Kí ức đẹp của tuổi thơ
Phong tục lì xì đầu năm mới đã gắn liền với bao thế hệ gia đình người Việt, nông thôn cũng như thành thị. Tết đến là mọi người lại nôn nao chuẩn bị những phong bao lì xì màu đỏ để lì xì con trẻ hay để mừng tuổi ông bà, cha mẹ… Trong những ngày Tết, đi tới từng nhà chúc Tết các gia đình mình yêu quý, chuẩn bị phong bao lì xì cho trẻ em, những người cao tuổi đã trở thành một nét đẹp văn hóa, mang ý nghĩa sâu xa của người Việt như: Chúc may mắn, sức khỏe và sung túc, tài lộc, hạnh phúc... đến người nhận.
Rất thích phong tục lì xì đầu năm, chị Lê Hà Anh, ngụ ở quận Thủ Đức, TP Hồ Chí Minh, chia sẻ: "Lúc nhỏ, mỗi lần vào dịp Tết, mình và mấy chị em trong nhà chỉ mong đến ngày mùng 1 Tết để được ba mẹ lì xì. Số tiền lì xì không nhiều nhưng đó là món tiền sở hữu đầu tiên của mỗi người trong năm nên ai cũng rất trân trọng nó".
Giáo sư, Tiến sĩ khoa học Trần Ngọc Thêm, Giám đốc Trung tâm Văn hóa học lý luận và ứng dụng thuộc ĐH Khoa học Xã hội và Nhân văn (ĐH Quốc gia TP Hồ Chí Minh) cho rằng: “Phong tục lì xì hay còn gọi phong tục phát vốn là một nét đẹp văn hóa truyền thống của người Việt Nam. Trong đó, người lớn sẽ phát vốn hoặc lì xì cho trẻ nhỏ để lấy may mắn trong cả năm đó. Ngoài ra, ý nghĩa của việc lì xì là người trên giúp người dưới có cơ may, tạo cho người dưới có vốn làm ăn. Trong đó “vốn” ở đây mang tính tượng trưng nên không quan trọng mệnh giá tiền trong phong bao lì xì".
Phong tục có thay đổi
Theo GS, TSKH Trần Ngọc Thêm, thông thường tiền lì xì thường là số lẻ để biểu trưng cho sự sinh sôi nảy nở. Còn phong bao tượng trưng cho sự kín đáo, không muốn có sự so bì dẫn đến chuyện xích mích, không vui trong ngày Tết. Phong bao lì xì đầu năm còn tượng trưng cho tài lộc, nhiều người nhận được hay cho đi càng nhiều bao lì xì thì càng tin rằng mình đã phát tài phát lộc…
Ngày nay, cuộc sống ngày càng hiện đại, đời sống người dân cũng no đủ hơn trước thì tục lì xì cũng có nhiều thay đổi. Nếu như trước kia phong bao lì xì chỉ có người lớn dành cho trẻ nhỏ thì ngày nay trong dịp Tết Nguyên đán, ông bà, cha mẹ cũng nhận được phong bao lì xì từ con cháu trong nhà. Với ý nghĩa con cháu mong muốn cầu chúc cho ông bà, cha mẹ mình sống lâu bên con cháu.
GS.TSKH Trần Ngọc Thêm cũng cho biết, theo phong tục của người Việt, không chỉ trẻ nhỏ mà người già cũng được nhận lì xì từ con cháu. Bởi truyền thống người Việt luôn trọng người có tuổi, thêm tuổi tức là thọ. Việc lì xì cho ông bà còn mang ý nghĩa mong muốn ông bà thọ lâu và cũng để ông bà có “đồng ra đồng vào” trong những ngày đầu năm. Đối với trẻ con, tiền lì xì không cần quan trọng việc nhiều hay ít, nhưng tiền lì xì dành cho ông bà càng nhiều càng tốt, tùy vào khả năng của con cháu để ông bà có thể sử dụng thỏa mái khi về già. Đây cũng là một cách báo hiếu của con cháu đối với ông bà, cha mẹ mình trong dịp đầu năm mới.
Tiền lì xì có ý nghĩa tượng trưng nhiều hơn là giá trị vật chất trong ngày đầu năm mới. Để giữ gìn nét đẹp văn hóa truyền thống của người Việt, người lớn cần giáo dục và định hướng cho con trẻ khi nhận tiền lì xì. Cần hướng con trẻ không nên tham tiền lì xì và nên coi đó là tiền may mắn người lớn trao cho mình để cả năm được may mắn, nhiều lộc. Việc nhiều hay ít không quan trọng mà quan trọng ở tấm lòng người trao tặng cho mình.
Câu chuyện phong bao lì xì là chuyện nhỏ, nhưng nó hàm chứa nhiều ý nghĩa về tình cảm gia đình, cha mẹ, con cái... Đi kèm với phong bao lì xì còn là thông điệp của người lớn muốn nhắn nhủ với trẻ em và chúc phúc cho trẻ em như: chăm ngoan hơn, học giỏi, khỏe mạnh... Theo thời gian, khi lớn lên, những đứa trẻ đều lưu giữ ấn tượng rất sâu sắc về chiếc phong bao lì xì trong ngày Tết như một kỉ niệm tuổi thơ với tình cảm nồng ấm bên gia đình.