóng. Có những người đến cuối sự nghiệp đã trở thành con số 0 tròn trĩnh, như Phan Thanh Tuấn, Nguyễn Phi Hùng. Ngược lại, cũng không ít điển hình cho cái tài bị thử thách để rồi từng bước lấy lại những gì đã mất. Như HLV trẻ Hữu Thắng, Nguyễn Thành Vinh hay ông Nguyễn Hồng Thanh. Công Vinh cũng xứng đáng là một tấm gương để thế hệ trẻ noi theo, ở góc độ miễn nhiễm tiêu cực, vượt những giới hạn bản thân lẫn hoàn cảnh để có một sự nghiệp khá hoàn hảo như hiện nay.



Người hâm mộ xứ Nghệ vẫn chờ đợi sự trở lại của một Văn Quyến đích thực. Ảnh: VSI



Chiều mai, sân Vinh lại xuất hiện của 2 ngôi sao đình đám một thời: Quốc Vượng và Văn Quyến. Vượng “Cơ” từng là tiền vệ trung tâm số má ở khu vực. Tương tự là “thằng béo”, đẳng cấp thậm chí thời đỉnh cao thoát ra khỏi cái ao làng Đông Nam Á. Vậy mà chiều nay, ở độ tuổi chưa đến “tam thập”, họ thi đấu trong sự phấp phỏng của những người từng hâm mộ mình. Không loại trừ cảm giác thương cảm sẽ còn tiếp diễn. Sự trượt dài của 2 kỳ tài bóng đá xứ Nghệ một thời bao giờ mới có điểm dừng? Câu hỏi vẫn còn ở phía trước. Cả Vượng và Quyến đã quá nhiều lần được tạo cơ hội để làm lại mình. Có điều, họ đã tự chặt đứt sự nghiệp, tương lai trong sự tiếc nuối của người hâm mộ cả nước.

Luận về chữ tài, lan man ngoài bóng đá, xứ Nghệ Tĩnh xưa nay cũng nhiều người con lập ngôn như tạc vào đất trời, mà các ngôi sao bóng đá “dân choa” cùng nên tham khảo. Nguyễn Công Trứ nói: “Trời đất cho ta một cái tài/Giắt lưng giành để tháng ngày chơi”. Có nghĩa theo ông, tài năng, đó là một cái vốn. Cái vốn trời cho thì phải biết quý lấy và chơi cho đúng cách. Nhưng chơi được như ông thi quá khó: “Chơi cho lịch mới là chơi/ Chơi cho đài các cho người biết tay”. Nếu dùng ngôn ngữ thanh niên Nghệ thời nay, rõ ràng cụ Nguyễn chơi đúng kiểu người đàn ông “có chất”! Còn “chơi” kiểu Vượng và Quyến để thân bại, danh liệt, quả là không ổn chút nào.

Chúng ta cũng nằm lòng lời thơ của đồng hương Nguyễn Công Trứ, cụ Nguyễn Du: “Có tài mà cậy chi tài/ Chữ tài liền với chữ tai một vần”.

Nhưng thấm thía nhất vẫn là lời của Bác Hồ, một người con xứ Nghệ: “Có tài mà không có đức là người vô dụng, có đức mà không có tài thì làm việc gì cũng khó”. Nói là khó, nhưng không có nghĩa là không làm được, khác hẳn với vô dụng. Tóm lại, bóng đá cũng thế, trời cho cái tài không chưa đủ.

Lý Bạch bên Trung Quốc nghìn năm trước nói: "Thiên sinh hữu tài tất hữu dụng" (Trời sinh ta có tài thì ắt phải cho có lúc dùng). Tiếc rằng, Quyến và Vượng đã phung phí cái tài của mình quá nhiều và kéo dài quá lâu. 3 năm gần đây, Quyến có lúc cũng được Hữu Thắng tung vào sân, thi thoảng lóe sáng, nhưng chỉ xoẹt qua như ngôi sao băng, khiến người hâm mộ anh càng chưng hửng.

Làm gì đi chứ, Vượng và Quyến?


Theo thethaovanhoa.vn

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN